Số lượt truy cập
Hôm nay 32641
Hôm qua 39190
Tuần này 137345
Tháng này 3175171
Tất cả 192970755
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 24/05/2021
Thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cùng với việc định hình đường lối, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại và phát triển bền vững, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này. Thực tế khi đi vào thực thi, nhiều chính sách thiết thực đã góp phần quan trọng, thúc đẩy lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ngày 11-12-2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. Thực hiện chủ trương này, hơn 530 tỷ đồng được giao thực hiện cho 8 chính sách: Hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; hỗ trợ kinh phí thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn; hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.

Mô hình trồng dưa vàng trong nhà kính tại xã Xuân Bái (Thọ Xuân).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016-2020, ngân sách tỉnh đã giải ngân cho chính sách này ước đạt 431 tỷ đồng (bằng 78,45% kế hoạch vốn giao). Trong đó, với chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi, hiện tổng diện tích được hỗ trợ là 8.563 ha; hỗ trợ kiên cố hóa 103,58km kênh mương nội đồng và 105,36km đường giao thông nội đồng, mua 34 máy cấy và 39 máy thu hoạch lúa, với kinh phí thực hiện đạt gần 50 tỷ đồng. Với điều kiện còn nhiều khó khăn tại các địa phương khu vực miền núi, chính sách này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vùng lúa thâm canh. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, máy móc thiết bị được hỗ trợ tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Cùng với chính sách hỗ trợ, các địa phương, các hộ dân, HTX, doanh nghiệp cũng đã có thêm động lực huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng.

Với chính sách hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ một lần kinh phí xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng (mức hỗ trợ 170 triệu đồng/ha đối với vùng đồng bằng, ven biển, 200 triệu đồng/ha đối với vùng miền núi); kinh phí thuê chứng nhận VietGAP. Đối với sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, thực hiện hỗ trợ một lần kinh phí đầu tư, xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2... Có thể nói, đây là một trong những chính sách hỗ trợ thiết thực và đạt hiệu quả cao. Chỉ trong 5 năm, đã có 244,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh được hình thành. Trong đó, có 661.653m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; 72 cửa hàng kinh doanh được xây dựng, tiêu thụ rau an toàn; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hàng năm cho 383,5 ha sản xuất rau an toàn. Tổng kinh phí thụ hưởng từ chính sách này đạt 91,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 152/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. Với chính sách này, giai đoạn 2016-2020 ngân sách tỉnh đã giải ngân 73 tỷ đồng hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1 và giống lúa thuần chất lượng; hỗ trợ sản xuất giống mía có năng suất và chữ đường cao; hỗ trợ giống gốc vật nuôi; hỗ trợ du nhập, chọn lọc, nuôi dưỡng, tuyển chọn cá chép bố mẹ, cá rô phi bố mẹ thuần chủng để sản xuất giống có năng suất, chất lượng...

Tại huyện Thọ Xuân, ngay khi quyết định giao kinh phí, khối lượng thực hiện, căn cứ kế hoạch đăng ký thực hiện của các xã, UBND huyện Thọ Xuân đã xây dựng và ban hành quyết định về quy định thực hiện chính sách khuyến khích tái cơ cấu nông nghiệp và giao kế hoạch khối lượng, kinh phí thực hiện cho các xã, thị trấn. Từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đến nay, tại huyện Thọ Xuân đã xây dựng được 9 mô hình nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ kết hợp tưới nước tiết kiệm, với diện tích trên 65.000m2, lợi nhuận 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Gần 220 ha cây ăn quả có múi tập trung cũng cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; 2 HTX sản xuất rau an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đã ra đời. Trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, như: Vùng mía nguyên liệu với diện tích 1.500 - 2.000 ha; vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 6.500 ha; vùng sản xuất lúa giống 500 ha/1 vụ; vùng trồng cây xuất khẩu trên 500 ha... Toàn huyện đã thu hút được 92 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; trong đó, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại của châu Âu, Israel và các nước phát triển... đã lựa chọn đầu tư vào địa bàn.

Huyện Yên Định cũng là một trong những địa phương được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện Yên Định đã được triển khai hỗ trợ 56,592 tỷ đồng để các doanh nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, huyện Yên Định đã xây dựng được 3 khu trang trại chăn nuôi tập trung tại các xã Định Hòa, Yên Lâm, Yên Phú, với kinh phí 3 tỷ đồng/trang trại; xây dựng mới, nâng cấp 25km kênh mương và giao thông nội đồng; xây dựng 52 ha vùng rau chuyên canh, hơn 54.000m2 nhà lưới...

Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng có chuyển biến rõ nét cả về tổ chức sản xuất cũng như việc chuyển dịch theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút hàng chục doanh nghiệp cam kết đầu tư, điển hình là Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa xây dựng các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con; Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng thành công Trại bò Thanh Hóa 2 tại huyện Như Thanh; Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước đầu tư dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 20.000 con bê nhập từ Úc; Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đầu tư dự án liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản với quy mô 100.000 tấn/năm...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả. Nhiều cơ chế, chính sách đã được triển khai thực hiện tích cực, góp phần tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển đổi cơ cấu giống, chủ động được nguồn giống tốt... Ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn trong các doanh nghiệp, HTX và Nhân dân cũng đã huy động để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,84%/năm. Tỷ lệ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đến năm 2020 đạt 92,5%; trong đó, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30,6%, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập thị trường của tỉnh Thanh Hóa với nông sản trong nước và quốc tế.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 15307


Các tin khác:
 Ngành trồng trọt tiếp đà tăng trưởng (17/05/2021)
 Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi (10/05/2021)
 Huyện Hậu Lộc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả bền vững (10/05/2021)
 Tăng cường các biện pháp phòng, trừ bệnh khảm lá sắn (06/05/2021)
 Nâng cao năng lực dự báo, giám sát phòng, trừ dịch hại trên cây trồng (02/05/2021)
 Tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng cuối vụ (02/05/2021)
 Kết quả tích tụ, tập trung đất đai tại huyện Đông Sơn (29/04/2021)
 Kết quả bước đầu tích tụ, tập trung đất đai (26/04/2021)
 Để cây ăn quả phát triển bền vững: Tiềm năng phát triển cây ăn quả (23/04/2021)
 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn (12/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang