Số lượt truy cập
Hôm nay 23494
Hôm qua 39190
Tuần này 128198
Tháng này 3166024
Tất cả 192961608
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 28/10/2021
Tạo trợ lực để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vừa là yêu cầu khách quan, vừa là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế. Vấn đề này sẽ phần nào được giải quyết khi triển khai thực hiện Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND.

Là một trong những tỉnh mà nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như biến đổi khí hậu, sâu bệnh, hệ thống tưới tiêu, giám sát sức khỏe đất và cây trồng... Theo đó, việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường, đang là yêu cầu đặt ra cho ngành nông nghiệp. Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây có thể kể đến như cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Hiện, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã chọn nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch gắn với công nghệ sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa... làm hướng đi chính để đầu tư. Từ đó, tận dụng, phát huy tốt lợi thế, tạo ra nông sản chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn)

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song sản xuất nông nghiệp CNC vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự gắn kết giữa KH&CN với hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đều. Ví như, giai đoạn 2018-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, với 11 nhóm chính sách. Trong đó có nhóm chính sách về hỗ trợ ứng dụng CNC trong sản xuất cam, bưởi theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Theo đó, hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có) hoặc hợp đồng hỗ trợ ứng dụng công nghệ; chi phí đầu tư để được công nhận VietGAP hoặc GlobalGAP; chi phí xây dựng và công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm; chi phí dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của 1 vụ sản xuất cho diện tích tập trung từ 50 ha trở lên. Sau khi đã được hỗ trợ mà tiếp tục mở rộng diện tích thì cứ tăng thêm 50 ha sẽ được hỗ trợ 50% mức hỗ trợ lần đầu. Tổng hỗ trợ tối đa không quá 6 tỷ đồng/dự án. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm Nghị quyết 81 có hiệu lực, đến nay vẫn chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Nguyên nhân được cho là do diện tích đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp tập trung còn manh mún, nhỏ lẻ, khó đảm bảo điều kiện và tiêu chí về quy mô diện tích tối thiểu để được thụ hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, cây cam, bưởi có thời gian sinh trưởng dài, từ khi trồng đến khi cho năng suất trong khoảng 2 - 3 năm; trong khi chính sách mới được triển khai trong thời gian ngắn nên chưa đủ thời gian để xác định được hiệu quả kinh tế.

Thực tế cho thấy, phát triển sản xuất trên nền tảng ứng dụng CNC đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp phát triển. Song, bản thân việc ứng dụng CNC cũng đang đứng trước thách thức nội tại. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, để triển khai mô hình nông nghiệp CNC đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn và phải đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp; thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng KH&CN theo vùng sản xuất tập trung. Mặt khác, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, không ổn định. Ngoài ra, còn có các bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực còn hạn chế. Mặt khác, dù thấy được cái lợi nhưng không ít nông dân, doanh nghiệp vẫn chưa thấy được tầm quan trọng thật sự, lâu dài của việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Họ vẫn vì lợi ích kinh tế mà lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để chạy theo năng suất, sản lượng. Sự liên kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm chưa nhiều nên tình trạng được mùa mất giá liên tục diễn ra, hiệu quả kinh tế bình quân trên một ha đất canh tác vẫn còn thấp.

Động lực để thay đổi

Thúc đẩy ứng dụng CNC, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là hướng đi đúng nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Để giải quyết những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp, trước hết phải tháo gỡ được “nút thắt” về vốn. Do đó, sự ra đời của Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 20/NQ-HĐND), sẽ phần nào giải tỏa “cơn khát” vốn của tổ chức, cá nhân.

Nghị quyết số 20/NQ-HĐND với 5 chính sách, thì có đến 3 chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, bao gồm hỗ trợ ứng dụng CNC trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng CNC trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới CNC trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Mức hỗ trợ đều là 30% tổng giá trị đầu tư, bao gồm: chi phí mua sắm máy móc, thiết bị; chi phí chuyển giao kỹ thuật (nếu có), chi phí thuê chuyên gia (nếu có), chi phí đào tạo, tập huấn... Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới, có vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản. Bởi, công nghiệp chế biến giúp nâng cao giá trị, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Hiện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã có bước tiến rõ rệt với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tỉnh ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng xây dựng theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và chưa thực sự phát triển. Nhiều nhà máy chế biến chưa đầu tư hoặc sử dụng dây chuyền lạc hậu, khả năng chế biến với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh còn yếu, công suất chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu. Vẫn còn một số sản phẩm rau, củ, quả chính vụ không có thị trường tiêu thụ, nông dân phải chặt bỏ. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế về vốn, công nghệ thiết bị, lao động có tay nghề cao, năng lực quản lý. Ngoài ra, việc tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung của các doanh nghiệp chế biến vẫn còn gặp nhiều khó khăn... Xuất phát từ thực trạng đó, Nghị quyết số 20/NQ-HĐND đã đưa ra chính sách “hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới CNC trong bảo quản, chế biến, nông, lâm, thủy sản”. Chính sách này áp dụng cho các đối tượng là: Các tổ chức (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: Bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản trong khoảng thời gian từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31-12-2025; công nghệ được đầu tư mới hoặc đổi mới phải thuộc danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 38/2000/QĐ-TTg ngày 30-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc các văn bản thay thế của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm hỗ trợ; máy móc, thiết bị được đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ phục vụ trực tiếp cho ứng dụng CNC trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bảo quản, chế biến phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, có nhãn hàng hóa và tem truy xuất nguồn gốc. Mức hỗ trợ là 30% tổng mức chi phí đầu tư. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Có thể nói, các chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của Nghị quyết số 20/NQ-HĐND nếu được triển khai hiệu quả sẽ góp phần giải tỏa cơn “khát vốn” cho các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Với điều kiện hỗ trợ tương đối phù hợp và thuận lợi nhất cho các đối tượng được thụ hưởng, chắc chắn nghị quyết này sẽ trở thành một nhân tố thúc đẩy nền nông nghiệp Thanh Hóa phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 25282


Các tin khác:
 Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND – “Bệ đỡ” thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển: Bài 1 - Nghị quyết của tinh thần đổi mới (28/10/2021)
 Phát triển vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (21/10/2021)
 Huyện Hậu Lộc tập trung nâng cao giá trị cây trồng vụ đông (19/10/2021)
 Hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (18/10/2021)
 Khôi phục sản xuất, chăm sóc cây trồng sau đợt mưa lớn (16/10/2021)
 Sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch (15/10/2021)
 Khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ thu mùa tránh bão số 7 (10/10/2021)
 Tăng cường quản lý, hướng dẫn thực hiện tiếp nhận hợp quy phân bón trên địa bàn tỉnh (08/10/2021)
 Tăng cường quản lý, hướng dẫn thực hiện tiếp nhận hợp quy phân bón trên địa bàn tỉnh (08/10/2021)
 Đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2021-2022 (07/10/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang