Số lượt truy cập
Hôm nay 52583
Hôm qua 39190
Tuần này 157287
Tháng này 3195113
Tất cả 192990697
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ bảy, 06/06/2020
Bài cuối: Để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phát triển bền vững

Những thách thức như, chưa có sự liên kết sản xuất hiệu quả, chưa đủ tiềm lực để áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững... đang trở thành những trở ngại khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Vấn đề đặt ra là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp “vượt” qua những “rào cản” phát triển bền vững, lớn mạnh và đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII xác định là một trong 5 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm cho giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, để tạo những bước tiến mới cho ngành nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, phát triển sản xuất thành các vùng lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cơ sở liên kết đã trở thành xu thế tất yếu của thực tiễn. Đến nay, hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã thành công, tạo tiền đề cho sản xuất tập trung, mà ở đó, các doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, nông dân góp công, góp đất để cùng hưởng những thành quả. Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã thuê đất, xây dựng nhiều hệ thống nhà lưới tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, gặt hái thành công không nhỏ nhờ trồng dưa lưới, dưa vàng và các cây trồng giá trị kinh tế cao. Có trụ sở tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, nhưng Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã liên kết với nông dân và nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa để triển khai các mô hình trồng trọt hàng chục năm qua. Nhờ đó, đầu ra cho cây dứa, cây ớt, ngô ngọt, cải bó xôi, các loại rau màu của hàng chục nghìn hộ nông dân trong tỉnh được bao tiêu ổn định, nâng cao giá trị canh tác trên các thửa ruộng của mình. Với các dây chuyền đóng hộp rau – củ - quả tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa), Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Đồng Xanh đã liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm ổn định cho nông dân ở hàng chục xã trên địa bàn tỉnh. Trong nuôi trồng thủy sản, nhờ liên kết triển khai được các vùng nuôi trồng tổng diện tích 43 ha tại các xã Hải Châu và Hải Lĩnh (Tĩnh Gia), Công ty CP Thương mại Cảnh Long (TP Thanh Hóa) đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Tương tự, huyện Nga Sơn đã tạo điều kiện về đất đai và các cơ chế để các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao với tổng diện tích 52 ha tại xã Nga Tân.

Sản xuất dưa vàng trong nhà lưới tại Công ty Great Farm ở xã Xuân Hồng (Thọ Xuân).

Doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp thành công là không ít, bởi họ đã vượt qua được những khó khăn thử thách, tự tìm ra những hướng đi riêng, hiệu quả. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, mô hình sản xuất tập trung vẫn còn “loay hoay” trong việc tìm hướng bứt phá. Năm 2015, anh Lê Ngọc Đạt - người con xa quê của xã Xuân Khánh (nay là xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân) quyết định về quê thu gom và đấu thầu 20 ha đất, thành lập Công ty CP Great Farm để đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 7.000m2 nhà lưới hiện đại được xây dựng, nhiều máy móc đã được đầu tư, cộng với tiền đầu tư đào ao, san và đổ thêm đất... đã tiêu tốn nhiều tỷ đồng của ông chủ trẻ. Huyện Thọ Xuân cũng tạo nhiều điều kiện, đầu tư đường giao thông, đường điện đến tận khu sản xuất... để đồng hành với doanh nghiệp. Hàng chục ha đậu tương, ngô, bí... đã thay nhau gối lứa. Trong nhà lưới, những lứa dưa vàng, dưa lưới phát triển tốt nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để canh tác. Những xe ô tô tải vận chuyển dưa các loại được đưa ra thị trường, nhưng khi năng suất và diện tích cây dưa càng lớn, thì đầu ra cho sản phẩm lại trở thành vấn đề nan giải đối với công ty. Một mô hình sản xuất lớn, nhưng sản phẩm lại chủ yếu phụ thuộc vào thị trường tự do nên luôn bấp bênh. Nhiều tỷ đồng đã bỏ ra để đầu tư, nhưng sự cạnh tranh trên thị trường đã mang lại nhiều nỗi lo để mô hình phát triển bền vững. Đầu tư bài bản, nhưng nếu có được những hợp đồng liên kết tiêu thụ bền vững hoặc xuất khẩu được sản phẩm với số lượng lớn, chắc chắn mô hình sẽ ngày càng lớn mạnh, hiệu quả và ngược lại.

Tuy nhiên, hàng chục mô hình nông nghiệp tập trung khác, nhất là những mô hình do thanh niên mới khởi nghiệp làm chủ, đều diễn ra tình trạng thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất. Tình trạng “giật gấu vá vai”, chờ nguồn thu vụ này mới có tiền đầu tư mở rộng tiếp cho vụ sau... khiến mô hình không thể bứt phá. Giải pháp vay vốn ngân hàng để đầu tư được các chủ đầu tư mong chờ nhất, song trên thực tế vẫn chưa được giải quyết và hỗ trợ như kỳ vọng bởi chưa vượt qua được các điều kiện các ngân hàng đưa ra. Ở nhiều huyện, khi có nhà đầu tư vào tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng quỹ đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, không phù hợp với sản xuất quy mô lớn. Điều này đặt ra vấn đề cần tiếp tục tích tụ, tập trung đất đai quy mô lớn để thuận lợi cho thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp. Công tác tuyên truyền của nhiều địa phương chưa tốt nên nhiều người dân chưa nhận thức được việc tích tụ, tập trung đất đai. Dẫn đến tình trạng, nhiều hộ gia đình bỏ hoang ruộng đất, nhưng khi chính quyền kêu gọi dồn đổi hoặc để doanh nghiệp vào thuê thì lại không đồng ý, bằng mọi cách giữ ruộng mà không hề phát huy được giá trị. Theo đó, đã có nhiều trường hợp khi có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, việc bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Tại nhiều địa phương, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm, dẫn đến các thủ tục, giấy phép rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện trình tự, hồ sơ trong việc đầu tư. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản cũng là những yếu tố quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Khi các khó khăn được nhận diện, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương cần từng bước khắc phục, hướng đến “trải thảm” cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng vấn đề tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm nông sản, từ nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành lập các chuỗi cung ứng nông sản. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên thực tế, yêu cầu phải có thêm nhiều hội nghị kết nối cung – cầu từ các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh và các địa phương. Vai trò của các sở, ngành, các cấp trong đấu mối tìm thị trường cho nông sản tỉnh nhà, trong đó có thị trường xuất khẩu cần được phát huy hơn nữa.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 17328


Các tin khác:
 Bài 3: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản (05/06/2020)
 Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (04/06/2020)
 Bài 2: Tích tụ, tập trung đất đai tạo thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn (04/06/2020)
 Sức sống mới trên quê hương Hòa Lộc (04/06/2020)
 Bài 1: Tạo sức hút để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (02/06/2020)
 Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa xây dựng nông thôn mới không nợ đọng (01/06/2020)
 Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản 2020 (01/06/2020)
 Hơn 43% số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại Thanh Hóa được cấp giấy phép đủ điều kiện (28/05/2020)
 Thanh Hoá đã chuyển đổi được trên 22 nghìn ha đất lúa (28/05/2020)
 Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2019 (28/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang