Số lượt truy cập
Hôm nay 26664
Hôm qua 58866
Tuần này 190234
Tháng này 3228060
Tất cả 193023644
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 11/05/2021
Chăn nuôi an toàn sinh học vượt qua “bão” dịch bệnh

Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu giúp kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Chăn nuôi theo hướng ATSH là phương thức chăn nuôi bao gồm biện pháp tổ chức quản lý và kỹ thuật chăn nuôi thú y bảo đảm cho vật nuôi phát triển bình thường. Đồng thời, cách ly được với các vi khuẩn, vi-rút và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác để có sản phẩm con giống, nguồn thực phẩm sạch bệnh. Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ từ con giống đến thức ăn, nguồn nước; giữ vệ sinh cho vật nuôi và cả người nuôi ở mức độ cao nhất; tiêm các loại vắc-xin theo khuyến cáo của ngành thú y,... Phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn cho các chủ hộ chăn nuôi về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ATSH; cán bộ chuyên môn đến các hộ dân để trực tiếp hướng dẫn thực hiện các quy trình chăn nuôi theo hướng ATSH. Bên cạnh đó, các chuồng trại chăn nuôi khi thiết kế phải có khu cách ly, mỗi khi nhập vật nuôi mới về phải cách ly ít nhất từ 20 - 30 ngày để bảo đảm an toàn về bệnh dịch sau khi cắt đàn và loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào chuồng trại... Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, nhiều hộ dân đã có cơ hội tiếp cận với phương thức chăn nuôi tiên tiến, áp dụng khoa học - kỹ thuật và nâng cao kiến thức chăn nuôi. Đơn cử như gia đình chị Lê Thị Hạnh, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), sau khi tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chuồng trại cách xa nhà ở và có khu chuồng trại riêng để khi có gà bị bệnh sẽ cách ly ngay để tránh lây lan sang các con khác. Đồng thời, nền trại được rải một lớp trấu dày, hằng ngày đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà; thực hiện tiêm vắc-xin đúng quy định; vệ sinh máng ăn mỗi ngày và sát trùng, vệ sinh chuồng trại hàng tuần; nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Chị Hạnh cho biết: Có thể thấy rõ hiệu quả trong việc chăn nuôi theo hướng ATSH, như tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%, xuất chuồng sớm từ 10 đến 15 ngày, giảm ngày công lao động, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 đến 20% so với chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. 

Chị Lê Thị Hạnh, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Sau khi dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, gia đình ông Nguyễn Ngọc Nghiệm, xã Hà Tiến (Hà Trung) đã quyết định tái đàn. Khác với lần nuôi trước, sau khi được cán bộ thú y ở địa phương hướng dẫn, ông Nghiệm đã mạnh dạn đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng ATSH. Ông Nghiệm cho biết: Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, phải có giấy kiểm dịch của nơi xuất, khi mới mua về phải được nuôi ở một chuồng hoàn toàn riêng biệt, có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, sát trùng theo định kỳ; người ra vào chuồng trại phải thực hiện sát khuẩn để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trang trại. Để xử lý chất thải, ông sử dụng đệm lót sinh học để chuồng trại không còn mùi hôi; đồng thời, trong quá trình nuôi, ông phối trộn men sinh học với thức ăn giúp lợn tăng sức đề kháng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi theo hướng ATSH mang đến nhiều lợi ích rõ rệt, giảm tỷ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường,... Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Nhờ chứng minh được hiệu quả về kinh tế và phòng, chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có khoảng hơn 90.000 hộ đang thực hiện chăn nuôi theo hướng ATSH. Tuy nhiên, phần lớn các hộ chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, đôi khi chỉ dừng lại ở các mô hình chứ chưa nhân rộng, phát triển với quy mô lớn, tập trung nên việc áp dụng ATSH còn hạn chế. Do chăn nuôi theo hướng ATSH đòi hỏi các hộ chăn nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại; yêu cầu về con giống bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và an toàn dịch bệnh; thức ăn, nước uống, xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh theo quy định của thú y. Bên cạnh đó, phải có các biện pháp chăm sóc, bảo đảm dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; kiểm soát vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào chuồng trại,... Chính vì vậy, thời gian tới, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phục vụ chăn nuôi ATSH cho người sản xuất. Mặt khác, việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH thường đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn; do đó, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, tham gia vào chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 18429


Các tin khác:
 Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Như Xuân (10/05/2021)
 Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò đạt hơn 96% (06/05/2021)
 Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn (29/04/2021)
 Thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi năm 2021 (22/04/2021)
 Thanh Hóa nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh viên da nổi cục trên trâu bò (22/04/2021)
 Giải pháp cho chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi (22/04/2021)
 Thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh (15/04/2021)
 Tiêm phòng khẩn cấp vắc - xin phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh (15/04/2021)
 Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (08/04/2021)
 189.850 con trâu, bò được tiêm vắc - xin viêm da nổi cục (08/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang