Số lượt truy cập
Hôm nay 2949
Hôm qua 58866
Tuần này 166519
Tháng này 3204345
Tất cả 192999929
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 24/08/2022
Nuôi vịt trong nhà lạnh theo kỹ thuật của công ty CP

Trang trại nuôi vịt trong nhà lạnh với hệ thống chuồng trại khép kín theo kỹ thuật mới của gia đình bà Lê Thị Hồng hợp đồng gia công sản xuất và thu mua sản phẩm với Công ty CP Thái Lan, ở xã Định Tăng, huyện Yên Định. Ngoài mặt bằng chuồng trại, vốn đầu tư, công lao động thì toàn bộ thiết kế chuồng trại, con giống, thức ăn, thuốc thú y và quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia đình thực hiện theo công nghệ và đầu tư của CP.

Bà Lê Thị Hồng cho biết: “Nuôi vịt trong nhà lạnh giúp gia đình yên tâm đầu ra, đầu vào, an toàn dịch bệnh. Chuồng trại nuôi vịt được thiết kế theo tiêu chuẩn của CP, nuôi khép kín. Nguồn nước sạch từ giếng khoan, phơi xong mới cho vịt uống. Sàn chuồng bằng kẽm nhúng, không rỉ, đảm bảo vịt không tiếp xúc với phân. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn CP. Chúng tôi tiêm phòng đầy đủ, thuốc phun sát trùng 1 tuần phun 4 lần. Mùa hè có phun sương, giàn lạnh, quạt, trong chuồng lúc nào cũng 25 độ. Bởi vậy, gia đình chăn nuôi vịt không bị dịch bệnh”.

Ở trang trại nuôi vịt trong nhà lạnh, việc cho vịt ăn uống vận hành theo hệ thống dây chuyền tự động. Bởi vậy, chỉ cần từ 2 – 3 công nhân đã có thể chăm sóc nuôi dưỡng tới 1,5 đến gần 2 vạn con vịt. Kỹ thuật nuôi vịt được thực hiện theo kỹ thuật và sự theo dõi, giám sát của công ty CP.

Trang trại nuôi vịt được thiết kế làm 2 dãy chuồng. Công suất phụ thuộc vào thời tiết từng mùa. Mùa đông nuôi 7000 – 8000 con/dãy, tổng cộng từ 1,4 – 1,6 vạn. Đến mùa hè công suất giảm xuống, chỉ chừng 6 ngàn con/dãy. Mỗi lứa vịt nuôi từ 43 - 45 ngày thì xuất chuồng. Sau đó vệ sinh chuồng trại, nghỉ 15 - 20 ngày, thì lại vào lứa mới. Mỗi năm sản xuất được chừng 5 lứa. Chị Nguyễn Thị Ánh, công nhân trong trang trại cho biết, công việc thường ngày của chị bắt đầu bằng việc rửa chuồng, đẩy cám vào toa, đưa vào dây chuyền. Khi vịt lớn, cứ 1000 con là 7 bao. Khi vịt nhỏ cho ăn ngày 4 lần, sau xuống 3 lần/ngày, rồi xuống 2 lần/ngày. Vệ sinh chuồng trại rất dễ dàng, vì có thiết kế rãnh ở giữa hai dãy chuồng. Cứ dội nước 2 đầu, là phân xuống sàn, không phải kỳ cọ. Đêm công nhân đi tuần 1-2 lần, để kiểm tra.

Do sản xuất theo quy trình kỹ thuật khoa học, nghiêm ngặt, nên hầu như không có dịch bệnh xảy ra. Chị Lê Thị Hồng - Chủ trang trại nuôi vịt cho biết: “Vịt nuôi công nghiệp, mình tiêm vắc xin, dịch bệnh ít khi xảy ra (một lứa tiêm 5-6 lần). Đến nay tôi đã nuôi đến lứa thứ 6, thứ 7, mà dịch bệnh chưa xảy ra lần nào. Khi khi vịt ốm, hoặc có trục trặc, kỹ sư của CP sẽ đến xử lý. Gia đình không phải lo”.

Theo yêu cầu của Công ty CP, những trang trại gia công chăn nuôi vịt trong nhà lạnh không chỉ đảm bảo quy trình kỹ thuật trong chăm sóc nuôi dưỡng, mà còn phải đảm bảo được vệ sinh môi trường. Trại vịt phải cách xa khu dân cư. Hầm Bioga phải xây cỡ 1000m3, để khi nước thải ra không ảnh hưởng đến môi trường.

Do nuôi vịt trong nhà lạnh được ký kết theo hợp đồng gia công, nên tất cả số vịt thương phẩm đều nhập cho Công ty CP. Điều này giúp cho sản xuất của trang trại luôn ổn định về đầu ra, và thu nhập cũng khá cao. “Gia đình bán vịt theo trong lượng. Ví dụ: đầu tư 6000 con giống, nhập cho CP bình quân 3,5 - 3,6kg, tầm khoản 22 tấn, hết khoảng 50 tấn bột. Họ trả tiền gia công 6000 – 6.500 đồng/kg. Một lứa như trại của tôi, họ trả đến 290 triệu, trừ chi phí còn 200 triệu” - chị Lê Thị Hồng cho biết.

Có thể nói, trong chăn nuôi gia cầm, nếu kỹ thuật nuôi gà công nghiệp trong chuồng trại khép kín đã trở nên quen thuộc cách đây hàng chục năm, thì với con vịt, phần lớn người ta vẫn quen cách chăn thả ngoài ao, hoặc nuôi chạy đồng. Bởi vậy, nuôi vịt trong nhà lạnh được xem là kỹ thuật mới.

Việc chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hình thức liên kết, hợp đồng nuôi gia công cho các công ty là một hướng đi bền vững, ổ định, vừa an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế thu được cũng cao hơn nhiều so với chăn nuôi vịt thời vụ./.

Nguồn tin: Hoàng Tuấn Công – TT Khuyến nông Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 9109


Các tin khác:
  Hiểu đúng câu tục ngữ "Cà làng Hạc ăn gãy răng" (24/08/2022)
  Thăm và kiểm tra các mô hình sản xuất lúa vụ Mùa thuộc chương trình khuyến nông địa phương năm 2022 (15/08/2022)
  Lợi ích và hiệu quả từ việc nuôi cá biển trong ao đất (15/08/2022)
  Một số quan tâm khi tự phối trộn thức ăn trong chăn nuôi (15/08/2022)
 Thanh Hóa : Hiệu quả mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc (03/08/2022)
  Khởi nghiệp thành công nhờ nuôi vịt siêu thịt kết hợp nuôi cá nước ngọt (03/08/2022)
 Hiệu quả bước đầu mô hình “Chăn nuôi vịt thịt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” tại xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (15/07/2022)
  Hiệu quả bước đầu mô hình trồng keo lai mô tại xã Thạch Lâm huyện Thạch Thành (12/07/2022)
  Làm giàu từ nghề sản xuất con giống thủy sản nước ngọt (08/07/2022)
  Một số lưu ý để sản xuất lúa mùa đạt hiệu quả (06/07/2022)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang