Số lượt truy cập
Hôm nay 80581
Hôm qua 58866
Tuần này 244151
Tháng này 3281977
Tất cả 193077561
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 23/01/2013
Kỹ thuật thâm canh hoa hồng

Hoa hồng là một trong những loài hoa được ưa chuộng nhất trên thế giới. Hoa hồng có màu sắc đẹp, hương thơm dịu dàng và được xem là "Hoàng hậu của các loài hoa". Tượng trưng cho hoà bình, tuổi trẻ, là loài hoa của tình yêu, tình hữu nghị, niềm vui và sự tốt lành. Cây hoa hồng là loại hoa được trồng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay và đang có xu thế phát triển mạnh, là một trong những loại cây đem lại giá trị kinh tế cao trong nghề sản xuất hoa. Hoa hồng giờ đây không chỉ phục vụ cho tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước khác. Hiện nay có nhiều hộ đang sản xuất hoa hồng, tuy số lượng cành nhiều nhưng chất lượng lại chưa đảm bảo. Nguyên nhân là do chưa tiếp thu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất dẫn đến năng suất và chất lượng chưa cao. Một phần là do người dân chưa sử dụng nhiều giống mới đưa vào sản xuất. Để khắc phục những mặt hạn chế nêu trên thì chúng ta cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất có hiệu quả nhằm tăng chất lượng hoa hồng. Sau đây là các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất và chất lượng hoa hồng:

 

1. Chọn giống:

Lựa chọn các cây giống khỏe mạnh, sạch sâu bệnh để làm giống. Hiện nay có một số giống hoa hồng được trồng nhiều như: Hồng đỏ nhung, Hồng đỏ Ý, Phấn hồng, Trắng sứ, Cá vàng, Hồng quế, Trắng xanh, Hồng vàng, VR2, VR4, VR6,…

2. Thời vụ trồng:

Hồng là cây lưu niên, nghĩa là nó có thể sống từ năm này đến năm khác trên cùng một chỗ. Nếu trồng nhiều trên quy mô lớn thường trồng vào tháng 2-3 hoặc vào mùa Thu tháng 10 hàng năm, vì thời tiết lúc này thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển. Nếu trồng ít thì mùa nào cũng có thể trồng được, mùa Hè chỉ cần che bớt nắng đến khi cây hồng sống, mùa Đông cần tránh hoặc che gió mùa Đông bắc và nhiệt độ xuống thấp.

3. Làm đất:

Đất thích hợp là đất thịt hoặc là đất thịt pha cát. Chọn đất cao không bị ngập úng, bằng phẳng, tơi xốp, thông thoáng, có độ pH từ 5,6-6,5 đất có thời gian nắng khoảng 8 giờ/ngày. Đất được làm kỹ, lên luống cao, rãnh sâu 30cm, luống rộng 1,2m. Bón lót phân chuồng, NPK và tro, trấu trước khi trồng 7- 10 ngày.

4. Bón phân:

Hoa hồng là loại cây phàm ăn và có khả năng ra hoa quanh năm nên việc bón phân lót trước khi trồng là rất quan trọng, cần phải thường xuyên bón thúc sau mỗi đợt thu hoạch hoa.

- Lượng phân lót cho 1 ha: 30 tấn phân chuồng + 300kg đạm + 400kg lân + 300kg Kali + 400kg vôi bột. 

- Bón phân định kỳ mỗi tháng 1 lần: ngâm khô dầu, phân bắc, đậu tương pha loãng với nước để tưới cho hoa hồng. Xới xáo đất quanh gốc hoa hồng, cách gốc khoảng 10 - 20 cm, cho phân vào và lấp đất lại.

5. Kỹ thuật trồng

- Mật độ, khoảng cách đối với giống hồng sinh trưởng, phát triển mạnh (Hồng nhung, hồng phấn) trồng với khoảng cách 40 cm x 50 cm, mật độ 50.000 cây/ ha. Đối với giống phát triển yếu hơn như Trắng sứ, Cá vàng có thể trồng khoảng cách 35 cm x 40 cm mật độ là 70.000 cây/ha. 

- Trồng vào lúc chiều mát, hướng mắt ghép về phía mặt trời để cây khoẻ. Đặt cho bầu cây hồng ngập đất, không trồng quá sâu cây chậm phát triển. Phải tưới thật ẩm để đất chặt gốc. Khi mới trồng nên che đậy để chống nắng, nóng hoặc hanh khô, cắt tỉa tán lá để tránh thoát hơi nước. 

6. Chăm sóc

- Tưới nước 

+Ngày tưới 1 - 2 lần vào lúc sáng sớm hay chiều mát.

+Hoa hồng cần rất nhiều nước nên trước khi cắt hoa cũng nên tưới nhiều. Sau khi bón phân cũng phải tưới nước vì nếu để khô cây có thể bị ngộ độc phân bón và lụi dần. Tuy nhiên, nếu nước ngập gốc, rễ hồng sẽ không hút được dinh dưỡng, tích tụ nhiều chất khí độc như CH4, CO2 làm thối rễ.

- Tỉa cành, tỉa nụ: 

+Thường xuyên cắt tỉa nhánh khô, những cành ốm yếu không còn lá, lá vàng úa, sâu bệnh để cây thông thoáng quang hợp dễ dàng. Hồng sinh trưởng phát triển mạnh, sau cắt tỉa 15 ngày đã bắt đầu ra nhánh khác. 

+Cần tỉa bớt hoa thứ cấp để hoa chính thật to. Mỗi nhánh hồng cho cần để 1 hoa to

là đủ vì cây hồng có 6 - 7 nhánh sẽ cho 6 - 7 hoa đẹp. Sau mỗi năm nên đốn phớt và vài ba năm lại đốn đau 1 lần (cắt sát gốc để chồi mọc lên). 

7. Biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng hoa bằng các chất kích thích sinh trưởng.

- Dùng các loại phân bón lá phun cho cây, cần thiết nhất là giai đoạn trước khi cây ra hoa. Phân bón lá và kích phát tố hoa trái GA làm cho cây có bộ lá xanh đẹp, cánh

dài hoa ra sớm hơn, to hơn và lâu tàn hơn. Khi có hiện tượng phân hoá mầm hoa phun 5g kích phát tố hoa trái + 50 g phân bón lá pha trong 10 lít nước sạch. Cắt hoa đợt 1 được 2- 3 ngày phun liếp 5 - 10 g GA3+ 50g phân bón lá trong bình 10 lit (nhằm tăng chiều dài cành hoa). Định kỳ 7 - 10 ngày lại phun 1 lần để hoa, lá, cành phát triển cân đối.

- Điều khiển hoa nở vào dịp tết: cuối tháng 11 âm lịch, cắt cành bấm ngọn bỏ đi 4- 6 mắt từ ngọn xuống. Cắt càng gần ngọn thì hoa nở sớm hơn và ngược lại. Đối với những giống mọc cành dài mới nở hoa thị cắt cành trước tết khoảng 40- 45 ngày. 

8. Phòng trừ sâu bệnh hại

Nên áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) đối với các loài dịch hại hoa hồng: Bệnh gỉ sắt, bệnh phấn trắng, bệnhđốm đen, sâu xanh, rệp, nhện đỏ. Khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ có thể sử dụng một trong các loại thuốc BVTV sau để phun trừ.

8.1. Sâu xanh:Catex 3.6EC, 100WG, Regent 800WG, Angun 5WG, Proclaim 1.9 EC,…

8.2. Rệp:Kinalux 25EC, Eagle 20EC, 50WG, Tasieu 5EC, 5WG,…

8.3. Nhện đỏ:Tasieu 1.0EC, 1.9EC, Vimatox 1.9 EC, 5SG,…

8.4. Bệnh gỉ sắt:Anvil 5SC, Dibazole 5SC, 10SL,

8.5. Bệnh phấn trắng:Vimonyl 72 BTN, Vicarrben 50 DHP, Rovral, Anvil

8.6. Bệnh đốm đen:Anvil 5SC, Daconil 500 SC, Carbenzim 50 WP, 500 FL, Dibazole 5SC, 10SL

9. Thu hoạch, bảo quản hoahồng

9.1. Thu hoạch

- Thu hái: Tiêu chuẩn thu hái phụ thuộc vào giống và cự ly vận chuyển. Nói chung hoa đỏvà màu phấn hồng, nên thu hai khi đài hoa cúp xuống, cánh hoa tầng ngoài cùng bắt đầu rời ra, tách ra, lỏng ra. Hoa màu vàng nở nhanh nên thu hái sớm thì hái khi đài hoa duỗi thẳng ra, giống hoa trắng có thể có thể hái muộn hơn; giống nở chậm thì hái muộn, giống nở nhanh thì hái sớm. Bán tại chỗ hoặc vận chuyển gần thì hái khi cánh hoa ngoài đã nở. Vận chuyển xa thì hái từ lúc đang còn là nụ vì khi đó hoa không dễ dập nát, ít nhiễm bệnh, ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và dễ bảo quản. Cuối vụ Xuân và vụ Hè có thể thu hái sớm hơn so với đầu vụ Xuân và mùa Thu. 

- Các thí nghiệm chứng minh hái vào 4 giờ 30 phút chiều tuổi thọ của hoa dài hơn 11% so với hái 8 giờ sáng. Nguyên nhân do hái vào buổi chiều, qua một ngày quang hợp thân cây tích luỹ thêm chất dinh dưỡng. Ngoài ra còn phải tính đến nhân lực và vận chuyển. 

- Lựa chọn vị trí thu hái: Vị trí cắt hoa ảnh hưởng trực tiếp đến độ dài cành, cuống hoa, tới sự nảy mầm của mầm dưới vết cắt và số ngày cắt lứa sau. Cành để lại càng dài, càng nhiều lá thì số ngày đến cắt lứa sau càng ngắn. Nên để lại 2 nhánh chính có 5 lá nhỏ. Sau khi cây ngủ nghỉ qua Hè, cây để lại hồi sức sống, cắt vào tháng 9, tháng 10 có thể để lại 3 nhánh có 5 lá nhỏ. Tháng 3 tháng 4, cây sung sức, để khống chế chiều cao, có thể để lại ít, hoặc không để lại nhánh có 5 lá nhỏ, thậm chí có thể cắt đến cành ra hoa chính. 

9.2. Bảo quản hoa hồng

- Hoa sau khi cắt phải đặt vào nước sạch trong một xô sạch ở một nhiệt độ thích hợp để chúng có khả năng hút nước và chất bảo quản trong xô. Sau đó đưa hoa vào phòng lạnh cùng với nước cho đến khi phân loại. Nhiệt độ vào khoảng 20C.

- Sau vài tiếng đồng hồ, hoa được mang ra phân loại theo chiều dài và chất lượng đồng thời kiểm tra độ hư hỏng.

- Các đầu hoa phải được sắp ngang bằng. Trong một bó lớn có thể sắp thành 2 lớp, các gốc sau đó được cắt bằng nhau.

- Bó đã được đóng gói sẽ được ngâm lại vào nước với chất bảo quản đặt trong phòng lạnh.

- Vào lúc xuất hàng, các bó hoa được chuyển sang phòng đóng gói, làm sạch, đầu hoa được bó lại và bao giấy bóng bên ngoài.

Tác giả: Mạnh Hùng- Phòng KNTT-TTKNTH
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 11363


Các tin khác:
 NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý TRONG CHĂM SÓC CÂY VỤ ĐÔNG (03/10/2011)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang