Số lượt truy cập
Hôm nay 7079
Hôm qua 58866
Tuần này 170649
Tháng này 3208475
Tất cả 193004059
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 03/10/2019
Thanh Hóa - điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Ở mỗi thời điểm khác nhau, đối diện với không ít khó khăn, tỉnh Thanh Hóa luôn có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo và đồng bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, người nông dân tự hào, hòa mình vào công cuộc lớn, khát vọng dựng xây và kiến tạo, làm nên bức tranh sáng trong xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hóa - điểm sáng xây dựng nông thôn mớiTrồng rau thủy canh tại xã Quảng Tâm (Quảng Xương) đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Hóa là tỉnh có số xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) lớn nhất cả nước, với điểm xuất phát thấp lại thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, nhưng Thanh Hóa xác định phát triển nông nghiệp và XDNTM là cơ hội lớn để phát triển toàn diện nông thôn. Ở mỗi thời điểm khác nhau, đối diện với không ít khó khăn tỉnh Thanh Hóa luôn có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo và đồng bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, người nông dân tự hào, hòa mình vào công cuộc lớn, khát vọng dựng xây và kiến tạo, làm nên bức tranh sáng trong XDNTM.

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM trong điều kiện là công việc mới, có người còn hoài nghi, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nơi thiếu quyết liệt. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh việc nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, với quyết tâm chính trị cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, cách làm bài bản, có nhiều sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nhất là sự tự giác tham gia hưởng ứng của người dân, theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ; lấy tài dân, sức dân để lo cho dân, Nhà nước đóng vai trò định hướng, giúp đỡ và hỗ trợ. Nhờ đó, mô hình thôn, bản, xã, huyện NTM đã hiện thực hóa ở nhiều nơi trên miền đất xứ Thanh. Thành quả to lớn gặt hái được chính là bắt đầu từ công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, ban hành thể chế đến công tác tuyên truyền, vận động; công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và nhận thức của người dân và cán bộ cơ sở; công tác quy hoạch; huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; công tác giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; công tác quốc phòng, an ninh trật tự và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ở nông thôn... đều phát huy được truyền thống vốn có, thể hiện được sự năng động, sáng tạo và chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Thanh Hóa - điểm sáng xây dựng nông thôn mớiCông nhân Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam (Cụm Công nghiệp xã Định Liên, huyện Yên Định) trong ca sản xuất.

Ngay sau khi Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM được ban hành, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chương trình từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản. Cùng với đó, hệ thống văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập, kiện toàn, tăng cường tính chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. BCĐ các cấp đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Cùng với triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và XDNTM, như: Cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hỗ trợ phát triển cao su; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung; khuyến khích phát triển giao thông nông thôn; hỗ trợ thôn, xã, huyện XDNTM; khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2015, định hướng đến năm 2030; khuyến khích đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa... Ngoài ra, các huyện cũng ban hành các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, khen thưởng trong XDNTM. Các cơ chế, chính sách được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, góp phần tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Đáng chú ý, trong khi một số nội dung, vấn đề chưa có hướng dẫn hoặc còn phải chờ văn bản hướng dẫn của Trung ương, song căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và với cách tiếp cận tự tin, sáng tạo, năm 2011 tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành hướng dẫn lập “Quy hoạch xã NTM 3 trong 1”, quy định “Lấy phiếu đánh giá về sự hài lòng của người dân”, “Quy định trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí NTM”, đặc biệt là đến đầu năm 2014 đã ban hành “Bộ tiêu chí thôn, bản NTM” (hiện nay cho thấy những vấn đề này đã đi trước 3 - 5 năm). Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đã được triển khai toàn diện, rộng khắp và bằng nhiều hình thức từ tỉnh đến cơ sở với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã chủ trì thực hiện và phối hợp với các huyện tổ chức 171 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức XDNTM cho hơn 22.539 lượt người là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành viên BCĐ cấp huyện, xã và cán bộ thôn, bản. Đồng thời, tổ chức 3 hội nghị cấp tỉnh, 27 hội nghị cấp huyện cho 4.945 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo huyện ủy, UBND; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể cấp huyện; bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, cán bộ, công chức nông nghiệp các xã, phường, thị trấn, giám đốc các HTX dịch vụ nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung, quy trình triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Về sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 2,3%/năm (năm 2018 tăng 2,68%, ước năm 2019 tăng 2,7%). Toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt 30.222 ha cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; xây dựng 35.612 ha mô hình cánh đồng mẫu lớn (chiếm 3,9% diện tích đất nông nghiệp); 36.410 ha mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (chiếm 4% diện tích đất nông nghiệp). Phát triển chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao (nhất là phát triển trang trại); đồng thời, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Hiện trên địa bàn tỉnh tổng đàn trâu khoảng 198 nghìn con, đàn bò 255 nghìn con, đàn lợn 813,8 nghìn con, đàn gia cầm 19.678 nghìn con; tổng sản lượng thịt hơi đạt 230,9 nghìn tấn. Sản xuất thủy sản tăng trưởng khá, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 19.000 ha, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt hơn 160.000 tấn. Sản xuất lâm nghiệp phát triển khá, tổng diện tích đất có rừng là 630.959 ha, bảo vệ tốt 598.573 ha rừng, trồng mới trên 99.832,6 ha rừng tập trung; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,03%, tăng 5,83% so với năm 2010. Chương trình OCOP được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực. UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đưa các sản phẩm thuộc chương trình OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam; xây dựng website chương trình OCOP; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Các mô hình phát triển sản xuất được quan tâm hỗ trợ thực hiện, đến nay, tỉnh đã phân bổ 186,66 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của Trung ương hỗ trợ cho các địa phương và một số đơn vị cấp tỉnh triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến và xuất khẩu tại huyện Thọ Xuân; trồng cây dược liệu kết hợp cây ăn quả ở xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa); trồng rau mầm ở xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn); sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông ở xã Nga Thiện (Nga Sơn); sản xuất hoa trong nhà lưới ở xã Liên Lộc (Hậu Lộc); nuôi tôm thẻ chân trắng trên nền cát có phủ bạt tại xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa); sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau má Tây Đô (Vĩnh Lộc); trồng dược liệu ở xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa); trồng ngô biến đổi gen ở các xã Định Hải, Yên Trường (Yên Định); trồng bưởi da xanh ở xã Thọ Phú, trồng nấm linh chi ở xã Nông Trường (Triệu Sơn)... Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân dần nâng lên, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương có điều kiện huy động nguồn lực thực hiện Chương trình XDNTM. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 26,96% năm 2010 xuống còn 6,25% năm 2018, bình quân giảm 2,56%/năm (toàn tỉnh 5,84%), ước năm 2019 giảm còn 3,7%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 8,9 triệu đồng năm 2010 lên 32,5 triệu đồng năm 2018, tăng 3,65 lần so với năm 2010 và tăng 1,6 lần so với năm 2015 (toàn tỉnh 36,18 triệu đồng/người), ước năm 2019 đạt 37,6 triệu đồng. Tổng huy động nguồn lực cho Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM 56.394,141 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 3.455,992 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 733,303 tỷ đồng, ngân sách huyện 3.280,017 tỷ đồng, ngân sách xã 7.217,981 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án 20.075,573 tỷ đồng, vốn tín dụng 6.787,873 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và HTX 2.868,896 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng dân cư 11.974,506 tỷ đồng (tiền mặt 7.313,715 tỷ đồng; tham gia ngày công lao động, hiến đất, vật liệu, đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng, chỉnh trang nhà ở 4.660,791 tỷ đồng). Từ nguồn vốn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Sau hơn 9 năm XDNTM, các xã trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo được 13.965 km đường giao thông nông thôn; 1.274 cống tưới tiêu và công trình thủy lợi, 3.892 km kênh mương; 7.286 km đường dây truyền tải điện các loại, 972 trạm biến áp; 12.039 phòng học; 350 công sở xã; 518 trạm y tế xã; 538 trung tâm văn hóa, thể thao xã; 3.431 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản; 506 trung tâm dịch vụ thương mại và chợ nông thôn...; chỉnh trang và xây mới 176.055 nhà ở dân cư.

Công tác giáo dục được chú trọng, tỷ lệ trẻ em ra lớp đúng độ tuổi bậc mầm non và tiểu học đạt 100%, tỷ lệ phổ cập tiểu học và THCS đạt 100%, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 được xóa mù chữ đạt 99,39%, có 65,7% trường mầm non, 84,6% trường tiểu học, 62,13% trường THCS đạt chuẩn quốc gia, tăng tương ứng so với năm 2010: Mầm non 42,9%, tiểu học 26,87%, THCS 44,29%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện có hiệu quả. Công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Chung sức XDNTM” được triển khai thực hiện sâu rộng và đạt được nhiều kết quả... Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững... Đến nay, trên bình diện chung cũng như từng nội dung cụ thể hay lấy thước đo mức tiêu chí đạt làm quy chuẩn, điều dễ thấy ở các địa phương trong tỉnh đều có mức tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Bình quân chung cả tỉnh, khi bắt đầu triển khai ở mức 4,7 tiêu chí/xã (khu vực đồng bằng 5,5 tiêu chí, khu vực miền núi 3,3 tiêu chí), hiện nay đạt 16,56 tiêu chí/xã (khu vực đồng bằng 17,8 tiêu chí, khu vực miền núi 13,7 tiêu chí). Điều đáng mừng, theo mức chuẩn tiêu chí thu nhập bình quân đầu người khi triển khai XDNTM thì chỉ có 57 xã đạt (bằng 10% số xã), hiện nay đạt 37,6 triệu đồng/người/năm và theo chuẩn tiêu chí NTM thì đã có 429 xã đạt (bằng 75,4% số xã); tiêu chí hộ nghèo kết quả tương ứng là 26,96%, có 12 xã đạt (2,1%), hiện nay là 6,25% và có 424 xã đạt (74,5%). Đã có 592/1.659 thôn, bản miền núi (sau khi sáp nhập) đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 35,68%, vượt 15,68% so với mục tiêu. Cùng với việc xây dựng thôn, bản NTM trên diện rộng, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu và chủ trương triển khai xây dựng thí điểm 6 thôn NTM kiểu mẫu. Hiện đã có 2 thôn được công nhận đạt thôn NTM kiểu mẫu; các thôn còn lại cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu theo quy định. Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 347 xã đạt 19 tiêu chí NTM; trong đó, đã có 332 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 58,35% (có 23/100 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 30a và 16/30 xã bãi ngang ven biển đạt chuẩn NTM), vượt 2,55% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Có 4 xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc), Trường Sơn (Nông Cống), Phú Lộc (Hậu Lộc), Định Tân (Yên Định) hoàn thành 15 tiêu chí xã NTM nâng cao. Triển khai xây dựng thí điểm 2 xã NTM kiểu mẫu, xã Định Tân (Yên Định) và xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa). Đã có 5 huyện Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc được công nhận đạt chuẩn NTM; TP Thanh Hóa đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận hoàn thành XDNTM; thị xã Bỉm Sơn đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Và rất đáng chú ý Thanh Hóa là một trong hai tỉnh từ năm 2012 đã có những xã đã đạt chuẩn NTM đầu tiên và hiện nay cũng là tỉnh có tổng số xã đạt chuẩn NTM cao nhất cả nước; đồng thời là một trong năm tỉnh có số huyện đạt chuẩn cao nhất cả nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, tỉnh ta rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là: Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể; trong đó, vai trò của người đứng đầu là nhân tố quyết định. Xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở; ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích XDNTM. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, các thành viên BCĐ các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung XDNTM. Coi trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là huy động nguồn lực trong nhân dân; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn phục vụ XDNTM... Trong XDNTM phải thực sự phát huy dân chủ, bảo đảm công khai minh bạch từ công tác quy hoạch, kế hoạch, xác định lộ trình, huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện từng nội dung trong XDNTM.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; XDNTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”. XDNTM gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua để XDNTM, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường. XDNTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng xã hội nông thôn có kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, quan hệ cộng đồng gắn bó, nghĩa tình; cư dân nông thôn có thu nhập cao, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Phấn đấu năm 2020, có thêm ít nhất 30 xã, 2 huyện, 70 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã. Phấn đấu có khoảng 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 2 xã, 3 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP theo đề án được duyệt. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 5 huyện, 150 xã đạt chuẩn NTM (khoảng 86% số xã XDNTM); bình quân toàn tỉnh đạt 18,5 tiêu chí/xã. Có khoảng 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có khoảng 50% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; hàng năm, mỗi huyện phấn đấu có ít nhất 1 thôn, bản NTM kiểu mẫu. Đến năm 2030, toàn tỉnh có từ 15 huyện trở lên và 100% số xã đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 19 tiêu chí/xã, có 100% thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM, khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, mỗi huyện có ít nhất 15% thôn, bản NTM kiểu mẫu.

 

Nguồn tin: http://baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 24664


Các tin khác:
 Hạ tầng và phát triển sản xuất: “Bệ phóng” xây dựng nông thôn mới ở huyện Thọ Xuân (03/10/2019)
 Huyện Vĩnh Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (26/09/2019)
 Thêm 20 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (12/09/2019)
 Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới kiểm tra, đánh giá mức độ đạt chuẩn Nông thôn mới huyện Vĩnh Lộc (28/08/2019)
 Yên Định xứng đáng là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh (27/08/2019)
 TP Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới (27/08/2019)
 Xã Vĩnh Ninh đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM (27/08/2019)
 Thọ Xuân tập trung xây dựng huyện nông thôn mới (27/08/2019)
 Huyện Hoằng Hóa: 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới (24/08/2019)
 Công nhận huyện Đông Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (22/08/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang