Số lượt truy cập
Hôm nay 6434
Hôm qua 58866
Tuần này 170004
Tháng này 3207830
Tất cả 193003414
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 22/04/2015
Những vấn đề cần quan tâm khi lập trang trại chăn nuôi

     Phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại không những giúp người chăn nuôi có công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cuộc sống mà còn vươn lên làm giàu.

     Từ trước tới nay đã có rất nhiều trang trại, gia trại ăn nên làm ra từ phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, cũng không ít gia đình cũng bị khuynh gia bại sản vì chăn nuôi, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó nổi cộm nhất là vấn đề thiếu kiến thức, tư tưởng nóng vội trong quá trình đầu tư xây dựng trang trại, gia trại. Để phần nào định hình được trang trại, gia trại mà mình định làm, bà con cần chú ý mấy vấn đề sau:

     Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu kỹ chủ trương, chính sách về đất đai và những vấn đề có liên quan đến đất đai như: văn bản hướng dẫn tại địa phương về vấn đề trang trại, quy hoạch đất, môi trường, thuế... và tiến hành thận trọng đúng luật pháp những quy định trên. Đối với những người chăn nuôi gia trại nhỏ lẻ gần khu dân cư... phải chú ý đến vấn đề xử lý chất thải, mùi hôi như thế nào để không làm ô nhiễm môi trường sống của gia đình cũng như cộng đồng xung quanh.

     Tiếp theo, cần thu xếp thời gian đi tham quan học hỏi ở nhiều mô hình, nhiều địa phương, nhiều đối tượng khác nhau trước khi lập trang trại để học hỏi và rút ra những bài học kinh nhgiệm bổ ích cho mình. Những vấn đề cần quan tâm khi đi tham quan học hỏi nên tập trung vào những nội dung sau:

- Những đặc điểm sinh thái và tập quán trong vùng.

- Quy mô trang trại.

- Mô hình trang trại, định hướng sản xuất, sản phẩm dịch vụ chủ yếu.

- Phương pháp chăn nuôi, những vấn đề them chốt hoặc bí quyết kỹ thuật.

- Hiệu quả kinh tế chung về từng loại vật nuôi.

- Thị trường tiêu thụ.

- Cách tổ chức điều hành và sử dụng nhân lực (lao động).

        - Đặc biệt là những nguyên nhân thành công, không thành công của từng trang trại.

     Sau khi đi khảo sát thực tế, cần dành nhiều thời gian tham khảo sách báo, tư liệu kỹ thuật có liên quan để nâng cao kiến thức, trên cơ sở đó quyết định mô hình chăn nuôi và tổ chức điều hành thực hiện.

     Để làm được điều này, trước hết phải trả lời cho sáng tỏ câu hỏi: “Làm gì”. Một định hướng kinh doanh trang trại sẽ đảm bảo thắng lợi đến 80%. Giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

     Vấn đề đó là, làm trang trại không phải là làm thí nghiệm, hoàn cảnh không cho phép chúng ta lần lượt áp dụng các mô hình khác nhau để chọn lấy một mô hình tối ưu, bởi lẽ nó có thể làm chúng ta mất 3 năm, 5 năm. (ví dụ: Khi nuôi 1 con vật phải hết chu kỳ của nó mới đánh giá hết được, hay chuồng nuôi chuyên dụng đã xây xong không thể phá bỏ đi mà không gây ra những thiệt hại to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần...).

     Nhưng thế nào là một định hướng đúng? đó là 1 mô hình trang trại khi sản phẩm của nó được thị trường chấp nhận, vốn quay vòng nhanh và sinh lời rõ rệt. Để đạt được điều đó, chúng ta nên bỏ thêm công sức đi nghiên cứu thị trường. Chính thị trường là người cố vấn cao nhất gợi ý cho chúng ta nên làm gì? Hãy bán những thứ thị trường cần chứ đừng bán những gì mình có.

     Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là phải tham khảo, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học. Có thể nói việc lập trang trại dựa trên cơ sở khoa học thực tiễn chính là “chìa khóa” thành công trong chăn nuôi hiện nay. Việc tham khảo, lấy ý kiến chuyên gia phải được thực hiện ngay từ việc góp ý cho ý tưởng, tư vấn thiết kế xây dựng chuồng trại, trang thiết bị sử dụng, kiến thức khoa học kỹ thuật chuyển giao, kỹ năng thực hành và cả những hỗ trợ, can thiệp chuyên môn...

      Một việc làm hết sức quan trọng, không thể bỏ qua đó là phải xây dựng dự án kinh doanh của gia trại, trang trại. Như chúng ta đã biết, giữa định hướng mô hình trang trại với dự án kinh doanh cụ thể thường có những điểm chung nhưng không hoàn toàn thống nhất.

     - Định hướng mô hình là trả lời câu hỏi: Chăn nuôi con gì?

     - Dự án kinh doanh là trả lời cho câu hỏi: Chăn nuôi như thế nào? quản lý vốn, đất đai, máy móc, nhân công ra làm sao?.

     Dự án kinh doanh trang trại thực chất là một bản kế hoạch tổng hợp bao gồm những biện pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện những ý tưởng đã được khẳng định.

     Hiện nay, việc chăn nuôi phải được định hướng theo nhu cầu thị trường, do đó cần có phương án tốt mới có khả năng thành công. Bỏ thêm công sức, thời gian và cả tiền bạc để xây dựng dự án kinh doanh trang trại đúng đắn sẽ giúp chúng ta yên tâm đầu tư. Chủ động lường trước khó khăn và tìm biện pháp khắc phục kịp thời. Dự án càng khoa học, sát thực tiễn càng giúp chúng ta quản lý, điều hành trang trại một cách có hiệu quả, tốn ít công sức, giảm chi phí và ngăn ngừa rủi ro.

     Cuối cùng là việc tổ chức thực hiện: Sau khi dự án được thông qua (đã tham khảo ý kiến chuyên gia, bạn bè...) chúng ta nên bắt tay vào tổ chức thực hiện càng sớm càng tốt. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới vào dự án cho phù hợp với những biến động trong thực tiễn trang trại và trên thị trường.... bởi lẽ giữa ý đồ, kế hoạch do chúng ta đưa ra so với thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định.

     Một trong những bài học quý giá mà những người làm trang trại giỏi đem đến cho chúng ta không chỉ là “ý chí quyết tâm, sự cần cù chịu khó với tinh thần mạnh dạn sáng tạo” mà còn phải có “bản lĩnh của một ông chủ, một người chỉ huy tác chiến, một nhà tổ chức tài năng”.

     Mọi dự án đều nằm trên giấy, chỉ khi nào chúng ta tổ chức thực hiện chúng mới biến thành sự sống giúp ích cho chúng ta.

Lê Sĩ Thành - TTKN Thanh Hóa

In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 21572


Các tin khác:
 Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tổ chức tập huấn đào tạo giảng viên khuyến nông cấp Quốc gia (17/04/2015)
 CHUYỂN ĐỔI ĐẤT LÚA KÉM HIỆU QUẢ SANG TRÔNG RAU MÀU CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO  (17/04/2015)
 Lịch sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tháng 4/2015 (31/03/2015)
 Phát hiện sớm và phòng trừ bệnh đạo ôn (13/03/2015)
 ICM trên cây khoai tây – giải pháp kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất (06/03/2015)
 Một số lưu ý khi vệ sinh tiêu độc sát trùng trong chăn nuôi  (06/03/2015)
 Khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau dịp tết Nguyên đán (04/03/2015)
 Lịch sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tháng 3/2015 (26/02/2015)
 Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà thịt trong nông hộ đảm bảo an toàn dịch bệnh tại Quan Sơn (13/02/2015)
 Canh tác lúa theo SRI, giải pháp trong canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa (06/02/2015)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang