Số lượt truy cập
Hôm nay 19799
Hôm qua 58866
Tuần này 183369
Tháng này 3221195
Tất cả 193016779
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 15/04/2021
Một số vấn đề lưu ý khi sử dụng thức ăn chăn nuôi gà

Trong chăn nuôi gà, thức ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng, giá thành sản phẩm. Việc lựa chọn và sử dụng các nguồn thức ăn tốt, nguyên liệu đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý; thành phần thức ăn đảm bảo đầy đủ các giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển và hướng sản xuất của gà sẽ góp phần tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Để có nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng phục vụ cho việc chăn nuôi, ngoài việc dựa trên các kinh nghiệm thực tiễn người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề như sau:

1. Đối với thức ăn hỗn hợp công nghiệp: 

Bà con chăn nuôi nên chọn những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, chất lượng tốt trên thị trường.

Khi mua thức ăn hỗn hợp cần kiểm tra bao bì còn nguyên vẹn, có xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ thông tin sản phẩm ghi trên bao bì như: Tên sản phẩm, tên, địa chỉ, số điện thoại, email của công ty/cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ sản phẩm, thành phần nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Mua thức ăn đảm bảo kích cỡ viên, hạt, mảnh phù hợp theo từng lứa tuổi, hướng sản xuất; không mua các sản phẩm đã hết hạn sử dụng, bị nhiễm nấm mốc, thức ăn có trộn các chất cấm (kích thích tăng trọng...).

2. Đối với thức ăn tự phối trộn

Các nguyên liệu để phối trộn thức ăn nên tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: ngô, cám gạo, khoai, sắn... để giảm giá thành sản phẩm.

Nguyên liệu phối trộn phải đảm bảo chất lượng: Không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không ẩm mốc, sâu mọt, không có mùi lạ và không vón cục. Các loại nguyên liệu thức ăn trước khi phối trộn phải được nghiền nhỏ. Khi phối trộn phải tuân thủ theo quy trình và công thức để phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của gà.

Căn cứ vào số lượng gà nuôi và khẩu phần ăn để tính toán lượng thức ăn cần phối trộn, không nên phối trộn lượng thức ăn quá nhiều sẽ làm giảm chất lượng do bảo quản quá lâu. Thức ăn sau khi phối trộn xong cần đóng bao/thùng đủ lượng cho ăn trong ngày, sắp xếp riêng từng loại.  

3. Bảo quản thức ăn

Thức ăn phải được bảo quản nơi khô ráo, cần có giá kê thức ăn và nguyên liệu, đảm bảo cách mặt đất ít nhất 20cm, không được đặt trực tiếp thức ăn xuống nền.

Kho chứa thức ăn phải sạch sẽ, thông thoáng, tránh chuột cắn bao bì gây ẩm mốc và hỏng thức ăn. Định kỳ vệ sinh kho, dọn dẹp thức ăn rơi vãi trong kho, diệt chuột và các côn trùng gây hại khác.

Đối với thức ăn tự phối trộn nên sử dụng trong vòng 7 - 10 ngày.

Đối với thức ăn hỗn hợp công nghiệp nên sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không bảo quản thức ăn cùng nơi để các loại hóa chất độc hại, để dụng cụ chăn nuôi, quần áo, không để thức ăn trực tiếp trong chuồng nuôi.

4. Sử dụng thức ăn

Khi cho gà ăn người chăn nuôi cần tuân thủ các nguyên tắc sau: trước khi cho ăn phải kiểm tra đàn gà, thức ăn thừa trong máng, kiểm tra chất lượng thức ăn bằng cảm quan về màu sắc, mùi vị và nấm mốc.

Gà ở lứa tuổi nào thì sử dụng loại thức ăn đó để phù hợp với sinh trưởng phát triển và hướng sản xuất của gà, không nên sử dụng một loại thức ăn cho nhiều lứa tuổi.

Lượng thức ăn cho gà trong ngày phải dựa vào nhu cầu và mục đích chăn nuôi để đảm bảo tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng.

Khi thay đổi thức ăn cần chuyển dần trong vài ngày, không nên chuyển đột ngột sẽ làm cho gà kém ăn và rối loạn tiêu hóa.

Khi cho gà ăn cần đảm bảo thức ăn được sử dụng đồng đều, tránh hiện tượng ăn không đồng đều, dẫn đến gà còi cọc, chậm lớn.

Số lần cho ăn trong ngày phải phù hợp với từng lứa tuổi, giai đoạn nuôi, mục đích nuôi.

5. Quản lý thức ăn

Trong qúa trình chăn nuôi cần phải ghi chép sổ sách đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến sử dụng thức ăn như: Nhập nguyên liệu, thức ăn công nghiệp, quá trình cung cấp thức ăn cho gà tại chuồng theo khẩu phần ăn hàng ngày, bổ sung thuốc, vitamin vào thức ăn để phòng, chữa bệnh,… vào sổ theo dõi sẽ giúp cho việc kiểm soát và quản lý thức ăn tốt hơn.

Có thể nói trong chăn nuôi gà ngoài việc chọn giống tốt, chuồng trại đảm bảo yêu cầu, kỹ thuật chăn nuôi tốt, an toàn sinh học tốt, thức ăn đảm bảo chất lượng và phương pháp sử dụng thức ăn hợp lý thì việc kiểm soát tốt nguồn thức ăn từ mua, vận chuyển, bảo quản và cung cấp cho gà giúp chúng sinh trưởng phát triển tốt. Từ đó tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, tính cạnh tranh cao, giảm giá thành và tăng hiệu quả kinh tế.

Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Duy - TTKN Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 16454


Các tin khác:
 Một số lưu ý khi thu gom và bảo quản trứng ấp. (15/04/2021)
 Bệnh thán thư trên cà chua và biện pháp phòng trừ (15/04/2021)
 Sản xuất khoai tây chế biến vụ đông xuân đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (15/04/2021)
 Hiệu quả kinh tế từ mô hình lúa - cá ở huyện Nông Cống (15/04/2021)
 Kết quả nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu tại Thanh Hóa (15/04/2021)
 Bệnh viêm da nổi cục trên Trâu bò (24/03/2021)
 Bệnh bại huyết trên vịt - ngan (24/03/2021)
 Kỹ thuật tỉa thưa chuyển hóa rừng thông gỗ nhỏ sang gỗ lớn keo tai tượng. (23/03/2021)
 Chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân. (08/03/2021)
 Mô hình chăn nuôi thỏ thịt bằng chuồng trại khép kín. (04/03/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang