Số lượt truy cập
Hôm nay 47179
Hôm qua 39190
Tuần này 151883
Tháng này 3189709
Tất cả 192985293
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 13/11/2014
Cần thay đổi nhận thức của người dân về thủ tục hành chính

Khi đến các cơ quan hành chính nhà nước, một điều rất dễ nhận thấy là sự khó chịu, thiếu thoải mái của người dân khi đến giải quyết công việc. Nhiều người cho rằng, thủ tục hành chính (TTHC) quá rườm rà. Theo cách nghĩ của một số người dân, TTHC là cái mà các cơ quan nhà nước “đẻ” ra để “hành dân”, để cán bộ sách nhiễu người dân nhằm trục lợi cá nhân. Bởi nếu không tuân thủ đầy đủ các thủ tục đó, yêu cầu sẽ không được giải quyết. Và theo lôgích tất yếu trong lối suy nghĩ của họ, để tránh bị “làm khó” thì buộc phải “đi cửa sau”, phải hối lộ, đút lót cho cán bộ, công chức.

1. Bản chất của thủ tục hành chính          

Đó là một nhận thức chưa đúng đắn do người dân đánh đồng bản chất với hiện tượng. Về bản chất, TTHC là những quy định của nhà nước đặt ra để thực hiện thẩm quyền quản lý của mình. TTHC gắn chặt với hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, với chủ thể quản lý là nhà nước. Nó là một hoạt động thực thi pháp luật của chính bản thân hệ thống cơ quan này và cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Bởi vì, thông qua việc thực hiện các thủ tục hành chính đó, nhà nước cũng trực tiếp và duy nhất quản lý lĩnh vực đó, đồng thời, người dân cũng được cung cấp các dịch vụ hành chính công mà mình cần. Thí dụ, khi nhà nước muốn quản lý hộ tịch, hộ khẩu của dân cư trên từng địa bàn, nhà nước giao cho từng cơ quan, từng vị trí trong bộ máy để đảm nhiệm chức năng đó. Cụ thể, ở cấp xã là cán bộ tư pháp hộ tịch. Nhà nước đặt ra các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch như để đăng ký khai sinh thì cần phải có những loại giấy tờ nào, thực hiện những thao tác gì để kết quả cuối cùng là một tờ giấy khai sinh, chứng nhận tư cách quyền công dân của một con người. Như vậy, thông qua việc thực hiện các TTHC trong việc đăng ký khai sinh đó, cơ quan quản lý hành chính nhà nước (cụ thể ở đây là ủy ban nhân dân cấp xã) nắm được những thông tin về hộ tịch của công dân để quản lý, đảm bảo cho người đó những quyền và lợi ích hợp pháp như quyền cư trú, học tập, chăm sóc y tế,... Với công dân, thông qua các TTHC trong việc đăng ký hộ tịch đó, với giấy khai sinh trong tay, quyền và lợi ích về hộ tịch của người đó đã được pháp luật bảo vệ, là “giấy thông hành” cho việc thực hiện rất nhiều các hoạt động khác trong đời sống xã hội sau này.  

Bản chất của TTHC là hoạt động quản lý, là phương thức phục vụ của công quyền. Hình thức của nó là một trật tự công vụ của mối quan hệ do con người nhận thức và thiết lập (con người ở đây là những người thực thi công vụ, từ người có nhiệm vụ đặt ra thủ tục, người vận hành nó và người kiểm tra nó). TTHC cũng giống như những quy định, nội quy, quy trình thực hiện của bất cứ hoạt động nào trong đời sống, phải đảm bảo tối thiểu những bước, những giấy tờ và thời gian nhất định.            

Do đó, không phải người dân cứ có nhu cầu là nhà nước có thể cung cấp ngay. Việc người dân phải tuân thủ các TTHC đã đặt ra là cơ sở để quản lý xã hội. Như vậy, TTHC không phải đặt ra để hành dân, mà nhà nước quy định các TTHC để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm tính công bằng cho mọi người, bất cứ ai đáp ứng các quy định đó đều được cơ quan nhà nước giải quyết như nhau. Về bản chất, nhà nước đặt ra thủ tục là để tạo ra một hành lang pháp lý có trật tự để công dân thực thi.

Sự lầm lẫn giữa bản chất và hiện tượng ấy cũng là điều dễ lý giải khi mà hiện tượng sách nhiễu, hành dân của cán bộ, công chức khi thực hiện TTHC là khá phổ biến. Sự phổ biến sâu sắc đến nỗi người dân coi bệnh tham nhũng là một tất yếu xã hội. Mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện các TTHC tại các cơ quan nhà nước còn rất thấp. 

2. Thủ tục hành chính vẫn mang nặng cơ chế xin - cho  

Đa số người dân thường rất ngại đến các cơ quan công quyền. Chỉ khi bắt buộc phải giải quyết những yêu cầu nhất định, vì lợi ích của chính mình, họ mới chủ động đến gặp chính quyền. Và nếu có chút khó khăn (phần nhiều do thiếu thủ tục), người dân sẵn sàng “bôi trơn” bằng phong bì với mong muốn “làm cho xong bằng mọi giá vì còn mang nặng tâm lý về cơ chế “xin - cho”, đến là để “xin” các cán bộ, công chức giải quyết “cho” công việc, mong muốn của mình. Nhận thức sai lầm đó làm thay đổi bản chất trong mối quan hệ giữa nhà nước - cán bộ công chức với nhân dân. Lẽ ra, công dân phải là khách hàng, là thượng đế để công chức phục vụ, đáp ứng các yêu cầu, quyền và lợi ích chính đáng (cán bộ, công chức là công bộc của dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói), thì họ lại tự biến mình thành những người đi xin để được “ban ơn”, “chiếu cố” giải quyết, chính bởi những nhận thức chưa đúng đắn đó. Vì ít có dịp trải nghiệm quan hệ tiếp xúc với các cơ quan công quyền, trong thực hiện TTHC cộng với những dư luận, tâm lý sai lầm, cũ kỹ sẵn có, người dân đến chính quyền thường với tâm trạng lo lắng, sợ sệt, khúm núm, xin xỏ, lại càng là cơ hội để cán bộ, công chức hách dịch, sách nhiễu.         

Nguyên nhân        

Từ phía người dân. Có thể hiểu được nguyên nhân của những hạn chế trong nhận thức trên một phần xuất phát từ việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình, một phần cũng do yếu tố lịch sử.  

Sự thiếu thông tin là do người dân thường không mấy quan tâm đến công việc của chính quyền, đến quyền lợi của mình. Chỉ khi có nhu cầu cần giao dịch với chính quyền thì mới đến, mới đưa yêu cầu mà rất có thể còn chưa biết về những quyền và nghĩa vụ của mình trong giao dịch. Do vậy, họ thường không đảm bảo đầy đủ các thủ tục cần có để được giải quyết. Nhưng họ lại nghĩ rằng, cán bộ, công chức dựa vào đó để sách nhiễu. Người dân cũng đôi khi không chủ động tìm hiểu thông tin về các TTHC cần thực hiện mà nghe qua dư luận mang tính chủ quan, phiến diện, thổi phồng vấn đề lên hoặc cố tình tô vẽ làm sai lệch để trục lợi.          

Yếu tố lịch sử làm lệch lạc nhận thức của người dân về TTHC và cải cách TTHC là một nguyên nhân có tính phức tạp. Nước ta trải qua một thời kỳ dài với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp mà cơ chế “xin - cho” đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều thế hệ. Tâm lý đó khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Xa hơn, nước ta đã trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, hàng nghìn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế và 80 năm Pháp thuộc. Sự cai trị, đô hộ, đàn áp của thực dân phong kiến phần nào đó bào mòn tính đấu tranh, tạo tâm lý cam chịu, chấp nhận, nên người dân thường có tâm lý đối phó, làm cho xong để được việc mình khi giải quyết công việc với chính quyền.           

Từ phía cán bộ, công chức. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng, tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; tình trạng để doanh nghiệp, công dân phải đi lại nhiều lần chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao.    

Chất lượng thấp trong thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ công chức nước ta không xuất phát chủ yếu từ trình độ chuyên môn mà chính từ đạo đức công vụ. Bản thân họ thường đặt quyền lợi lên trước nghĩa vụ của mình trong thực thi công vụ. Bởi con người luôn có xu hướng sử dụng quyền lực mình được trao theo hướng có lợi cho mình. Ranh giới giữa việc nhân danh sử dụng quyền lực nhà nước với việc nhận định quyền lực đó thuộc về cá nhân là rất mong manh.          

Có khá nhiều cán bộ, công chức nước ta đã và đang trục lợi cá nhân thông qua việc thực hiện các TTHC. Theo kết quả chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI năm 2010 được công bố, số tiền trung bình mỗi năm người dân phải “bôi trơn” khi thực hiện các TTHC và dịch vụ công là 7,4 triệu đồng. Trong đó, 31% số người trả lời việc đưa hối lộ là cần thiết khi đi khám chữa bệnh. Điều này phổ biến đến nỗi xã hội mặc định về sự tồn tại đương nhiên của những rắc rối, phiền nhiễu mà hệ thống TTHC và đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện TTHC gây ra. Và chính những biểu hiện xấu từ rất nhiều những người nhân danh quyền lực nhà nước  đã khiến dân chúng hoài nghi về sự đổi mới theo hướng phục vụ trong cải cách TTHC. Người dân đủ thủ tục, đến lượt, họ vẫn được giải quyết, nhưng rất có thể họ sẽ phải chờ lâu, thậm chí là rất lâu để cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết cho một trường hợp khác đến sau, thậm chí thiếu thủ tục nhưng có sự “gửi gắm” bằng cách này hay cách khác. Thiết nghĩ, những TTHC đang được cải cách mạnh mẽ để tinh gọn, thuận lợi hơn, nhưng những cán bộ, công chức nhà nước thực hiện thủ tục đó không cải cách chính mình thì có lẽ cục diện vấn đề khó có thể thay đổi.     

Việc thay đổi nhận thức của người dân về TTHC và cải cách TTHC trước hết phải xuất phát từ sự chủ động của người dân. Người dân phải tự thay đổi nhận thức, ý thức và sau đó là hành động của mình để chủ động hơn, tích cực hơn và đứng đúng vai hơn trong việc thực hiện các TTHC với Nhà nước. Người dân phải tìm hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào thực hiện các TTHC. Họ phải ý thức mình là khách hàng của nền hành chính, được phục vụ và là một chủ thể chính trong kiểm soát hoạt động của nền hành chính thông qua các quyền khiếu nại, tố cáo, góp ý,... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.    

Về phía Nhà nước, bên cạnh việc nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, cải cách sâu rộng TTHC, Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tạo cơ chế phục vụ văn minh trong nền hành chính, kiên quyết chống lại những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, cửa quyền của một số cán bộ, công chức, góp phần củng cố niềm tin trong người dân, hướng tới mục tiêu vì một nền hành chính trong sạch, vững mạnh.           

 

Niềm tin của người dân đối với Nhà nước bắt nguồn từ nhận thức, hành động cũng bắt nguồn từ nhận thức. Chính vì thế, với nhận thức đúng đắn đưa đến những hành động tích cực và niềm tin vững chắc, người dân sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn để cùng với Nhà nước nỗ lực vì một nền hành chính hiệu lực hiệu quả, rộng hơn là một đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Nguồn tin: Sưu tầm
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 55414


Theo dòng sự kiện:
 Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (31/01/23)
 Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực Nông nghiệp, Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới/UBND cấp huyện/UBND cấp xã tỉnh Thanh Hóa (13/05/22)
 Thông báo Kết quả xét tuyển viên chức cho các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa năm 2021 (27/04/22)
 Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (05/04/22)
 Bản tin cải cách hành chính số 09/2022 (17/03/22)
 Kết quả chấm điểm Chỉ số CCHC của các Sở, ban, ngành năm 2021 (09/03/22)
 Bản tin cải cách hành chính số 08/2022 (08/03/22)
 Thông báo tuyển dụng viên chức cho các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa năm 2021 (18/01/22)
 Triển khai Thông tư và Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (10/06/11)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang