Số lượt truy cập
Hôm nay 1015
Hôm qua 58866
Tuần này 164585
Tháng này 3202411
Tất cả 192997995
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 10/04/2023
Trang trại hữu cơ tuần hoàn không rác thải

Chỉ chưa đầy 2 ha đất, một trang trại chăn nuôi kết hợp ao thả cá giống và trồng cây ăn quả ở xứ Đồng Ngâu, xã Nam Giang (Thọ Xuân) đã cho doanh thu gần 11 tỷ đồng mỗi năm. Đáng nói, gia chủ đã sớm xác định được phương pháp chăn nuôi theo hướng hữu cơ với các sản phẩm an toàn, có hệ thống xử lý và tận dụng chất thải hiệu quả để bảo đảm vấn đề môi trường.

Khu trang trại chăn nuôi theo hướng hữu cơ tại xứ Đồng Ngâu của gia đình ông Lê Trọng Thơm.

Khi doanh nhân về làm nông nghiệp

Trước đây, gia đình ông Lê Trọng Thơm từng có cửa hàng ở phố Neo, xã Nam Giang để thu mua ngô, lúa, gạo và nhiều loại nông sản. Không chỉ nông dân mà nhiều tiểu thương trong và ngoài huyện cũng đem các sản phẩm trồng trọt thu gom được đến đây để nhập. Với sự năng động trong tìm kiếm thị trường nên hằng năm, vợ chồng ông Thơm đã thu mua và xuất ra thị trường hàng nghìn tấn lương thực cho các công ty, cơ sở sản xuất ở các tỉnh bạn. Khi việc kinh doanh vẫn thuận lợi, nhưng với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp nên vợ chồng doanh nhân lại quyết định đầu tư “làm lớn”, rẽ sang hướng làm ăn mới.

“Năm 2017, khi xã Nam Giang có chủ trương khuyến khích các hộ tích tụ, dồn đổi đất ở khu Đồng Ngâu để phát triển trang trại, vợ chồng tôi đã hưởng ứng. Nơi đây vốn là vùng đồng trũng, xa khu dân cư, mỗi năm chỉ gieo cấy được một vụ không ăn chắc nên nhiều gia đình còn bỏ hoang. Được cán bộ xã hướng dẫn, tôi đã vận động 12 hộ dân cho thuê đất lâu dài với tổng diện tích hơn 1,97 ha” - ông Lê Trọng Thơm chia sẻ.

Cũng theo ông Thơm, ngay từ đầu, gia đình đã xác định phương thức sản xuất khác với truyền thống trong vùng là hướng đến sản xuất sạch và bảo đảm môi trường theo hướng hiện đại. Với sự năng động, ngoài học tập kinh nghiệm chăn nuôi trên sách báo, truyền hình, vợ chồng ông còn đi tham quan thực tế và học tập kinh nghiệm ở nhiều mô hình chăn nuôi hiện đại ở các tỉnh. Ở xứ đồng không mông quạnh, lại trũng thấp nên vợ chồng ông Thơm còn thuê cả chuyên gia về khảo sát, thiết kế và quy hoạch khu trang trại cho phù hợp nhất. Theo đó, ngoài các nhà kho 500m2 thì 1.200m2 trung tâm khu đất được xây dựng các khu chuồng trại hiện đại để nuôi lợn và gà. Quanh các khu chuồng được đào 2 ao lớn chạy dài để nuôi cá, đồng thời tạo sự thông thoáng và cách ly với mầm bệnh cho đàn vật nuôi. Khu vực bờ ao, dọc các đường bê tông trong trang trại và toàn bộ diện tích còn lại được gia đình trồng cây ăn quả như bưởi, na, dừa, vú sữa và chanh.

Hệ thống camera giám sát chuồng nuôi tại trang trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Trọng Thơm, xã Nam Giang (Thọ Xuân).

Với sự đầu tư bài bản lên tới hơn 5 tỷ đồng, đến nay, trang trại của gia đình ông Thơm luôn duy trì 1.100 con lợn thịt, 50 con lợn nái sinh sản, 3.000 gà đẻ trứng, 2 ao chuyên nuôi cá giống... Doanh thu những năm gần đây của trang trại đạt gần 11 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Lan tỏa cách làm hay

Để tránh nguy cơ mầm bệnh từ bên ngoài, ông Thơm giới thiệu hệ thống chuồng nuôi hiện đại với chúng tôi qua hệ thống camera. Theo ông, toàn bộ lợn con sinh ra được luân chuyển nuôi thịt chứ không nhập từ bên ngoài, vừa chủ động nguồn giống, vừa bảo đảm nguồn gốc để phòng dịch bệnh. Hệ thống các ao với tổng diện tích gần 7.500m2 được ông luân canh cá giống với khoảng 30 tấn mỗi năm, thu về 160 triệu đồng. Các loại cá tạp như rô phi, cá mè đều được tận dụng sản xuất thức ăn cho đàn lợn và gà.

Một sự khác biệt so với hầu khắp các trang trại chăn nuôi trong tỉnh là nơi đây có hệ thống máy móc sản xuất thức ăn chăn nuôi riêng biệt được đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nguồn cá rô phi dưới ao, cộng với đậu tương, ngô hạt, cá khô... được nghiền nhỏ rồi phối trộn thành thức ăn dạng viên. Một số phụ phẩm sau chế biến hải sản của các nhà máy tại thị xã Nghi Sơn cũng được thu mua về để ủ với men vi sinh làm thức ăn bổ sung cho lợn.

Theo chia sẻ của ông Thơm: “Giai đoạn đầu, gia đình tôi cũng nhập thức ăn chăn nuôi từ các nhà máy như bao trang trại khác. Nhận thấy cám công nghiệp có hàm lượng chất tăng trưởng, trứng gà đập ra, phần lòng đỏ sẫm màu, thịt lợn khi nấu có mùi hôi, ra nhiều nước. Tôi xác định phải tạo được uy tín lâu dài cho sản phẩm thịt và trứng để có đầu ra bền vững nên đã tìm hiểu để du nhập hệ thống tự sản xuất, từ đó chủ động nguồn thức ăn theo hướng hữu cơ này”.

Tạo được sự khác biệt trong chất lượng thịt lợn và trứng gà nuôi tại trang trại, cộng với quy trình chăn nuôi khá hiện đại và hợp vệ sinh nên năm 2021, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAPH cho 2 sản phẩm. Đây chính là “vé thông hành” để sản phẩm từ trang trại ngày càng vươn xa, được thị trường tiêu thụ ưa dùng. Ngoài xuất bán lợn thịt với số lượng lớn cho các thương lái quen thuộc, hiện trang trại còn tổ chức sản xuất giò chả từ thịt lợn theo hướng hữu cơ này để dự kiến xây dựng sản phẩm OCOP.

Hệ thống máy nghiền ngô, đậu tương và sản xuất thức ăn chăn nuôi của trang trại ông Lê Trọng Thơm, xã Nam Giang (Thọ Xuân).

Với số lượng đàn vật nuôi lớn là vậy, nhưng công tác xử lý môi trường ở đây khá hiệu quả. Dạo quanh trang trại giữa không gian thoáng đãng và hệ thống cây xanh điều hòa, vẫn cảm giác được sự trong lành hiếm thấy so với nhiều trang trại khác. Bởi lẽ, toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu gom liên tục, đẩy xuống các bể biogas theo hệ thống bán tự động. Khí ga sinh ra được sử dụng tuần hoàn vào khâu đun nấu, sản xuất thức ăn cũng như phát điện phục vụ trang trại. Những rác thải khác đều được ủ, cộng với nguồn mùn cuối cùng của hệ thống biogas lại trở thành phân bón cho cây ăn quả. Việc xử lý, rồi biến chất thải thành chất đốt, thành nhiên liệu cho các máy móc và đun nấu nên một trang trại cỡ lớn giữa xứ Đồng Ngâu hầu như không còn tồn đọng rác thải phát tán ra ngoài.

Ngoài một kỹ sư chăn nuôi được thuê phụ trách các khâu kỹ thuật, khu trang trại còn giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với tổng tiền công khoảng 500 triệu đồng/năm. Cách làm riêng của chủ trang trại Lê Trọng Thơm tạo được sự lan tỏa trong vùng, hiện một số trang trại ở khu Đồng Ngâu đã hình thành nên HTX chăn nuôi theo hướng này. Gần đây, nhiều đoàn công tác và các chủ trang trại ở trong tỉnh cũng đến đây tham quan, học tập kinh nghiệm.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 7653


Các tin khác:
 Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, kiểm dịch giống thuỷ sản và quản lý thuốc thú y thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (20/03/2023)
 Để phát huy hiệu quả việc quản lý giống vật nuôi (06/03/2023)
 Yên Định phát triển trang trại chăn nuôi gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường (06/02/2023)
 Đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán (25/12/2022)
 Khẩn cấp tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người (07/11/2022)
 Hội nghị giao ban công tác tiêm phòng Đợt 2 năm 2022 với 06 huyện miền núi (ngày 24/9/2022) (28/09/2022)
 Vươn lên phát triển kinh tế từ mô hình trang trại (07/09/2022)
 Buổi làm việc của Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa cùng với Công ty TNHH MTV Avac Việt Nam (04/08/2022)
 Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững (25/07/2022)
 Hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ (15/07/2022)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang