Số lượt truy cập
Hôm nay 40375
Hôm qua 39190
Tuần này 145079
Tháng này 3182905
Tất cả 192978489
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 27/08/2019
Thực trạng và một số giải pháp quản lý loài ngoại lai xâm hại

Loài ngoại lai xâm hại là một trong các nguyên nhân chính gây suy giảm đa dạng sinh học và gây tổn thất tới nhiều ngành kinh tế như nông, lâm, ngư nghiệp. Thời gian qua, có nhiều vụ việc buôn bán, nhập khẩu, phát triển trái phép loài ngoại lai xâm hại ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt gần đây là vụ việc tôm hùm nước ngọt.

Trong nhiều nguyên nhân gây tổn thất ĐDSH, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm. Phần lớn các loài du nhập không sống được tại những nơi mới đến do môi trường không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện sống của chúng. Dù vậy, vẫn có một tỷ lệ nhất định các loài nhập cư thiết lập được cuộc sống trên vùng đất mới và nhiều loài trong đó còn vượt trội, xâm lấn các loài bản địa. Các loài du nhập này thậm chí còn cạnh tranh với các loài bản địa để có được nguồn thức ăn và nơi ở. Các loài du nhập còn ăn thịt các loài bản địa cho đến khi chúng tuyệt chủng, hoặc làm thay đổi nơi cư trú đến mức nhiều loài bản địa không thể nào tồn tại được nữa, hoặc lây truyền các bệnh dịch nguy hiểm cho sinh vật và con người khu vực bị xâm hại.

Một trong những lý do quan trọng khiến các loài du nhập dễ dàng chiếm lĩnh các nơi cư trú mới là ở nơi cư trú mới chưa có các loài thiên địch của chúng như các loài động vật là kẻ thù, các loài côn trùng và các loài ký sinh, gây bệnh. Các hoạt động của con người tạo nên những điều kiện môi trường không bình thường, như sự thay đổi các nguồn dinh dưỡng, gây cháy rừng, tăng lượng ánh sáng,... tạo cơ hội cho các loài du nhập thích ứng nhanh hơn và loại trừ được các loài bản địa.

Kinh nghiệm cho thấy nhiều loài ngoại lai xâm hại không biểu hiện tác hại của chúng ngay sau khi xâm nhập vào một môi trường sống mới mà thường trải qua một giai đoạn “ủ bệnh”. Giai đoạn này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào từng loài cũng như vào đặc điểm môi trường mà chúng xâm nhập vào. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng các hệ sinh thái đã bị biến đổi thường dễ bị tác động hơn các hệ sinh thái còn nguyên vẹn. Đây là một khó khăn lớn cho công tác kiểm soát và phòng ngừa tác hại của loại sinh vật này.

Các tác động của sinh vật ngoại lai xâm hại, không những chỉ làm suy giảm ĐDSH, mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác về sức khoẻ, kinh tế, xã hội của con người. Để giải quyết vấn đề này, biện pháp phòng ngừa được ưu tiên hàng đầu vì một khi sinh vật ngoại lai xâm hại đã thích nghi và phát triển thì chi phí để tiêu diệt chúng là rất lớn và hầu như rất khó tiêu diệt hoàn toàn.

Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, số lượng sinh vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh. Đáng lo ngại là có trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra hệ lụy nặng nề, đang tác động trực tiếp lên đa dạng sinh học của Việt Nam.

Bên cạnh việc phát triển có chủ đích các loài ngoại lai xâm hại, hệ sinh thái tự nhiên Việt Nam còn chịu sự xâm hại của các loài ngoại lai du nhập vào theo các con đường tự nhiên. Cây mai dương có nguồn gốc từ châu Mỹ và xuất hiện đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1979, đến nay đã lan rộng khắp cả nước. Bọ cánh cứng hại dừa được phát hiện vào năm 1999 ở tỉnh Bến Tre và nay đã gây hại cho hơn 30 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.  Ngoài ra, loài rùa tai đỏ, tôm hùm nước ngọt...cũng là những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế nhưng vẫn được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam.

Mới đây nhất là trường hợp tôm hùm nước ngọt. Đây là loài động vật có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, ăn tạp, có khả năng thích nghi cao với môi trường, nhanh chóng thiết lập quần thể ở nơi chúng xuất hiện. Các tác động của loài đến môi trường và đa dạng sinh học đã được ghi nhận trên thế giới gồm cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa, giảm quần thể thực vật thuỷ sinh, động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh; có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng; có khả năng đào hang gây thiệt hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp; có tác động đến ngành công nghiệp đánh bắt cá...  Loài này đã được ghi nhận xâm lấn tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mê-hi-cô, Cộng hòa Síp, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...

Tại Thanh Hóa, ghi nhận 7 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm phân bố ở Việt Nam đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh; trong đó có 1 loài thực vật thủy sinh - Bèo Nhật Bản, Bèo lục bình (Eichhornia crassipes (Mart.) Solms); 5 loài thực vật ở cạn gồm: Cây cứt lợn (Ageratum conyzoides L.), Cỏ Lào (Chromolaena odorata (L.) King & Robinson), Cây Mai dương, cây Trinh nữ tây (Mimosa pigra L.), Trinh nữ móc, Cây xấu hổ (Mimosa diplotricha C. Wright), Cây Bông ổi, cây Hoa ngũ sắc (Lantana camara L.); 1 loài động vật không xương sống - Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata (Lamarck, 1828)). Loài Tôm càng đỏ, Tôm hùm đất (Cherax quadricarinatus) đến nay chưa ghi nhận có sự xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên để bảo vệ môi trường, tránh các tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; ngày 23/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6273/UBND-NN về việc tăng cường kiểm soát loài Tôm càng đỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm phòng ngừa, có biện pháp ngăn chặn loài này (nếu có) phát tán ra môi trường tự nhiên.



* Một số giải pháp quản lý hiệu quả các loài ngoại lai xâm hại

Thứ nhất, tăng cường hoạt động điều tra, phát hiện thường xuyên và lập bản đồ phân bổ để kiểm soát và xử lý kịp thời các vùng mới bị xâm nhiễm. Việc điều tra cần phải được tiến hành thường xuyên để phát hiện những khu vực mới bị xâm nhiễm và lập kế hoạch kiểm soát phù hợp. Qua điều tra cũng có thể xác định đầy đủ về điều kiện, quy luật phát tán, lây lan của cây sinh vật ngoại lai (SVNL). Trên cơ sở điều tra và phân tích hệ sinh thái, phải cảnh báo được các vùng có nguy cơ xâm nhiễm cao để có kế hoạch kiểm soát kịp thời. Song song với các phương pháp quan trắc, đo đếm cần sử dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để điều tra và lập bản đồ phân bố.

Thứ hai, áp dụng triệt để và nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch. Kiểm soát chặt chẽ và chủ động ngăn chặn các con đường lây lan của SVNL. Đây là một biện pháp khó thực hiện vì ngoài con đường phát tán qua nông sản, nhiều loài SVNL còn phát tán qua nước, không khí. Tuy vậy, trong khuôn khổ hoạt động của con người, có kiểm soát và hạn chế sự phát tán qua nhập khẩu nông sản, qua các phương tiện giao thông, phân gia súc... từ vùng bị nhiễm sang vùng không bị nhiễm. Hạn chế sự di chuyển của nguồn hạt từ những vùng đã bị xâm nhiễm nặng ra bên ngoài.

Thứ ba, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của SVNL. Hiệu quả ngăn ngừa cây trinh nữ cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự tham gia chủ động của công chúng. Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về khả năng phát tán, các con đường lây lan, tác động của SVNL đến đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường và những việc người dân có thể làm hoặc tham gia được vào chiến lược ngăn chặn sự lây lan. Đặc biệt, không nuôi trồng và sử dụng SVNL vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán (ví dụ trồng cây làm cây cảnh, hàng rào, chống xói mòn, nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chuột hải ly làm thực phẩm...).

Thứ tư, tiến hành các hoạt động kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các khu vực mới bị xâm nhiễm hoặc tái nhiễm. Đối với thực vật, tận dụng mọi khả năng có thể để phủ kín mặt đất bằng các loài thực vật thích hợp vì đa số các loài thực vật ngoại lai đều ưa sáng. Phải chủ động trồng các loại thực vật phù hợp để lấn át sự xâm nhiễm của thực vật ngoại lai ngay từ đầu. Các loài thực vật hay cây trồng được lựa chọn để sử dụng làm cây cạnh tranh phải phù hợp với từng vùng sinh thái. Còn các loài động vật, cần huy động lực lượng cộng đồng để tìm diệt sớm. Có thể khuyến khích thu bắt để làm thức ăn cho người hay gia súc hoặc áp dụng các biện pháp bẫy bắt khi mật độ còn thấp.

Thứ năm, đối với các loài thực vật (trinh nữ thân gỗ, móc, bèo tây...) và động vật NLXH (bọ cánh cứng hại dừa, ốc bươu vàng) có thể sử dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc, có khả năng lưu dẫn cao (Glyphosate) để phun trừ. Trường hợp cây quá to, già, việc sử dụng thuốc kém hiệu quả có thể sử dụng biện pháp chặt và chờ cho cây mọc tái sinh, sau đó sử dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc như Glyphosate hay thuốc chọn lọc như Metsulfuron Methyl để phun trừ mầm mới mọc tái sinh.

Diệt trừ cây Mai dương (Mimosa pigra L.)

Rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans) có thể mang vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn cho con người

Tôm hùm đất (Cherax quadricarinatus) - Loài sinh vật ngoại lai tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại với môi trường 

Nguồn tin: Chi cục Kiểm lâm
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 22968


Các tin khác:
 Phát triển hiệu quả và bền vững giá trị cây luồng xứ Thanh (25/07/2019)
 Phối hợp Bảo vệ rừng giáp ranh Thanh Hóa – Hòa Bình (18/07/2019)
 Cảnh báo cháy rừng (09/07/2019)
 Tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mùa nắng nóng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc năm 2019 (08/07/2019)
 Thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng (02/07/2019)
 Tăng cường phòng chống cháy rừng (02/07/2019)
 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch thi đua 6 tháng cuối năm 2019 (25/06/2019)
 Kiểm lâm Thanh Hóa chủ động làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2019 (25/06/2019)
 Tăng cường công tác quản lý và ngăn chặn hoạt động mua bán, khai thác trái phép các loài lan rừng (25/06/2019)
 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tổ chức hội nghị giao ban định kỳ tháng 5/2019 (25/06/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang