Số lượt truy cập
Hôm nay 52698
Hôm qua 39190
Tuần này 157402
Tháng này 3195228
Tất cả 192990812
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 18/03/2020
Phát triển Chương trình OCOP, tạo đà cho huyện Triệu Sơn “cất cánh” trên “đường băng” nông thôn mới

Nếu ví hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giống như một “đường băng” thì huyện Triệu Sơn đã tiến rất gần đến mục tiêu “cất cánh”. Trong đó, việc phát triển mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chính là “hoa tiêu” dẫn đường, điểm nhấn tiêu biểu của huyện Triệu Sơn trên “đường băng” ấy.

Phát triển Chương trình OCOP, tạo đà cho huyện Triệu Sơn “cất cánh” trên “đường băng” nông thôn mớiPhát triển Chương trình OCOP, tạo đà cho huyện Triệu Sơn “cất cánh” trên “đường băng” nông thôn mới

Mô hình nuôi ong mật của gia đình anh Lê Văn Đông (thôn Cây Xe, xã Bình Sơn) cho hiệu quả kinh tế ổn định.

“Tập trung vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững” - đồng chí Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn khẳng định. Hiểu được giá trị cốt lõi, mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Triệu Sơn đã chung sức đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, thử thách, từng bước gặt hái những kết quả đáng kể. Được biết, Triệu Sơn là huyện đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh mời chuyên gia cao cấp về OCOP tới nói chuyện, chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm tại Hội nghị Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm do huyện tổ chức. Chính điều này đã góp phần hình thành cái nhìn tổng quát, đa chiều, đồng bộ về cách thức tổ chức, thực hiện, mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP; từ đó tạo nên tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả cho công tác quản lý, chỉ đạo; nắm vững và vận hành linh hoạt các quy trình xây dựng sản phẩm OCOP phù hợp với tình hình địa phương, căn cứ trên nhu cầu thực tế của thị trường để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, UBND huyện đã ban hành quy chế đặc thù, kích cầu sản xuất; sâu sát chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính; khuyến khích người dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP... Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, vừa qua, huyện Triệu Sơn có 2 sản phẩm: Mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất, chè sạch Bình Sơn của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (xã Bình Sơn) được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP lần thứ I - năm 2020 thuộc Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thanh Hóa

Phát triển Chương trình OCOP, tạo đà cho huyện Triệu Sơn “cất cánh” trên “đường băng” nông thôn mới

Người dân xã Bình Sơn hăng hái lao động sản xuất trên những đồi chè hàng chục năm tuổi.

Vẫn là những con đường nhỏ quanh co uốn lượn, ôm ấp bao nếp nhà bình yên nép mình bên sườn đồi thoai thoải nhưng xã Bình Sơn đang đổi thay từng ngày. Chương trình OCOP như “cây đũa thần kỳ” của bà tiên hiền hậu trong câu chuyện cổ tích đã mang đến cho mảnh đất thuộc khu vực miền núi 135 của huyện Triệu Sơn nguồn động lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển; từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân. Mang theo những dòng suy nghĩ đó, chúng tôi dừng chân tại trụ sở UBND xã Bình Sơn sau hơn 30km rong ruổi từ trung tâm huyện. Đon đả, thịnh tình mời khách thưởng thức hương vị nước chè tươi - đặc sản quê nhà, Anh Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn thẳng thắn cho biết: “Để có thể xây dựng thành công sản phẩm được xếp hạng OCOP vốn đã không phải là điều đơn giản, đối với xã 135 như Bình Sơn lại càng trăm bề khó khăn. Mọi thứ đều mới mẻ nên cả chính quyền và nhân dân cũng rất lúng túng”. Ví như cây chè được đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Bình Sơn theo Dự án 327 từ năm 1992 với diện tích ban đầu khoảng 200 ha, hướng tới mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các xưởng chế biến chè ở khu vực. Những năm 1996-2002, cây chè hợp thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt; lại có “chỗ dựa” vì được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ hoạt động một thời gian khiến cho sản phẩm không có đầu ra; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai người ấy làm”.

Những bước chuyển biến đầu tiên trên vùng chè Bình Sơn bắt đầu từ giữa năm 2016, khi HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn chuyển đổi phương thức hoạt động, đẩy mạnh phát triển sản phẩm theo chiều sâu: Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, mẫu mã, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Anh Tiến ngậm ngùi: “Có thế mạnh mà cứ loay hoay mãi mà không biết nên đi hướng nào cho đúng, cho cuộc sống của người dân vơi bớt khó khăn. Sau gần 30 năm kể từ ngày cây chè “kết duyên” trên đất Bình Sơn, nhờ có chương trình OCOP mà chúng tôi mới tìm được “lời giải” cho bài toán khó “thoát nghèo”, xây dựng NTM”. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích chè của xã Bình Sơn đạt 350 ha với khoảng 400 hộ tham gia sản xuất. Năm 2019, năng suất chè đạt 4.129 tấn, tổng thu nhập đạt 22,9 tỷ đồng (tăng 4% so với năm 2018). Cây chè trở thành một trong những cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM tại địa phương. Từ đó, ngành kinh doanh dịch vụ cũng có nhiều khởi sắc. Năm 2019, toàn xã có 52 hộ kinh doanh buôn bán, trong đó chủ yếu là kinh doanh hàng tạp hóa, thực phẩm và chế biến chè khô. Các hộ đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ ra các xã lân cận và nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ năm 2019 đạt khoảng 20 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018.

Cùng với sản phẩm chè, mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất của xã Bình Sơn cũng được công nhận sản phẩm OCOP sau khi trải qua quy trình đánh giá chặt chẽ, khắt khe. Bình Sơn là một xã miền núi, dân số ít, diện tích tự nhiên nhiều, khí hậu ôn hòa, các loại cây cối, hoa lá phát triển tốt. Đây là môi trường thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Vì vậy, sản phẩm mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất đã được nhân dân trong vùng phát triển từ lâu. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất nhỏ, lẻ, tự phát, thiếu sự định hướng, đầu tư khiến cho sản lượng, thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Mặt khác, sản phẩm làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, không có “bà đỡ”, kênh phân phối đủ mạnh tạo tiền đề để mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất xã Bình Sơn vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh của nghề, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã “nhập cuộc” liên kết các hộ nuôi ong mật trên địa bàn toàn xã, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ong khỏe mạnh theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất và chất lượng mật tốt. Nhờ những nỗ lực cố gắng ấy, nghề nuôi ong mật của xã Bình Sơn ngày càng phát triển, có tính liên kết sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế cho người nuôi. Đến nay, tổng số đàn ong trên địa bàn xã Bình Sơn đạt 400 đàn với hơn 400 hộ nuôi; sản lượng trung bình đạt khoảng 5.300kg mật/năm. Anh Lê Văn Đông (44 tuổi, thôn Cây Xe) chia sẻ: “Nghề nuôi ong phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, kỹ thuật, kinh nghiệm chứ không mất quá nhiều chi phí đầu tư vì nguồn thức ăn nuôi ong chủ yếu từ thiên nhiên nên rất phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất của người dân xã Bình Sơn”. Do đó, khi HTX tổ chức liên kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, anh Đông và các hộ nuôi ong khác ở xã Bình Sơn như được tiếp thêm nguồn động lực, nỗ lực phấn đấu, tham gia phát triển nghề. Từ 5 đàn ong được UBND huyện Triệu Sơn hỗ trợ mô hình sản xuất, sau 3 năm, đến thời điểm hiện tại, tổng số đàn ong của gia đình anh Đông tăng lên khoảng gần 70 đàn; sản lượng trung bình đạt: 1,5-2 tạ mật/năm. Với giá bán tại chỗ dao động từ 150-170 nghìn đồng/chai, thu nhập bình quân mà nghề nuôi ong mang lại cho gia đình anh Đông khoảng 25-30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình anh Đông tích cực canh tác, sản xuất trên diện tích hơn 1 ha chè, tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

“Kể từ khi chè và mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất của xã được công nhận sản phẩm OCOP, tôi và người dân xã Bình Sơn đều rất vui mừng, phấn khởi nhưng cũng không khỏi canh cánh những nỗi lo, nhất là việc phát triển thương hiệu và tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Vì thế nên mặc dù người dân chúng tôi rất muốn đầu tư phát triển nghề hơn nữa nhưng nghĩ sản phẩm làm ra khả năng tiêu thụ chậm, giá cả chưa tương xứng với chất lượng nên có chút e dè” - anh Đông trần tình. Thấu hiểu lo toan, trăn trở của người dân, ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: Năm 2020 được xem là năm “tăng tốc” nhằm tạo nên những bứt phá, tiến tới hoàn thành mục tiêu “về đích NTM” vào năm 2022 của huyện. Chính bởi vậy, ngay từ đầu năm, huyện đã cho xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện một cách cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, phát triển Chương trình OCOP theo hướng: Đẩy mạnh phát triển thị trường cho 2 sản phẩm đã được tỉnh công nhận là: Mật ong bốn mùa và chè sạch của HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn; giao cho HTX tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thúc đẩy các hộ trồng chè trong vùng tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng để từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu, khẳng định thương hiệu, phấn đấu “nâng sao” cho sản phẩm. Đồng thời, triển khai các hồ sơ, thủ tục đăng ký OCOP cho 2 sản phẩm của huyện là: Ổi lê Đài Loan (xã Đồng Lợi) và muối chấm (xã Thọ Tân).

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Trên chặng hành trình đó, người nông dân, các hộ sản xuất, HTX đóng vai trò chủ thể; chính quyền cấp huyện, địa phương là những nhân tố hỗ trợ đắc lực. Cái hay, cái khác biệt của nội dung, cách thức thực hiện Chương trình OCOP nằm ở chỗ đó. Và chính sự khác biệt ấy đã mang đến những hiệu quả, sức thu hút, lan tỏa của chương trình, tạo nên sức bật cho NTM. Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Triệu Sơn là minh chứng sinh động, chân thực nhất.



.


Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 25736


Các tin khác:
 Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi (18/03/2020)
 Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (10/03/2020)
 Triển khai các chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (09/03/2020)
 Thanh Hóa có thêm 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (20/02/2020)
 Nông dân Thanh Hóa với chương trình mỗi xã một sản phẩm (04/12/2019)
 Lễ công bố Huyện Vĩnh Lộc đạt chuẩn nông thôn mới 2019 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (18/11/2019)
 Huyện Thọ Xuân đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (30/10/2019)
 TP Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (17/10/2019)
 Thẩm định xã đạt chuẩn Nông thôn mới 6 xã của huyện Nga Sơn (14/10/2019)
 Thanh Hóa dấu ấn 10 năm: [Bài 4] Lòng dân là thước đo (07/10/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang