Số lượt truy cập
Hôm nay 102519
Hôm qua 58866
Tuần này 266089
Tháng này 3303915
Tất cả 193099499
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 29/04/2021
Kết quả tích tụ, tập trung đất đai tại huyện Đông Sơn

Những năm gần đây, huyện Đông Sơn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng để thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện Đông Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tích tụ, tập trung đất đai cho từng giai đoạn cụ thể và tiếp tục thực hiện đổi điền, dồn thửa, giảm nhanh số thửa ruộng trên hộ dân để thực hiện cánh đồng chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo hướng công nghệ cao. 

Mô hình tích tụ, tập trung đất đai của HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Lâm Anh, xã Đông Yên đạt hiệu quả kinh tế cao.

Xã Đông Hoàng là một trong những điển hình của huyện Đông Sơn trong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Theo hướng dẫn của cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây dược liệu, diện tích hơn 8 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Nước, thôn Thọ Phật. Được biết từ năm 2016, gia đình chị Nước đã nhận thầu diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế của xã để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng cây dược liệu. Bắt đầu với cây cà gai leo, nghệ, gia đình chị nhận thấy hiệu quả kinh tế vượt trội và đạt doanh thu khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Từ đó, gia đình không ngừng mở rộng diện tích, đa dạng hóa các loại cây trồng. Đến nay, mô hình sản xuất của gia đình chị Nước đạt 8 ha, với các loại cây dược liệu, như: cà gai leo, kim ngân, nghệ... Trong đó, có 3 ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 10 tấn dược liệu/năm, doanh thu đạt hơn 350 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn xã Đông Hoàng còn có hộ anh Trương Quý Linh với mô hình trồng cây cảnh, diện tích 3 ha; mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Quý Vượng, diện tích 2 ha. Các mô hình tích tụ, tập trung đất đai đều đạt doanh thu bình quân từ 270 triệu đồng/ha trở lên, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất truyền thống.

HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Lâm Anh, thôn Cẩm Yên 1, xã Đông Yên đã tiên phong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế vượt trội. Anh Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc HTX, cho biết: HTX đã thuê lại 2 ha đất sản xuất lúa của người dân trồng hoa, quả trong nhà lưới. Được UBND xã tạo điều kiện và hỗ trợ nâng cao kỹ thuật trồng trọt, ứng dụng khoa học - kỹ thuật; HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao,... Hiện nay, trên diện tích 2 ha, HTX chia thành các khu nhà lưới sản xuất hoa, cà chua và dưa vàng. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ và bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm của HTX chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Theo thống kê của UBND huyện Đông Sơn, từ năm 2019 đến hết tháng 3-2021, các địa phương trong huyện đã tích tụ được 205 ha đất sản xuất nông nghiệp. Một số xã tích tụ diện tích lớn, như: Đông Tiến 19,8 ha, Đông Hòa 21 ha, Đông Khê 25 ha... Trên diện tích đã tích tụ, tập trung đất đai, huyện Đông Sơn phát triển được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo vùng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, như: vùng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Triệu Tiền, xã Đông Tiến; vùng trồng lúa chất lượng cao tại xã Đông Khê; vùng chuyển đổi sang phát triển mô hình cá lúa tại các xã Đông Minh, Đông Tiến... Ông Lê Văn Hùng, phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đông Sơn, cho biết: Việc tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, như: một bộ phận người nông dân vẫn còn có tư tưởng giữ ruộng mặc dù không tổ chức canh tác, khiến đất đai bị hoang hóa; những rủi ro về thời tiết, dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp ít đầu tư vào sản xuất nông nghiệp... dẫn đến hiệu quả kinh tế từ những mô hình tích tụ, tập trung đất đai chưa đạt như kỳ vọng. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện tích tụ, tập trung được 590 ha đất sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng quy hoạch các vùng tích tụ, liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, tuyên truyền, động viên Nhân dân tích tụ, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất, tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nông dân, khắc phục tâm lý băn khoăn, e ngại việc mất ruộng, dẫn đến thất nghiệp của người nông dân.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 15570


Các tin khác:
 Kết quả bước đầu tích tụ, tập trung đất đai (26/04/2021)
 Để cây ăn quả phát triển bền vững: Tiềm năng phát triển cây ăn quả (23/04/2021)
 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn (12/04/2021)
 Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp (08/04/2021)
 Hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp (31/03/2021)
 Phát triển các mô hình liên kết sản xuất lúa ở huyện Hoằng Hóa (25/03/2021)
 Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hiệu quả (25/03/2021)
 Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (18/03/2021)
 Chăm sóc cây trồng vụ đông xuân (16/03/2021)
 Xây dựng nông nghiệp thành một trụ cột tăng trưởng (12/03/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang