Số lượt truy cập
Hôm nay 28080
Hôm qua 58866
Tuần này 191650
Tháng này 3229476
Tất cả 193025060
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 30/03/2023
Thanh Hóa: Nhìn lại kết quả thực hiện các mô hình trồng trọt năm 2022

Xây dựng các mô hình trình diễn hàng năm có vai trò quan trọng và tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Thông qua xây dựng các mô hình trình diễn, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng, giúp người nông dân tiếp cận được với những quy trình sản xuất tiên tiến, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác...

Hàng năm, từ nguồn kinh phí địa phương, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa nhiều mô hình mới, giống cây trồng mới vào sản xuất như: Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, canh tác lúa thông minh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các nhà lưới, nhà màng, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt... Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng đồng bộ, mang lại hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với diện tích sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống.

Năm 2022, lĩnh vực trồng trọt có 6 mô hình được triển khai, xây dựng ở vùng Đồng Bằng và miền núi tại 16 xã thuộc 13 huyện trong tỉnh. Trong đó các hộ khi tham gia mô hình từng vùng miền được hỗ trợ lần lượt là 70%, và 50% kinh phí giống, vật tư phân bón; được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo nhân rộng mô hình, hội nghị tổng kết và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình.

Từ việc áp dụng KHKT đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đến nay các mô hình đã được tổng kết, nghiệm thu và được đánh giá đạt và vượt cao hơn so với yêu cầu của mô hình. 


Mô hình: “Ứng dụng kỹ thuật canh tác thông minh trong sản xuất lúa chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” được triển khai tại 5 xã: Xã Nga Phú (Nga Sơn); Xã Tuy Lộc (Hậu Lộc); xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa); xã Yên Thịnh (Yên Định); xã Yên Thọ (Như Thanh). Với quy mô mỗi điểm là 11 ha/xã; số hộ tham gia: 60 hộ/xã. Mô hình sử dụng một số giống lúa: Q5, khang dân đột biến... năng suất bình quân chung của mô hình đạt trên 63,4 tạ/ha. Mô hình được bà con đánh giá cao và vô cùng phấn khởi vì hiệu quả kinh tế mang lại. Bà con sẽ tiếp tục thực hiện, nhân rộng mô hình với diện tích nhiều hơn nữa ở vụ tới, năm tới. 


Đặc biệt mô hình tại xã Tuy Lộc năng suất đạt 69,3 tạ/ha. Mô hình đã áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác thông mình, cơ giới hóa từ khâu làm đất, mạ khay, máy cấy, xử lý sâu bệnh bằng công nghệ sử dụng máy bay không người lái cho đến thu hoạch. Vì vậy mô hình tiết kiệm được giống, phân bón, công lao động, thuốc bảo vệ thực vật nên giảm chi phí đầu vào so với mô hình truyền thống tại địa phương hơn 5.000.000 đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với yêu cầu của mô hình.

Với mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại 3 xã Đồng bằng: Hoằng Đức (Hoằng Hóa); xã Minh Sơn (Triệu Sơn); xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc), với quy mô: 11 ha/xã; số hộ tham gia: 60 hộ/xã; riêng xã Vạn Xuân (Thường Xuân) là một xã miền núi, mô hình có quy mô 8 ha, 40 hộ tham gia. Năng suất bình quân chung của mô hình đạt 60,4 tạ/ha. Mô hình sử dụng các giống lúa: Nếp hạt cau, Bắc thơm số 7, VNR20…

Đặc biệt, mô hình lúa nếp hạt cau thực hiện tại xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản cho người nông dân. Nông dân được tập huấn ngay từ đầu vụ các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo phương pháp ICM, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, các khâu từ làm đất đến thu hoạch đều sử dụng cơ giới hóa vì vậy chi phí đầu vào giảm. Lợi nhuận cao hơn 7.100.000 đồng/ha, vì vậy hiệu quả kinh tế cao hơn 50% so với mô hình sản xuất đại trà của người dân. Mô hình vượt mục tiêu đề ra. 

Bước đột phá đối với mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại xã miền núi Vạn Xuân (Thường Xuân). Với mục tiêu hướng người nông dân làm quen với công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế đồng thời hình thành lối tư duy hiện đại, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào các khâu trong sản xuất lúa, quản lý tốt tình hình sinh trưởng, phát triển và sâu bệnh hại trên lúa giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Cũng như việc liên kết ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài cho bà con nông dân, tạo đà phát triển cho những đối tượng cây trồng khác. Vì vậy, mô hình được triển khai thuận lợi, được bà con nhiệt tình hưởng ứng, năng suất mô hình đạt trên 63 tạ/ha, mô hình cho lợi nhuận trên 7.500.000 đồng/ha, cao hơn 5.600.000 đồng/ha (so với mô hình truyền thống của bà con và hiệu quả kinh tế vượt 28%)

Mô hình sản xuất bí xanh an toàn gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại 2 xã Đông Yên (Đông Sơn) và xã Tượng Văn (Nông Cống) với quy mô: 5 ha/xã; số hộ tham gia: 20 hộ/xã. Mô hình được triển khai với mục đích giúp bà con nông dân ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn. Cán bộ kỹ thuật đã luôn đồng hành hướng dẫn cùng bà con áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, nên cây bí xanh sinh trưởng, phát triển tốt, sạch sâu bệnh, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao. Năng suất mô hình đạt trên 40 tấn/ha, cao hơn so với đại trà 10-20%. Do thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn nên toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. 

Với mong muốn mang lại thu nhập cao cho người nông dân, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị, đồng thời phối hợp, hợp đồng liên kết với các công ty tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân thì mô hình “Ứng dụng TBKT trong sản xuất ngô đường (ngô ngọt) gắn với tiêu thụ sản phẩm” rất thích hợp trong điều kiện hiện nay. Mô hình được triển khai tại 3 xã: Hoằng Trung (Hoằng Hóa); Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) và thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân) với quy mô mỗi xã: 6 ha, số hộ tham gia: 25 hộ/xã. Năng suất bình quân đạt trên 20 tấn/ha. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân tại các điểm thực hiện mô hình. Tiêu biểu mô hình thực hiện tại Thị trấn Thọ Xuân, năng suất đạt 21 tấn/ha, toàn bộ sản phẩm của mô hình được doanh nghiệp thu mua với giá 5.100đ/kg, so với mô hình trồng ngô  lấy hạt, 1 ha trồng ngô ngọt cho thu lãi gần 9 triệu đồng.

Mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Phúc (Quảng Xương) với quy mô 3ha, 50 hộ tham gia. Năng suất mô hình đạt 62tạ/ha (cao hơn 2 tạ/ha so với mô hình truyền thống của bà con), hiệu quả cao hơn 20-30%, đặc biệt mô hình đã cải tạo đất, tạo môi trường sinh thái giúp rươi sinh trưởng, phát thuận lợi tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

Mô hình Sản xuất ngô lai F1 lấy hạt trên vùng đất không chủ động nước gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) với quy mô 11 ha, 40 hộ tham gia. Mô hình đạt năng suất 52 tạ/ha, với giá bán 900.000 đồng/tạ, lợi nhuận hơn 6.000.000 đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 20% so với mô hình của bà con.

Có thể nói, hiệu quả mang lại từ xây dựng các mô hình trình diễn hàng năm đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, giảm chi phí vật tư, công lao động, bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với diện tích sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống. 

Để nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay và gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân, các địa phương cần tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác. Đồng thời, cần kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng mô hình với đào tạo cán bộ kỹ thuật; tổ chức các cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ,... để người dân tiếp cận, nắm vững, làm chủ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất một cách chủ động và quy mô hơn.

Tác giả: Thu Hiền – TTKN Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 7124


Các tin khác:
  Bệnh đạo ôn lúa, nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng trừ  (02/02/2023)
  Đổi mới phương pháp tập huấn khuyến nông (16/12/2022)
 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Phát triển cây ăn quả theo chuỗi ứng dụng công nghệ cao”. (08/12/2022)
 Kết quả mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm (07/12/2022)
 Mô hình liên kết trong sản xuất khoai tây ở Hoằng Đông - Hoằng Hóa (30/11/2022)
 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia cầm tại huyện Hậu Lộc. (17/11/2022)
 Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá ngạch (Cranoglanis sinensis)  (17/11/2022)
 Một số biện pháp phòng chống sâu, bệnh hại Quế (03/11/2022)
 Phát triển nghề nuôi tôm Thẻ chân trắng theo hướng bền vững tại huyện Hoằng Hoá (03/11/2022)
 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia cầm đảm bảo an toàn sinh học”. (03/11/2022)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang