Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp Trung ương, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Tổ chức Winrock International, Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (GIZ), Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 2 tỉnh Sơn La và Nghệ An. Về phía tỉnh Thanh Hóa có đại liện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Sở, các phòng sở, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo các Nhà máy sản xuất thuỷ điện, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng nước sạch, các cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.Đến dự và đưa tin về Hội nghị cóPhóng viên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Thanh Hoá.
Theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, tiền dịch vụ môi trường rừng do bên sử dụng dịch vụ (các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh) chi trả cho bên cung ứng dịch vụ (các chủ rừng, người dân làm công tác bảo vệ và phát triển rừng) về các loại dịch vụ: (i) Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; (ii)Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; (iii)Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; (iv)Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; (v)Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được hạch toán vào giá thành sản xuất và thực hiện chi trả với các mức quy định cụ thể: Đối với sản xuất thuỷ điện là 20đ/ Kwh, đối với hoạt động sản xuất nước sạch là 40 đ/m3, đối với hoạt động kinh doanh du lịch, sinh thái từ 1-2% doanh thu...
Mặc dù mới triển khai và đi vào hoạt động, ngay trong năm 2012 nguồn thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh đã đạt trên 5 tỷ đồng. Theo ước tính, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn từ 2013-2015 đạt khoảng từ 10 - 15 tỷ đồng/năm và từ năm 2015 - 2020 đạt khoảng 15 - 20 tỷ đồng/năm; nguồn thu này có thể lớn hơn rất nhiều lần con số kể trên, nếu các quy định tại điều 7 Nghị định 99/NĐ-CP có hiệu lực thực hiện, áp dụng đối với các Nhà máy, cơ sở công nghiệp có sử dụng nguồn nước dùng cho sản xuất, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; các đối tượng phải trả tiền cho việc hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng...; Đây sẽ là nguồn thu đáng kể, góp phần cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án của các chủ rừng, cải thiện đời sống cho người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chương trình hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Các ý kiến thống nhất với đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT đã nêu trong Báo cáo Chi trả dịch vụ môi trường rừng và quá trình thực thi Chương trình hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng tại Thanh Hoá trong thời gian qua; đề ra nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện 2 chính sách này trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT đã công bố Quyết định thành lập và Lễ ra mắt Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh – Đây là cơ quan đầu mối, giúp Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Chương trình hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Ngay tại Lễ ra mắt, Quỹ Bảo vệ và PTR Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hoá đã ký được 4 hợp đồng uỷ thác chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2013 với Nhà máy thuỷ điện Bá Thước 2, Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn, Vườn Quốc gia Bến En và Công ty TNHH Hồng Ngọc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã khẳng định: Đây là các chính sách quan trọng, tạo thêm nguồn lực về tài chính, góp phần cùng với ngân sách tỉnh thực hiện thành công chủ trương xã hội hoá nghề rừng và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2012-2020. Đồng chí đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai, thực hiện chính sách; Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan chấp hành nghiêm túc các quy định của tỉnh có liên quan đến việc thực hiện chính sách; Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và đặc biệt là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phải tham mưu tích cực cho UBND tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng chí cũng đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp Trung ương, đặc biệt là các Tổ chức quốc tế luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Thanh Hoá trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Thay mặt lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Lê Văn Đốc - Phó Giám đốc sở đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế đã đến dự, góp phần vào thành công của Hội nghị./.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:






