Số lượt truy cập
Hôm nay 29826
Hôm qua 58866
Tuần này 193396
Tháng này 3231222
Tất cả 193026806
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 05/07/2022
Mô hình sản xuất lúa thảo dược theo qui trình VietGap

Gạo thảo dược hay còn gọi là gạo tím, là loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo thông thường khác, theo phân tích của các nhà khoa học thì đây là loại gạo có khả năng kháng các bệnh về tim mạch và một số loại bệnh khác. Được gọi là gạo thảo dược vì thành phần của gạo chứa các vitamin A, B, lipit, chất xơ, các nguyên tố vi lượng. Đặc điểm của giống lúa này là, bông có màu tím đậm, hạt lúa có màu tím hồng và có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt và kháng một số bệnh như: Bạc lá, đạo ôn, đốm nâu...

Với mong muốn mang đến cho bà con các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất, vụ Xuân 2022, Hội làm vườn và trang trại thị xã Nghi Sơn phối hợp với xã Hải Nhân trồng thử nghiệm giống lúa Thảo Cẩm 9 với diện tích gần 3,5 ha và lúa được sản xuất theo quy trình VietGap, đây là giống lúa được Viện cây lương thực cây thực phẩm và cây ăn quả lai tạo. Ông Lê Hùng Thái - PCT UBND xã Hải Nhân cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trong đó sản phẩm chính là  OCOP. Ngay từ đầu năm, xã phối hợp với hội làm vườn thị xã, tổ chức thực hiện mô hình thí điểm 5 ha; trong đó 3,5 ha Thảo Cầm 9. Đến thời điểm này, đã cho thu hoạch và kết quả cho thấy giống này khá phù hợp với chân đất của xã. Sau khi sản phẩm này đạt kế hoạch, tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích, vì đây là sản phẩm nâng cao chất lượng thu nhập cho bà con”.

Cây lúa thảo dược tốn ít chi phí giống, bởi khả năng đẻ nhánh khỏe và nhanh; thân cây mập, cứng, chống đổ tốt. Đặc biệt, lúa thảo dược còn chịu được rét, nắng nóng rất tốt. Vụ gieo cấy thí điểm năm 2022, thời tiết khá khắc nghiệt. Đầu vụ gặp rét đậm, rét hại kéo dài, tuy nhiên, lúa vẫn trổ bông đều, bông lúa to, năng suất đạt 2,3 tạ/sào. Hạt gạo thảo dược Thảo Cẩm 9 có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, ngon và giàu dinh dưỡng.

   Ông Nguyễn Hùng – Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại thị xã Nghi Sơn cho rằng: “Trong chương trình làm lúa an toàn, thì sản xuất lúa theo quy trình vietgap, là tiêu chí lớn trong an ninh lương thực, thực phẩm do đó chúng tôi cố gắng làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con, đồng bộ hóa trong sản xuất, sản phẩm làm ra phải sạch, để xây dựng sản phẩm vùng miền”. Để sản xuất thí điểm thành công mô hình lúa thảo dược, Hội làm vườn và trang trại thị xã Nghi Sơn đã phải bỏ ra không ít công sức. Hội đã phối hợp với Hội làm vườn và trang trại tỉnh, Viện cây lương thực cây thực phẩm và cây ăn quả để triển khai mở lớp tập huấn phổ biến về kỹ thuật gieo cấy giống lúa này. Trong thời gian gieo trồng, hội thường xuyên xuống thăm đồng, kiểm tra, hướng dẫn các hộ tham gia thí điểm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Gia đình ông Trương Văn Tình có 8 sào ruộng, vụ Xuân năm nay ông Tình đưa 5 sào vào để gieo cấy lúa thảo dược, làm theo quy trình VietGap nên ruộng của ông không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào cho đồng ruộng, kể cả thuốc trừ cỏ. Từ đầu đến cuối vụ ông Tình chỉ bón phân hữu cơ vi sinh cho lúa 2 lần vào những thời kỳ là bón lót, bón thúc đòng mỗi lần 25 kg/sào, ngoài ra ông Tình còn bổ sung 3 tạ phân chuồng/sào. Lúa bón phân hữu cơ vi sinh có thân chắc, lá to, xanh bền, không đổ ngã nên hầu như ít bị bệnh và chống chịu tốt với thời tiết.

 Có mặt trên cánh đồng trĩu bông ông Trương Văn Tình hồ hởi cho biết:  “Chủ yếu đồng của chúng tôi là đồng vàn, sản xuất truyền thống hầu hết là gieo xạ, phải phun thuốc cỏ, khi phát hiện sâu bệnh, phải dùng thuốc hóa học để phun. Thực hiện mô hình lúa VietGap này chúng tôi thực hiện đúng quy trình gieo cấy bằng máy, không phun thuốc cỏ, nếu sâu bệnh thì phun thuốc trừ sâu sinh học, không bón phân hóa học. Sản phẩm bước đầu là thắng lợi, do đó nông dân chúng tôi  rất muốn các ban, ngành tạo điều kiện để sản phẩm có thương hiệu như sản phẩm OCOP, VietGap, có tiêu chuẩn chất lượng, từ đó nâng cao được giá thành. Để bà con tiếp tục tăng gia sản xuất”

Mô hình sản xuất lúa sạch bằng giống lúa Thảo cầm 9 do Hội trang trại và làm vườn triển khai theo quy trình VietGap do đó nông dân trong quá trình chăm sóc chỉ bón phân hữu cơ vi sinh do Hội hỗ trợ, không bón thêm bất cứ một loại phân nào hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nào. Bón phân hữu cơ đưa lại nhiều ưu điểm trong quá trình phát triển của cây lúa nên lúa ít bị sâu bệnh, không đổ ngã, năng suất có thấp hơn bón phân vô cơ nhưng sản phẩm hoàn toàn sạch, giá bán lúa cao hơn nhiều so với lúa đại trà nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sản xuất lúa theo hướng VietGap  không chỉ mang lại lợi ích có thể nhìn thấy như giảm chi phí; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, mà còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do hạn chế được việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Đặc biệt là sản xuất lúa thảo dược tím theo phương pháp VietGap mở ra cho nông dân một triển vọng mới để nâng cao giá trị trong sản xuất lúa, đây có thể xem là một hướng sản xuất đúng vừa tạo ra sản phẩm sạch tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái.


    



                                    Mô hình sản xuất lúa thảo dược theo quy trình VietGap

 

Nguồn tin: Nguyễn Hữu Hùng – Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 7960


Các tin khác:
 Trồng rau thủy canh: Hướng đi mới trong việc sản xuất rau sạch tại Hợp tác xã Phú Lộc huyện Hậu Lộc (05/07/2022)
 Thanh Hóa : Hiệu quả bước đầu mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc (02/06/2022)
 Tập huấn kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho nông dân (27/05/2022)
 Một số biện pháp phòng bệnh cho thủy sản nước ngọt trong giai đoạn chuyển mùa (27/05/2022)
  Quản lý rủi ro trong nuôi ngao nhằm thích ứng với biến đổi kí hậu tại Thanh Hóa (26/05/2022)
 Mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngô ngọt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Vĩnh Lộc (19/05/2022)
 Một số biện pháp khắc phục hiện tượng bất thường trong sản xuất lúa mùa. (04/05/2022)
  Kỹ thuật chăn nuôi vịt siêu thịt GRIMAUD (21/04/2022)
 Thành công trong chuyển giao KH&CN và ứng dụng vào sản xuất giống, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps Militaris L.ex Fr.) tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa (18/04/2022)
  Nuôi cá Hồng Mỹ trong ao hồ - Một hướng đi mới, an toàn hiệu quả (15/04/2022)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang