Số lượt truy cập
Hôm nay 18315
Hôm qua 58866
Tuần này 181885
Tháng này 3219711
Tất cả 193015295
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ sáu, 05/06/2020
Xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP

Sau 1 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh ta có 30 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 24 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Việc gia tăng số lượng, chất lượng các sản phẩm OCOP là tín hiệu vui, song đa phần chưa xây dựng được lộ trình phát triển nhãn hiệu, bảo đảm cho các sản phẩm “vươn xa” trên thị trường.

Để phù hợp với sự phát triển của thị trường và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là tham gia phát triển sản phẩm OCOP, các chủ thể kinh tế, HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước tiếp cận và thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất theo quy trình có kiểm tra, giám sát, sử dụng các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ để tạo số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Là sản phẩm lâu đời của huyện Vĩnh Lộc, chè lam Phủ Quảng đã trở thành thứ “quà quê” nổi tiếng trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trước đây, trong quá trình sản xuất, các hộ mới chỉ tuân thủ quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống, dựa vào kinh nghiệm, chưa có sự thống nhất về kỹ thuật sản xuất... nên chất lượng giữa các hộ không đồng đều. Theo chị Đỗ Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất Lâm Thu, thị trấn Vĩnh Lộc: Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cần quá trình lâu dài, do đó, ngay từ khi bắt đầu tạo lập, xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, chúng tôi đã lựa chọn, tập hợp các hộ có đầy đủ các điều kiện hoạt động về sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm, sau đó họp bàn, thống nhất về hình thức, phương pháp làm. Trong quá trình sản xuất, cần được giám sát thường xuyên về quy trình, dụng cụ sử dụng và môi trường bảo quản của các hộ... Đồng thời, thay đổi mẫu mã, tem nhãn bao bì sản phẩm để khách hàng dễ nhận diện. Do đó, năm 2017, khi chè lam Phủ Quảng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm đã có chỗ đứng và hướng phát triển bền vững trên thị trường.

Cơ sở sản xuất mắm Ba Làng, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia).

Với tiền đề là cơ sở sản xuất nhỏ, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, trước đây, Công ty TNHH Đức Giang (Thọ Xuân) chủ yếu “bỏ mối” sản phẩm cho các đại lý lớn. Khi được chọn phát triển nhóm sản phẩm theo chương trình OCOP, gồm: Kẹo lạc Đức Giang và kẹo gạo lức Đức Giang, công ty đã đầu tư dây chuyền mới (khoảng 1 tỷ đồng) để phục vụ sản xuất, đóng gói sản phẩm theo hướng hiện đại, hướng tới phát triển thêm các kênh tiêu thụ mới, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Ông Dương Văn Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đức Giang, cho biết: Đối với những sản phẩm lâu năm của địa phương, để xây dựng nhãn hiệu cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, tạo sự đột phá, độc đáo trong lô gô, hình ảnh nhận diện sản phẩm. Đồng thời, xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp cho nhãn hiệu sản phẩm đã tạo dựng.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, có 25/30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận nhãn hiệu, sở hữu nhãn hiệu, sở hữu tập thể, mã số, mã vạch... Song việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Bởi quy mô sản xuất của các sản phẩm vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Để những sản phẩm OCOP của tỉnh có chỗ đứng và vươn xa trên thị trường, từ năm 2019 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã mở 6 lớp hướng dẫn, tuyên truyền cho gần 900 cán bộ quản lý các cấp về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP. Dự kiến, năm 2020, sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn cho các chủ thể kinh tế về quy trình và quyền lợi khi đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ông Lê Tế Tâm, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không khó, nhưng “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu là vấn đề nan giải. Đòi hỏi đơn vị cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 33922


Các tin khác:
 Huyện Bá Thước phát triển sản phẩm OCOP (04/06/2020)
 Năng lực của ngành chế biến lâm sản còn nhiều hạn chế (02/06/2020)
 Lấy HTX làm “hạt nhân” phát triển nông nghiệp hàng hóa ở cấp xã (26/05/2020)
 Tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (12/05/2020)
 Tham gia Chương trình OCOP hướng đi mới của kinh tế hợp tác xã (04/05/2020)
 Toàn tỉnh gieo trồng được hơn 800 ha dưa các loại (03/05/2020)
 Tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 (01/05/2020)
 Thanh Hóa ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực (01/05/2020)
 Toàn tỉnh có 1.127 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (30/03/2020)
 87 HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 (30/03/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang