Số lượt truy cập
Hôm nay 7814
Hôm qua 58866
Tuần này 171384
Tháng này 3209210
Tất cả 193004794
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ bảy, 10/10/2020
Vai trò của HTX trong sản xuất nông nghiệp

Toàn tỉnh hiện có 673 HTX nông nghiệp, với gần 79.320 thành viên. Những năm gần đây, cùng với việc đổi mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã thực hiện đổi mới phương thức sản xuất, tăng các khâu dịch vụ cạnh tranh, trở thành đầu mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn ở địa phương.

HTX dịch vụ Toàn Năng, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) được thành lập năm 2015. Bên cạnh việc cung ứng các khâu dịch vụ khép kín cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn, HTX đã triển khai hợp tác với nông dân phát triển 218 ha lúa giống liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Đầu tư thương mại Đại Dương. Ước tính, thu nhập khi sản xuất lúa giống cho hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với sản xuất lúa thương phẩm truyền thống. Trong vụ đông năm 2020, HTX còn hợp tác với các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm 118 ha ngô ngọt, 20 ha dưa chuột, 35 ha ớt, 5 ha khoai tây và nhiều loại rau màu khác... Ông Ngô Đình Sử, giám đốc HTX cho biết: Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 máy sấy, 2 máy làm đất, 3 máy cấy để đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ mở rộng do sáp nhập thôn, xã. Đồng thời, hợp tác với các doanh nghiệp tiếp tục đưa các cây trồng hiệu quả kinh tế cao vào liên kết sản xuất với nông dân. 

Vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) triển khai.

Tại HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Hưng, sau khi chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, ngoài thực hiện các khâu dịch vụ truyền thống, HTX đã chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn. Trong đó, điển hình là các mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, với diện tích mỗi vụ hàng trăm ha, diện tích sản xuất rau an toàn gần 17 ha bảo đảm đạt theo tiêu chuẩn VieGAP. Từ năm 2019, HTX đã phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới cho doanh thu tới hơn 2 tỷ đồng/năm. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, HTX đã nhân rộng diện tích trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà kính lên 2,6 ha.

Nhiều năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì diện tích cây lúa khoảng 230 nghìn ha mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn diện tích sản xuất lúa còn nhỏ lẻ, manh mún. Trước tình hình đó, các HTX đã thể hiện được vai trò lớn trong tích tụ đất trồng lúa, vận động Nhân dân góp lại thành từng khu đồng lớn để sản xuất. Đây cũng là điều kiện quan trọng để đưa cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao theo chủ trương của tỉnh. Hiện nay, diện tích vùng lúa chuyên canh, năng suất, chất lượng cao đạt khoảng hơn 158 nghìn ha mỗi năm và không ngừng được mở rộng. Các HTX nông nghiệp còn thành lập các tổ dịch vụ để thực hiện từng khâu dịch vụ nông nghiệp, như: Tổ dịch vụ bảo nông, tổ dịch vụ bảo vệ đồng điền, tổ dịch vụ làm đất, tổ dịch vụ thủy lợi, tổ dịch vụ thu hoạch... Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 tổ dịch vụ nằm trong các HTX, góp phần chuyên môn hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, các HTX còn đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ hàng chục nghìn ha ngô ngọt, hơn 8.400 ha rau màu các loại, 25 đến 26 nghìn ha mía đứng. Trong đó, các HTX đang thể hiện vai trò lớn trong đứng ra liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy đường trong tỉnh, từng bước hình thành những cánh đồng mẫu lớn, trồng cùng loại giống, ứng dụng cơ giới hóa. Nhiều HTX tại các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân, Thường Xuân đã đồng hành cùng nông dân hình thành nên những cánh đồng mía cho năng suất hơn 100 tấn/ha. Hiện nay, lợi nhuận bình quân của trồng mía trên đất đồi của tỉnh Thanh Hóa đã đạt 11,3 triệu đồng/ha, trên đất ruộng và đất bãi đạt 17,7 triệu đồng/ha.

Theo xu thế vận động của thực tiễn sản xuất nông nghiệp gắn với việc hình thành các vùng sản xuất quy mô tập trung khép kín, các mô hình sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình dần trở nên ít hiệu quả. Trong khi đó, các HTX nông nghiệp đã và đang thể hiện được vai trò “hạt nhân” của mình trong thúc đẩy liên kết, sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và nông dân.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 26806


Các tin khác:
 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp (25/09/2020)
 Kết quả chuyển đổi sản xuất nông nghiệp (25/09/2020)
 Huyện Như Thanh phát triển các sản phẩm OCOP (09/08/2020)
 Hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác nông nghiệp (08/08/2020)
 Ghi nhận từ những mô hình liên kết sản xuất cây trồng phục vụ chế biến (08/07/2020)
 Xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP (05/06/2020)
 Huyện Bá Thước phát triển sản phẩm OCOP (04/06/2020)
 Năng lực của ngành chế biến lâm sản còn nhiều hạn chế (02/06/2020)
 Lấy HTX làm “hạt nhân” phát triển nông nghiệp hàng hóa ở cấp xã (26/05/2020)
 Tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (12/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang