Số lượt truy cập
Hôm nay 49583
Hôm qua 39190
Tuần này 154287
Tháng này 3192113
Tất cả 192987697
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 28/04/2023
Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở thị xã Nghi Sơn

Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá không chỉ góp phần phát triển thủy sản ở thị xã Nghi Sơn, mà còn giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đồng thời, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Cá thu mua được chế biến và phơi ở phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn.

Với lợi thế giáp biển, có Cảng cá Lạch Bạng và nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động chế biến thủy sản trên địa bàn, ngư dân phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) đã đầu tư phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngư dân Nguyễn Văn Cường, phường Hải Bình, chủ tàu cá TH90286TS, có chiều dài 20m, công suất 450CV, chuyên khai thác hải sản vùng biển Vịnh Bắc bộ, cho biết: “Trước đây, khi chưa có các tàu dịch vụ thu mua hải sản, cung ứng xăng, dầu và các nhu yếu phẩm, phục vụ cho các tàu khai thác hải sản trên biển, tàu cá phải ra vào liên tục nên chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng cao. Hơn nữa, sản phẩm khai thác khó bán được giá cao do bảo quản lâu ngày, không đảm bảo được độ tươi ngon. Hiện nay, có các tàu dịch vụ trên biển, khoảng 4 - 5 ngày ra ngư trường thu mua nên sản phẩm khai thác đảm bảo chất lượng, hơn nữa chi phí cho một chuyến đi biển cũng giảm, chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày hơn”.

Phường Hải Bình hiện có 200 phương tiện, trong đó có 70 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động, thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của phường Hải Bình thu mua hải sản trên biển khoảng 100 ngàn tấn cá cung cấp nguồn nguyên liệu cho hơn 30 cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn. Ngoài ra, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá còn cung ứng hàng triệu lít xăng, dầu, đá lạnh và nhu yếu phẩm khác cho ngư dân khai thác hải sản trên biển. Ông Trần Văn Xô, phường Hải Thanh - chủ tàu TH92586TS, chuyên cung cấp nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu khai thác xa bờ, thu mua hải sản và vận chuyển vào bờ trên các ngư trường Vịnh Bắc bộ và vùng biển của các tỉnh miền Trung, cho biết: Để ổn định nguồn hải sản thu mua trên biển, tàu của ông đã liên kết với 10 tàu khai thác hải sản của phường. Trung bình mỗi chuyến đi thu mua trên các ngư trường khoảng 7 - 10 ngày, với sản lượng từ 70 - 80 tấn hải sản các loại, sản phẩm thu mua về chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến hải sản. Bên cạnh đó, các tàu dịch vụ còn chở dầu ra tiếp cho tàu cá giúp ngư dân tiết kiệm chi phí và kéo dài thời gian sản xuất trên biển. Ngoài ra, trong quá trình làm dịch vụ trên biển, các tàu còn hỗ trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro bởi thiên tai hoặc hỏng máy trong quá trình khai thác.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Nghi Sơn, hiện thị xã có 78 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung ở 2 phường là Hải Bình (70 tàu) và Hải Thanh (8 tàu). Đội tàu này, ngoài làm nhiệm vụ thu mua hàng trăm nghìn tấn hải sản trên biển mỗi năm còn tham gia cung ứng nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu khai thác xa bờ. Ngoài ra, hàng chục cơ sở cung ứng đá lạnh, xăng dầu, vật tư, ngư lưới cụ,... ở ven bờ đã góp phần thúc đẩy nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản phát triển. Hiện thị xã có 1.965 tàu cá khai thác (trong đó, tàu chiều dài từ 15m trở lên có 472 chiếc), còn lại là tàu từ 15m trở xuống, mỗi năm khai thác được trên dưới 35 nghìn tấn hải sản các loại.

Với nguồn nguyên liệu khai thác và thu mua ổn định, tạo điều kiện để thị xã phát triển được 47 doanh nghiệp và 450 cơ sở chế biến thủy, hải sản, tập trung chủ yếu ở các phường như Hải Bình, Hải Thanh, Hải Châu, Hải Ninh... Các doanh nghiệp và cơ sở này đã phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và nghề chế biến, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Dịch vụ hậu cần nghề cá của thị xã Nghi Sơn phát triển đã tác động đến nhiều ngành nghề khác ở địa phương phát triển, nhất là khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Vì vậy, để phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ của ngư dân trong thời gian tới, ngoài thực hiện rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, thị xã tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết khai thác, bao tiêu sản phẩm giữa ngư dân với tàu dịch vụ hậu cần. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Bên cạnh đó, thị xã sẽ thu hút các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, các tổ chức để xây dựng, nâng cấp cảng cá, bến cá, khơi thông luồng lạch cho tàu khai thác cũng như tàu dịch vụ ra vào thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 7901


Các tin khác:
 Hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm (10/04/2023)
 Sự tham gia của người dân sẽ quyết định tương lai chính họ (25/12/2022)
 Thanh Hóa có 24.500 lao động tham gia trực tiếp trên biển (07/11/2022)
 Phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (07/09/2022)
 Hỗ trợ ngư dân sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá (14/03/2022)
 Hiệu quả chuyển đổi đất trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản (08/10/2021)
 Bảo đảm môi trường trong nuôi trồng thủy sản (05/10/2021)
 Vì sự an toàn của nghề nuôi cá lồng mùa mưa bão (05/10/2021)
 TP Sầm Sơn chủ động các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (29/09/2021)
 Khắc phục khó khăn, hạn chế, thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm (27/09/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang