Số lượt truy cập
Hôm nay 23690
Hôm qua 39190
Tuần này 128394
Tháng này 3166220
Tất cả 192961804
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 23/04/2021
Để cây ăn quả phát triển bền vững: Tiềm năng phát triển cây ăn quả

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đưa cây ăn quả vào trồng thay thế cho diện tích cây trồng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” diện tích cây ăn quả dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, cần có sự định hướng cũng như tăng cường quản lý Nhà nước về vấn đề này.

Những năm gần đây, cây ăn quả được các địa phương và người dân quan tâm chỉ đạo, đầu tư trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo. Việc quy hoạch, định hướng phát triển cây ăn quả đã được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, cùng với đó là các cơ chế, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ khuyến khích phát triển cây ăn quả và ngày càng có nhiều HTX, doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư quy mô diện tích lớn, với các loại cây ăn quả đa dạng về chủng loại, thời vụ thu hoạch, đáp ứng một phần nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cây ăn quả được mở rộng đáng kể, thông qua các doanh nghiệp thu mua sơ chế đã có những sản phẩm được xuất khẩu như dứa và các sản phẩm khác ngoài cung cấp trên địa bàn tỉnh, đã thâm nhập được vào các siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố trong nước, như: cam Xuân Hòa, Như Xuân; cam, bưởi Thọ Xuân, ổi Thạch Thành... Đến hết tháng 3-2021, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 21.686 ha (tăng hơn so với năm 2016 là 7.214 ha). 

Nông dân xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) chăm sóc nhãn Miền Thiết Hưng Yên

Trong quá trình đầu tư phát triển cây ăn quả, nhiều địa phương đã từng bước lựa chọn những loại cây ăn quả phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái để tập trung phát triển. Sản xuất cây ăn quả đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp; cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả từ 6% năm 2016 đến năm 2020 khoảng 10,2% trong tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Trong khi tỷ lệ diện tích chiếm 6% tổng diện tích gieo trồng, nhất là giá trị sản xuất/đơn vị diện tích cây ăn quả tại các địa phương miền núi cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác như mía, sắn, ngô.

Tìm hiểu tại huyện Thạch Thành, đồng chí Phạm Đình Minh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Quá trình nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn cho thấy: Cam Vân Du phát triển từ lâu trên địa bàn huyện Thạch Thành, với chất lượng tốt và có thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến. Cam Vân Du thuộc nhóm cam chanh, có tên khoa học là Citrus sinensis, được nhập nội vào Trại cam Vân Du năm 1947, mang nhãn hiệu thương mại là Sunkist, quá trình chọn lựa đã cho ra những dòng tốt và từ đây được phân phối đi các vùng khác, do đó người dân thường gọi giống cam này là cam Vân Du. Thời kỳ từ năm 1960-1990, cam Vân Du là một trong những giống cam chủ lực của các nông trường quốc doanh trồng cam xuất khẩu sang Liên Xô (cũ). Từ sau năm 1990, hầu hết các vùng cam, quýt ở miền Bắc; trong đó, có vùng Thạch Thành bị dịch bệnh vàng lá greening và tristeza tàn phá phải chuyển đổi sang cây trồng khác... Tuy nhiên, hiện nay việc phục hồi, phát triển cây cam Vân Du là một định hướng quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Thạch Thành. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2016, huyện đã liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2030. Theo đó, diện tích phát triển cây ăn quả của huyện có thể lên tới 6.506 ha, trong đó diện tích thích hợp cho phát triển cây có múi 6.135 ha. Tháng 4-2017, UBND huyện Thạch Thành đã làm việc với Viện Nghiên cứu rau quả và có công văn đề nghị viện hỗ trợ huyện điều tra, đánh giá hiện trạng giống cam Vân Du và có các giải pháp khoa học để chọn lọc, bảo tồn và phát triển. Việc khai thác và phát triển hiệu quả nguồn gen cây trồng, đặc biệt là những cây trồng bản địa đặc sản, mang lại giá trị cạnh tranh cao trên thị trường và hiệu quả kinh tế lớn.

Tìm hiểu việc đầu tư phát triển cây ăn quả trên địa bàn nhiều huyện trong những năm qua, chúng tôi được biết, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất cây ăn quả được các sở, ngành, địa phương, các đơn vị quan tâm. Trong đó, việc sử dụng loại cây, loại giống được nhiều chủ vườn lựa chọn kỹ, nhờ đó đã có nhiều vườn cây ăn quả có bộ giống tốt, trồng bảo đảm mật độ, tiêu chuẩn. Các quy trình canh tác tiên tiến được áp dụng như chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định ngày càng được ứng dụng nhiều, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Nhiều vườn cây đã được chứng nhận quy trình sản xuất VietGAP và có 105,8 ha/7.000 ha cây ăn quả trồng tập trung được chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, đã có nhiều công trình khoa học, đề tài, dự án khôi phục giống cây ăn quả bản địa (quýt vòi, quýt hôi, cam Vân Du, bưởi Luận Văn) và du nhập, phát triển các loại giống cây ăn quả tại các vùng miền khác nhưng có điều kiện tương đồng với Thanh Hóa được triển khai trên địa bàn tỉnh (dừa sáp, chuối tiêu hồng, bưởi Diễn...).

Đánh giá, phân tích của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho thấy: Thực tế phát triển cây ăn quả những năm qua trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như: nắng nóng gay gắt, mưa lớn, cường độ cao, lũ với tần suất xuất hiện nhiều, giông lốc lớn gây thiệt hại đến sản xuất, nhất là đối với cây ăn quả là cây trồng một lần, chu kỳ khai thác dài, tỷ suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài; nhiều đối tượng sâu bệnh trên cây ăn quả xuất hiện và gây hại. Đất đai trồng cây ăn quả vẫn còn manh mún, tính chất đất đai ở mỗi vùng miền, địa phương khác nhau; hạ tầng phục vụ sản xuất cây trồng cạn nói chung và cây ăn quả nói riêng vẫn chưa được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống đường giao thông, hệ thống tưới. Vốn đầu tư phát triển cây ăn quả, nhất là vốn ban đầu lớn, sản xuất cây ăn quả trước đây chủ yếu ở quy mô nông hộ, dẫn đến khó khăn về vốn trong việc đầu tư phát triển... Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Đến tháng 3-2021, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện là 1.135 ha, tăng 308,5 ha so với năm 2015; trong đó, diện tích trồng tập trung từ 1 ha trở lên là 339,8 ha và chủ yếu là các loại cây ăn quả có múi, như: cam Đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất cây ăn quả trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa; trình độ canh tác, nhận định và dự báo thị trường cho từng năm, từng giai đoạn trong việc trồng và phát triển cây ăn quả của các xã, thị trấn và người dân còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý quy hoạch trong phát triển cây ăn quả còn nhiều hạn chế; chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp tuy đã được ban hành bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng việc vận dụng còn hạn chế, nhất là thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, gắn với bao tiêu sản phẩm chưa tương xứng với lợi thế về đất đai trong phát triển cây ăn quả. Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu trái cây trong tỉnh còn nhiều yếu kém, chưa có nhiều doanh nghiệp đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng chí Trịnh Văn Chất, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Việc quy hoạch, định hướng phát triển cây ăn quả ở tỉnh ta chỉ mới được quan tâm trong những năm gần đây, trong khi chu kỳ sản xuất cây ăn quả thường kéo dài và để phát triển cây ăn quả cần một giai đoạn dài, do vậy sản xuất cây ăn quả còn chậm. Công tác quản lý Nhà nước, cơ chế, chính sách phát triển cây ăn quả còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, nhất là quản lý giống cây ăn quả. Việc cấp mã số vùng trồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây ăn quả; các chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả tuy đã được ban hành song người sản xuất chưa được tiếp cận nhiều, phần vì không bảo đảm tiêu chí, điều kiện, phần vì các chính sách chưa đủ mạnh để tạo ra sự hấp dẫn của nhà đầu tư. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhất là các khâu như chọn tạo, sản xuất giống, phục tráng các cây ăn quả đặc sản có lợi thế của địa phương tuy đã được triển khai nhưng chưa được mở rộng; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả mới chỉ dừng ở các mô hình nhỏ; chứng nhận sản phẩm và xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác, đăng ký chứng nhận sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP tuy đã được quan tâm triển khai thực hiện, song còn rất hạn chế về diện tích và sản lượng. Việc đầu tư phát triển cây ăn quả chưa bảo đảm quy hoạch nên nguy cơ dẫn đến khủng hoảng thừa là rất dễ xảy ra.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 16279


Các tin khác:
 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn (12/04/2021)
 Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp (08/04/2021)
 Hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp (31/03/2021)
 Phát triển các mô hình liên kết sản xuất lúa ở huyện Hoằng Hóa (25/03/2021)
 Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hiệu quả (25/03/2021)
 Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (18/03/2021)
 Chăm sóc cây trồng vụ đông xuân (16/03/2021)
 Xây dựng nông nghiệp thành một trụ cột tăng trưởng (12/03/2021)
 Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp trong vụ đông xuân (10/03/2021)
 Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (02/03/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang