Số lượt truy cập
Hôm nay 48531
Hôm qua 39190
Tuần này 153235
Tháng này 3191061
Tất cả 192986645
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 08/09/2015
Bảo tồn ngoại vi - Một số kết quả bước đầu trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với diện tích 23.815,5 ha là Khu rừng đặc dụng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong các Trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam

Vườn quốc gia, Khu bảo tồn được thiết lập để bảo vệ các loài hoang dã cũng như bảo vệ môi trường sống tự nhiên của chúng. Việc bảo tồn các loài hoang dã được thực hiện dưới hai hình thức phổ biến là Bảo tồn nội vi (In-situ conservation) và Bảo tồn ngoại vi (ex-situ conservation).

Bảo tồn nội vi được hiểu là quá trình bảo tồn một loài nào đó tại nơi cư trú tự nhiên (on-site conservation) của nó, bao gồm việc bảo vệ khu vực sinh sống từ các tác động bên ngoài hoặc bảo vệ loài này khỏi các loài săn mồi. Lợi ích của việc bảo tồn nội vi là duy trì được sự tái lập các quần thể ở tại nơi mà chúng đã phát triển các đặc điểm riêng biệt của chúng.

Bảo tồn ngoại vi, trên lý thuyết là quá trình bảo tồn ở bên ngoài nơi cư trú tự nhiên (of-site conservation) của một loài nào đó. Đây là quá trình bảo vệ một loài nguy cấp bằng cách chuyển một phần quần thể từ nơi cư trú bị đe dọa và đưa đến một chỗ mới, có thể là một khu vực hoang dã hoặc một khu vực có sự chăm sóc của con người. Biện pháp bảo tồn ngoại vi là chuyển dời và bảo tồn các loài hoặc các nguyên liệu sinh học của chúng trong môi trường mới không phải là nơi cư trú tự nhiên vốn có của chúng. Bảo tồn ngoại vi bao gồm bảo quản giống, loài, nuôi cấy mô, thu thập các cây để trồng và các loài động vật để nuôi nhằm duy trì vốn gen quý hiếm, phục vụ nghiên cứu khoa học, nâng cao dân trí và giáo dục lòng yêu thiên nhiên cho mọi tầng lớp nhân dân.

Thực tiễn hoạt động bảo tồn thiên nhiên ở Việt nam đã không thành công trong phương pháp bảo tồn nội vi với một số loài động thực vật nguy cấp, quí, hiếm  và thực tiễn có loài đã tuyệt chủng trong tự nhiên như Tê giác java một sừng (tuyệt chủng tại Việt nam năm 2011), một số loài báo động đang nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai gần như loài hổ Đông dương, Voi châu Á…; thực vật có Thông đỏ… Để bảo tồn bền vững những loài nguy cấp trước khi quá muồn, nhiệm vụ của các nhà bảo tồn cần  đẩy mạnh thực hiện phương pháp bảo tồn ngoại vi và đa dạng các các hình thức như:  Nhân nuôi loài tại các vườn thú, công viên Quốc gia; nhân nuôi phát triển gắn ứng dụng công nghệ mới bằng mô tế bào…

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với diện tích 23.815,5 ha là Khu rừng đặc dụng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong các Trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Kết quả điều tra hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên có 1.142 loài thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch với 620 chi, 180 họ trong đó có 35 loài trong sách đỏ Việt Nam, 12 loài trong Sách đỏ Thế giới như Pơ mu, Sa mu, Bách xanh, Dẻ tùng sọc trắng…). Đặc biệt, Khu BTTN Xuân Liên còn có gần 4.000 ha rừng nguyên sinh là nơi phân bố tập trung của 2 loài hạt trần quý hiếm Pơmu (Fokienia hodginssi), Sa Mu (Cunninghamia lanceolata) đường kính bình quân từ 1-1,5m. Hệ động vật có 1.631 loài thuộc 209 họ, 38 bộ, trong đó: Khu hệ thú có 80 loài thuộc 26 họ, 9 bộ với 27 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế giới,như Bò tót, Gấu ngựa, Vượn đen má trắng, Gà lôi, Chim trĩ, Nai, các loài Mang (Muntiacus spp); Khu hệ chim có 192 loài thuộc 41 họ, 15 bộ với 10 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế giới; Khu hệ bò sát có 41 loài thuộc 11 họ, 2 bộ với 15 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế giới; Khu hệ Ếch nhái có 36 loài thuộc 7 họ, 2 bộ; Khu hệ Côn trùng có 1.282 loài thuộc 124 họ, 10 bộ.Ngoài ra trong khu vực còn có các loài động vật thủy sinh quý như: Cá Lăng chấm, cá Ké…

Để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại Khu BTTN Xuân Liên trong suốt 15 năm qua, bảo tồn nội vi được xác định là phương pháp chủ yếu. Tuy nhiên, trước sự phát triển  kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, phương thức bảo tồn nội vi đang chịu sức ép rất lớn từ mặt trái của nền kinh tế thị trường: tình trạng xâm lấn đất rừng, phá hoại sinh cảnh rừng, khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật rừng trái phép là nguyên nhân chủ yếu đang làm thu hẹp, suy giảm số lượng cá thể và kích thước vùng sống của quần thể các loài động thực vật hoang dã. Để bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học bền vững, giải quyết bài toán hài hòa giữa bảo tồn thiên viên và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu; Cùng với chú trọng phương thức bảo tồn nội vi, Khu BTTN Xuân Liên đã xác định từ rất sớm triển khai  phương thức bảo tồn ngoại vi và sau 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, đáng ghi nhận:

1) Xây dựng vườn thực vật: Đến nay, Đơn vị đã quy hoạch và xây dựng 01 vườn thực vật diện tích 90,796 ha, quy tập và lưu giữ khoảng 90 loài, thuộc 41 họ được gieo trồng. Trong đó, có nhiều loài có giá trị sử dụng cao như Sế mật, Nghiến, Đinh, Táu mật, Quế Thanh…

H1: Vườn thực vật Khu BTTN Xuân Liên

2) Xây dựng khu cứu hộ động vật: Xác định rõ ngoài chức năng lưu giữ nguồn gen động vật hoang dã, công tác cứu hộ động vật, xây dựng khu bán hoang dã các loài thú có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục mọi tầng lớp nhân dân lòng yêu thiên nhiên cũng như ý thức bảo vệ động vật. Đến nay, Đơn vị đã triển khai quy hoạch Khu cứu hộ động vật bán hoang dã quy mô 50 ha, triển khai xây dựng Trung tâm cứu hộ có chức năng thu nhận tất cả các loài động vật hoang dã bị tịch thu từ những người săn bắt, buôn bán trái phép để chăm sóc, điều trị, phục hồi sức khoẻ trong điều kiện nuôi nhốt; đồng thời nuôi cứu hộ bán tự nhiên một số loài, sau đó thả chúng trở lại môi trường tự nhiên vốn là những nơi sinh cư của chúng, bước đầu tổ chức chăm sóc cứu hộ thành công 02 cá thể Gấu ngựa, 10 cá thể Khỉ mặt đỏ, 20 cá thể Gà rừng, 02 cá thể Gà lôi...

H 2,3: Cứu hộ Khỉ mặt đỏ, Gấu ngựa tại Khu BTTN Xuân Liên

3) Xây dựng vườn giống, rừng giống gắn tuyển chọn công nhận cây trội cung cấp vật liệu giống từ chính những loài có phân bố trong rừng vùng lõi Khu bảo tồn; là những loài quí hiếm, loài có giá trị kinh tế cao để tạo giống phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien bền vững và phát triển rừng trên địa bàn trong ngoài tỉnh: Đã chuyển hóa 10 ha rừng giống Keo tai tượng, tạo nguồn giống có chất lượng phục vụ sản xuất và cung cấp 40 vạn cây giống mỗi năm; Điều tra, tuyển chọn công nhận 30 cây trội giống Giổi ăn hạt, sản xuất 1 vạn cây giống, quy hoạch trồng 03 ha rừng giống Giổi ăn hạt và 01 ha vườn giống Giổi ăn hạt vô tính; Điều tra, tuyển chọn công nhận 60 cây trội giống Giổi xanh, gắn quy hoạch, trồng 03 ha rừng giống Giổi xanh và 02 ha vườn giống giổi Xanh vô tính; Điều tra, tuyển chọn công nhận 100 cây trội giống Quế ngọc thu hái sản xuất 50 vạn cây giống, xây dựng 03 ha vườn giống Quế vô tính;  Điều tra, tuyển chọn công nhận 40 cây trội giống Ràng ràng mít; Điều tra, tuyển chọn 20 cây loài Mỡ. Từng bước triển khai trồng khảo nghiệm, nếu phù hợp sẽ triển khai trồng rừng gỗ lớn gắn đề án tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp.

              H4: Vườn ươm cây giống                                          H5: Rừng giống Giổi ăn hạt

4) Xây dựng vườn cây thuốc:  Kết quả điều tra có 315 loài cây thuốc, bước đầu công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc đã được triển khai với việc quy tập trồng 01 ha cây Thiên niên kiện (Homalomena aromatica Roxb) và 01 ha cây Cát sâm (Millettia speciosa Champ), 02 ha Sa nhân tím (Amomum longiligulare T.L.WU)...

5. Xây dựng vườn quy tập các loài Lan tự nhiên:  Quy hoạch và xây dựng 02 vườn sưu tập các loài Lan rừng tự nhiên diện tích 244m2, quy tập và lưu giữ 50 loài, thuộc 18 chi của họ Lan. Trong đó, có 04 loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao như lan Kim tuyến, lan Hài lông, Quế lan hương, Hoàng thảo kiều tím để nhân nuôi tạo hàng hóa gắn phát triển du lịch sinh thái. 

H6,7: Bảo tồn ngoại vi các loài Lan tự nhiên

           Với những kết quả bước đầu đã đạt được, bảo tồn ngoại vi đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho bảo tồn nội vi. Bảo tồn ngoại vi là kế sách hiệu quả trong giải quyết bài toán từ sức ép tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường lên công tác bảo tồn đa dạng sinh học, mà phương thức bảo tồn nội vi còn hạn chế hoặc bất khả thi. Tuy nhiên, thực trạng công tác bảo tồn ngoại vi cũng còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định đó là: Vườn thực vật, vườn giống, rừng giống, vườn cây thuốc cho bảo tồn nguồn gen cây rừng được quy hoạch, thiết kế chưa có hệ thống khoa học và đại diện cho các đại diện loài, hệ sinh thái đặc trưng có trong Khu bảo tồn; công tác sưu tập với các loài quý hiếm, các loài thực vật ngoài gỗ còn ít; số lượng loài sưu tập hạn chế; công tác cứu hộ động vật còn ở giai đoạn sơ khai. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, hiểu biết về loài hoang dã, về bảo tồn ngoại vi làm việc tại vườn thực vật, trạm cứu hộ động vật thiếu và chưa được quan tâm đào tạo. Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo tồn ngoại vị nhiều hạn chế và chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức.

          Xác định nhiệm vụ bảo tồn ngoại vi, là hoạt động song cùng với bảo tồn nội vi nhằm đạt được mục tiêu xuyên suốt trong bảo tồn bền vững tiềm năng đa dạng sinh học của Khu bảo tồn; thích ứng được với thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thời gian tới Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên xác định một số phương hướng và giải pháp thực hiện phương thức bảo tồn ngoại vi trọng tâm, cần tập trung một số hành động trọng tâm sau:

Một là:  Phát huy những thành quả đã đạt được trong thực hiện phương thức bảo tồn ngoại vi. Nghiên cứu nhân rộng những kết quả đã thành công có hiệu quả.

Hai là: Rà soát và bổ sung  quy hoạch Vườn thực vật, vườn giống, rừng giống, vườn dược liệu, vươn sưu tập phong lan tự nhiên; qui hoạch và xây dựng các khu rừng mẫu trình diễn đại diện cho hệ sinh thái Khu bảo tồn; xây dựng, nhân nuôi, phát triển khu cứu hộ động vật bán hoang dã

Ba là: Điều tra, quy hoạch, đề xuất công nhận nguồn gốc giống với tập đoàn cây trội là các loài quí hiếm, loài giá trị kinh tế cao được tuyển chọn từ rừng khu bảo tồn để tập trung quản lý; gắn công nhận nguồn gốc giống cây trội, cung cấp nguồn hạt giống, sản xuất giống phục vụ trồng rừng gỗ lớn theo đề án Tái cơ cấu giống ngành Lâm nghiệp như một biện pháp di dời các loài cây bản địa vừa có giá trị bảo tồn, vừa phát triển kinh tế vùng đệm băng trồng rừng các loài cây bản địa, cây đặc sản, cây dược liệu… nguồn gốc giống từ thiên nhiên sau chọn lọc, nghiên cứu khảo nghiệm thành công.

Bốn là: Xây dựng bảo tàng thiên nhiên, với các bộ sưu tập mẫu vật, tiến tới xây dựng ngân hàng hạt giống, bộ sưu tập các chất mầm, mô cấy... dùng để làm vật liệu cho nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển sản phẩm mới, để nâng cao kiến thức cho cộng đồng, nâng cao dân trí và giáo dục lòng yêu thiên nhiên cho mọi tầng lớp nhân dân.

Năm là:  Đào tạo cán bộ chuyên sâu đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn động thực vật làm việc tại vườn thực vật, trạm cứu hộ động vật.

* Để nhiệm vụ, phương thức bảo tồn ngoại vi đạt được mục tiêu trong chiến lược bảo tồn bền vững thời gian tới. Xin kiến nghị:

- Ngành Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động nghiên cứu điều tra, xây dựng và công nhận cây trội từ rừng tự nhiên các giống cây bản địa quí hiếm, cây giá trị kinh tế cao có thể phát triển cây gỗ lới từ rừng tự nhiên; xây dựng các khu rừng giống, vườn giống cây bản địa; quan tâm các chương trình trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa nguồn gốc rừng tự nhiên, cây bản địa loài quí hiếm.

- Nhà nước quan tâm đầu tư vốn cho hoạt động bảo tồn ngoại vị như kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu tạo giống bảo tồn loài quí hiếm, loài giá trị kinh tế cao…

Tác giả: Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Ban QL Khu BTTN Xuân Liên
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 45117


Các tin khác:
 Kết quả nghiên cứu động thái phục hồi rừng sau nương rẫy ở tầng cây cao tại Vườn quốc gia Bến En - Thanh Hoá. (27/08/2015)
 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tham gia hỗ trợ giúp đỡ, hướng dẫn xây dựng nông thôn mới (24/08/2015)
 Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa nghiệm thu dự án KH&CN cấp tỉnh: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đa canh, đa con tại vùng đệm Vườn quốc gia Bến En - Thanh Hóa" (24/08/2015)
 Bài toán giữ vững an ninh rừng - Lời giải từ cơ sở (24/08/2015)
 Nâng cao hiệu quả chất lượng trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực Thủy điện Bá Thước 2, Thủy điện sông Mực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (28/07/2015)
 Chi cục Kiểm lâm tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề tham gia xây dựng nông thôn mới (30/06/2015)
 Giải pháp nào đưa công tác chống buôn lậu lâm sản đạt hiệu quả thiết thực (26/06/2015)
 Tàn phá rừng là tự thắt cổ mình, vì sự tàn phá đó chính là sự tàn phá mồi trường sinh thái (24/06/2015)
 Chủ động phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng (24/06/2015)
 Giao rừng cho cộng đồng cư dân: Một cách bảo tồn rừng (24/06/2015)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang