Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo và đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Viện nghiên cứu, Trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan; Đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia nước ngoài; các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất; một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có sự tham dự của đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Tại hội nghị, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đã trình bày Báo cáo đề dẫn về kết quả 03 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ và tóm tắt kế hoạch triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.
3 năm qua, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 chính thức có hiệu lực đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp hữu cơ. Kết quả đạt được cụ thể như sau: Lượng phân bón hữu cơ tăng từ 5%, tương đương khoảng 0,8 triệu tấn (năm 2016) lên 18,5% và 20%, tương đương khoảng 3 triệu tấn (năm 2022) và đang không ngừng tăng mạnh. Tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học chiếm khoảng 21%. Cùng với việc đẩy mạnh sử dụng các loại thuốc BVTV chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật triển khai xã hội hóa, mở rộng việc nhân nuôi các thiên địch như ong ký sinh, bọ đuôi kìm và các sinh vật có ích để tiêu diệt sâu hại (phòng trừ sinh học) trên các loại cây trồng quan trọng, nhất là trong sản xuất lúa. Một số tỉnh phía Nam đã và đang triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (gạo; điều; khóm, xoài; nhãn, vú sữa…) để cung cấp cho các nhà nhập khẩu sản phẩm hữu cơ phục vụ thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Các lĩnh vực đạt chứng nhận hữu cơ như:
- Về trồng trọt: lúa gạo tại 12 địa phương, 2.300 ha, chủ yếu tại tỉnh Cà Mau (gần 800 ha), Kiên Giang (hơn 800 ha); rau củ tại 20 địa phương, 900 ha chủ yếu tại Hà Nội (269 ha), Tây Ninh (54 ha), Lâm Đồng (40,44 ha), Đắk Lắk (30 ha); trái cây tại 14 địa phương, 14.000 ha, chủ yếu tại Bến Tre (10.000 ha dừa), Trà Vinh (hơn 4000 ha dừa), Đắk Lắk (200 ha cây ăn quả), Đắk Nông (hơn 62 ha cây ăn quả); chè tại 10 địa phương, gần 8.000 ha, tập trung tại Hà Giang (gần 7.000 ha), Yên Bái (hơn 300 ha), Lào Cai (hơn 200 ha)… Có 77 mô hình tại 38 địa phương. Trong đó 23 mô hình đã được chứng nhận, 14 mô hình đang trong quá trình chứng nhận, 40 mô hình theo hướng hữu cơ.
- Về chăn nuôi: lợn tại 3 địa phương, hơn 3.000 con/năm (Hòa Bình, Cà Mau, Đắk Lắk); bò sữa tại Đắk Lắk với 100 con/năm; gà tại 3 địa phương, hơn 7.000 con/năm (Lâm Đồng, Cà Mau, Đắk Lắk)… Có 18 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ tại 13 địa phương.
- Về thủy sản: Cà Mau với 105 ha sản phẩm tôm… Có 7 mô hình tại 7 địa phương, trong đó có 2 mô hình được chứng nhận, 1 mô hình đang xin chứng nhận, 4 mô hình theo hướng hữu cơ.
- Về lâm nghiệp: sản phẩm hồi tại Lạng Sơn với 500 ha; quế tại Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh khoảng 10.000 ha… Có 2 mô hình theo hướng hữu cơ tại 2 địa phương.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và công bố 08 TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Về quy chuẩn, quy trình kỹ thuật: đã ban hàng thông tư số 08/2021/TT-BNNPTNT ngày 03/8/2021 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia muối thực phẩm và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia muối tinh; xây dựng 5 bộ tài liệu hướng dẫn quy trình sản xuất NNHC cho một số đối tượng cây, con cụ thể. Về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các mô hình sản xuất NNHC – Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng cho 21 mô hình sản xuất NNHC (17 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt – BVTV, 2 mô hình: lĩnh vực lâm nghiệp, 2 mô hình: chăn nuôi thú y). Cấp GCN sản phẩm phù hợp NNHC cho 33 tổ chức; cấp số đăng ký hoạt động thử nghiệm cho 102 tổ chức.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai chương trình hợp tác với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản về tiêu chuẩn và chứng nhận giai đoạn 2018 - 2021, hiện nay đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2022 - 2024. Kết quả sau giai đoạn đầu hợp tác triển khai, đã có 01 tổ chức Việt Nam được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn JAS từ tháng 9/2021 và 41 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận JAS chính thức từ năm 2006 (theo số liệu của Bộ Nông Lâm ngư nghiệp Nhật Bản).
Nhìn chung, sau 3 năm triển khai, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ. Có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ; Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng được nâng lên. Một số kết quả đạt được ban đầu là tiền đề quan trọng để tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định tại Nghị định cũng như để xây dựng kế hoạch hành động chi tiết thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa thống nhất cao với báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai và nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị sơ kết là rất cần thiết nhằm có cái nhìn tổng thể trong toàn ngành. Qua 3 năm triển khai, phát triển nông nghiệp hữu cơ đã đạt được những kết quả bước đầu, quan trọng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo và hướng tới đạt được mục tiêu của Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020.
.jpg)
Đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị
Bám sát Quyết định số 5317/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 28/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch hành động triển khai định 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị về sản xuất nông nghiệp an toàn, sinh thái, hữu cơ, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030. Căn cứ đề án này, tỉnh xác định: các sản phẩm chủ lực của tỉnh (12 nhóm sản phẩm) gắn với sản xuất vùng, sản xuất nông nghiệp định hướng hữu cơ tiến tới công nhận hữu cơ tập trung. Qua rà soát, diện tích bất lợi trước kia như vùng triều, vùng bán ngập… trở thành những vùng lợi thế để sản xuất hữu cơ như: mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - rươi, rau trái vụ…
Để đảm bảo triển khai được Đề án của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thanh Hóa xác định Chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong 6 chương trình trọng tâm, HĐND tỉnh ban hành trên 20 chính sách thành phần để phát triển nông nghiệp; UBND tỉnh xây dựng cơ chế lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn lực địa phương để phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển nông nghiệp hữu cơ nói riêng. Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ phải dưới sự lãnh đạo của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp và người dân, trọng tâm lấy nông dân làm chủ thể, trực tiếp tham gia sản xuất, thông qua liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo vùng quy mô tập trung; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Từ chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh nhà đã có những kết quả bước đầu: Đã xây dựng được những vùng sản xuất nông nghiệp định hướng hữu cơ; có 80 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ, có 765 ha sản xuất theo hướng hữu cơ tiến tới công nhận hữu cơ, có 160 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất theo công nghệ cao; nhiều mô hình định hướng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, kết hợp nuôi - trồng. Thành lập Hiệp hội doanh nghiệp an toàn và hữu cơ với 28 doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp với mục đích cho ngành nông ghiệp an toàn và hữu cơ phát triển bền vững.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, như: Tư tưởng ngại thay đổi của người nông dân, “đèn nhà ai nhà nấy sáng, ruộng nhà ai nhà nấy cấy”, chưa mạnh dạn tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, thiếu hiểu biết trong sản xuất. Cấp ủy chính quyền các cấp về sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thiếu linh hoạt. Cơ chế chính sách đã xây dựng nhưng nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ không tương xứng với tiềm năng lợi thế. Giá bán của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khó có thể cạnh tranh với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Sự tham gia của doanh nghiệp còn ít mặc dù tỉnh đã có Hiệp hội. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, thị trường còn thiếu, chưa đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới cần phải thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp mà trọng tâm hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường liên kết, tham gia hợp tác xã, hợp tác để hình thành vùng tập trung sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xóa bỏ tình trạng sản xuất nông nghiệp theo “xuân thu, nhị kỳ”. Huy động doanh nghiệp vào cuộc và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự vào cuộc, giao chỉ tiêu cho từng địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để khẳng định ưu việt hoàn toàn của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp thuần túy./.