Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2011; quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012-2015. Trong giai đoạn 2006-2011, đàn gia súc giảm (đàn trâu giảm bình quân 1,36%/năm, đàn bò giảm 6,76%, đàn lợn giảm 6,37%) nhưng sản lượng thịt hơi các loại liên tục tăng (năm 2011 đạt 192.324 tấn bằng 163,2% so với năm 2006); tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực (năm 2006 đạt 26%, năm 2011 đạt 30%). Cơ cấu đàn gia súc, gia cầm chuyển biến theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tỷ lệ lợn hướng nạc, bò lai Zebu trong đàn gia súc ngày càng cao. Phương thức chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi hộ gia đình truyền thống sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hoá lớn. Nhiều hộ gia đình, chủ trang trại, công ty bằng vốn tự có, vay ngân hàng hoặc liên doanh sản xuất đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi với công nghệ cao về giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi có quy trình kỹ thuật khép kín, chú trọng công tác thú y, xử lý môi trường nên nhiều cơ sở chăn nuôi có lãi, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, một số cơ sở chăn nuôi đã đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Công tác quản lý nhà nước về giống, thú y, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh từng bước được tăng cường. Kết quả tiêm phòng trong những năm gần đây đạt kết quả khá, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn trâu bò đạt 70-80%, đàn gia cầm 90-95%, đàn lợn 60-70%, riêng vắc xin cúm gia cầm 2 năm vừa qua không tiêm nên từ đầu năm 2012 dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, số gia cầm phải tiêu huỷ 14.578 con. Trong giai đoạn 2012-2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra quan điểm, xác định mục tiêu và giải pháp phát triển chăn nuôi, cụ thể là: Tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi truyền thống chuyển dần sang chăn nuôi tạo ra các sản phẩm đặc sản, chất lượng, giá trị hàng hoá cao, tận dụng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương; tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi... Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất (giá cố định1994) đạt 2004 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,28%/năm, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Các đối tượng chủ lực ưu tiên phát triển là: bò sữa, lợn ngoại hướng nạc, gà công nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, cần chú trọng các giải pháp về quy hoạch; kỹ thuật (giống, thú y, thức ăn); giết mổ, chế biến và thị trường; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y; tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích và đầu tư phát triển chăn nuôi.
Các ý kiến tham gia của các đại biểu vào Đề án phát triển chăn nuôi đều tập trung vào việc đề xuất cần có cơ chế thông thoáng về đất đai, quy hoạch chăn nuôi theo vùng, giành quỹ đất để phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến; đầu tư cho các cơ sở sản xuất giống; đơn giản hoá thủ tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi đối với các doanh nghiệp, trang trại;...
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề nghị tỉnh Thanh Hoá cần phát triển chăn nuôi theo xu hướng công nghiệp, chăn nuôi theo chuỗi giá trị và chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời xác định chăn nuôi lợn là chính nhưng theo hướng giảm dần gia trại, hộ gia đình sang trang trại tập trung; rà soát, xác định thế mạnh của từng vùng, địa phương để phát triển con nuôi đặc sản cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, chú trọng công tác sản xuất giống gắn với quản lý đực giống; quy hoạch lại chăn nuôi gắn với vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí yêu cầu phải xác định tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi một cách toàn diện, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung theo vùng và sản phẩm chủ yếu gắn với vùng; tuy nhiên vẫn phải quan tâm phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, hộ gia đình; quan tâm đến số lượng nhưng phải chú ý đến chất lượng con nuôi nhất là những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; phải kết hợp hài hoà giữa hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, quan tâm đến công tác sản xuất giống gắn với quản lý,... Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu các ý kiến tham gia để hoàn chỉnh Đề án, trình UBND tỉnh vào Kỳ họp tháng 4/2012.


