Đăng nhập
 
 
   
    Số lượt truy cập
Hôm nay 17623
Hôm qua 90553
Tuần này 108176
Tháng này 3378552
Tất cả 169343262
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 27/10/2022
Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng “Stress nhiệt” trên đàn gia cầm trong chăn nuôi nông hộ

So với gia súc, gia cầm là vật nuôi dễ bị tác động bởi các yếu tố gây stress nhiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng xuất cũng như hiệu quả kinh tế. Những nghiên cứu khoa học đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ở gia cầm kém đều do stress nhiệt do làm suy giảm đáng kể lượng thức ăn, và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, làm suy giảm chất lượng thịt do tỷ lệ oxy hóa lipid cao hơn và mất cân đối chất điện giải. Ở gia cầm đẻ, khi bị stress nhiệt, ngoài giảm khả năng ăn uống chúng, giảm khả năng tiêu hóa thức ăn còn bị giảm lượng huyết tương và canxi trong máu từ đó gây tổn hại đáng kể cho sản lượng và chất lượng trứng. Không những thế, stress nhiệt cũng làm suy giảm đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm. Nghiên cứu cho thấy khi bị stress nhiệt, gia cầm bị giảm trọng lượng của ức và thận, giảm tổng lượng kháng thể hiện diện trong máu. Theo báo cáo của Bartlett and Smith (2003). Aengwanich (2008), stress nhiệt làm giảm trọng lượng túi Bursa theo đó, giàm lượng tế bào lympho (bạch huyết) ở vỏ và tủy của túi Bursa trên gia cầm thịt. 

* Những biểu hiện của stress nhiệt trên gia cầm: 

Khi gia cầm bị stress nhiệt thường có những biểu hiện như: há hốc mồm, thở nhanh, xoã cánh, thờ ơ, ủ rũ, mồng và tích nhợt nhạt, mắt luôn nhắm, thích nằm, khát nước, giảm ăn, sụt cân và cắn mổ nhiều; gia cầm đẻ giảm sản lượng, kích cỡ và trọng lượng trứng, trứng vỏ mỏng. Điều đặc biệt là stress nhiệt xảy ra trên mọi lứa tuổi và trên các loại giống gia cầm.

* Nguyên nhân sảy ra hiện tượng stress nhiệt: 

Stress nhiệt hình thành do nhiều yếu tố môi trường hỗn tạp như ánh sáng, bức xạ nhiệt, nhiệt độ không khí, độ ẩm và đặc tính gia cầm như giống, mứ độ chuyển hóa, hoạt động và cơ chế chuyển hóa nhiệt cũng như điều kiện trang trại.

Đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, hình thức công nghiệp thì 100% chuồng nuôi được xây dựng là chuồng kín, với hệ thống mái có khả năng chống nóng tốt, kết hợp có giàn phun mưa trên mái chuồng, hệ thống giàn lạnh ở đầu chuồng nên nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn được kiểm soát theo đúng yêu cầu kỹ thuật (Ví dụ: đối với gà trắng thường không quá 280C). Đặc biệt là nhờ hệ thống quạt hút gió nên không khí trong chuồng lưu được lưu thông, nhờ vậy nên chuồng nuôi không bị nóng và điều này đồng nghĩa rằng đàn cầm gần như không bị “stress” nhiệt. 

Ngược lại với chăn nuôi trang trại quy mô lớn, đàn gia cầm nuôi tại hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ chuồng trại được xây dựng là chuồng hở, thiết kế chưa khoa học, thiếu hợp lý (người dân thường tận dụng tường nhà ở, hàng rào… làm tường chuồng khiến cho không khí kém lưu thông). Ngoài ra, mái chuồng hầu hết được làm bằng tôn và tấm lợp Fibro xi măng là những vật liệu có khả năng cách nhiệt thấp; trong khi đó hệ thống chống nóng (giàn phun mưa) chưa đảm bảo. Đặc biệt, do là chuồng hở, gần như không có hệ thống quạt để lưu thông không khí nên chuồng nuôi thường bị nóng và do đó đàn gia cầm thường xuyên bị “stress” nhiệt dẫn đến gia cầm nuôi bị giảm năng xuất, chất lượng và tỷ lệ chết cao.

* Biện pháp khắc phục, hạn chế:

Một trong những vấn đề mấu chốt để giảm thiểu stress nhiệt trong chuồng nuôi trong thời tiết nóng ẩm là đảm bảo không khí bên ngoài dễ dàng di chuyển ra vào chuồng. Một cách dễ hiểu, không khí bên ngoài thổi qua chuồng thì ít có khả năng nhiệt bị tích tụ trong chuồng. Với điều kiện nóng ẩm, chuồng hở được che chắn đúng cách, điều tiết được lưu lượng khí lưu thông, cũng như hạn chế khí ammonia, khí CO2… tích tụ và giảm độ ẩm trong chuồng là điều rất quan trọng. Để đạt được các điều kiện trên chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Trong xây dựng chuồng nuôi, phải đảm bảo rằng mái chuồng có khả năng chống nóng tốt. Nếu lợp bằng tôn, tấm Fibro – xi măng thì trên mái phải có hệ thống phun mưa.

- Việc xây tường, vách phải đảm bảo cho không khí được lưu thông trong chuồng nuôi theo nguyên tắc gió vào cửa trước thì ra cửa sau hoặc vào bên này thì ra bên kia 1 cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Đối với chuồng hở, vách chuồng càng thông thoáng càng tốt, có nghĩa là không nên xây tường quá cao hoặc quá kín (tuyệt đối không tận dụng tường nhà hoặc tường rào để làm tường chuồng chăn nuôi gia cầm). Tuy nhiên, do là chuồng hở nên cần thiết phải có hệ thống bạt để che chắn vách chuồng để đảm bảo chuồng nuôi không bị mưa tạt, gió lùa. 

- Trong chuồng nuôi, cần bố trí hệ thống quạt thông gió và đảm bảo hệ thống quạt hoạt động tốt vào những ngày nắng nóng, oi bức hoặc độ ẩm không khí cao. Mục đích chính của việc lắp đặt quạt thông gió là tạo chuyển động luồng không khí để tăng khả năng làm mát đối lưu. Để tối ưu hóa luồng khí chuyển động lên cơ thể gia cầm ta nên đặt quạt cao khoảng 1 – 1.5 m tính từ mặt sàn nuôi và nghiên xuống góc 5-10 độ.

- Ngoài các giải pháp trên chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, quản lý đàn gà như: giảm mật độ nuôi trong mùa hè, hạn chế  các tác động gây ức chế cho gà trong quá trình chăm sóc (hạn chế vận chuyển, dồn đuổi khi làm vắc xin, cắt mỏ…), cho ăn vào sáng sớm và chiều mát (hãy nhớ rằng buổi chiều 13 -16h là lúc nóng nhất trong ngày). Tăng cường bổ sung vitamin và các chất điện giải vào những ngày nắng nóng.