Số lượt truy cập
Hôm nay 515
Hôm qua 58866
Tuần này 164085
Tháng này 3201911
Tất cả 192997495
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 17/09/2014
Bệnh trên cây cà chua, khoai tây

Cà chua, khoai tây là 2 cây trồng có giá trị kinh tế trong vụ Đông và Xuân Hè, do cùng thuộc họ cà Solanaceae nên 2 đối tượng cây trồng này có nhiều đối tượng bệnh gây hại giống nhau, nguy hiểm là bệnh mốc sương, bệnh héo xanh và bệnh xoăn lá. Thiệt hại do 3 loại bệnh này tại các vùng sản xuất là rất lớn. Qua bài viết này xin được trao đổi cùng bà con một số kinh nghiệm để phòng trừ đạt hiệu quả.

1. Bệnh mốc sương:Là bệnh do nấm Phytophthora infestan gây ra. Nấm bệnh phát sinh phát triển trong điều kiện nhiệt độ từ 18-200C, ẩm độ không khí cao. Ẩm độ thấp nhất cho nấm phát triển là 76%, ẩm độ càng cao thì bệnh gây hại càng nặng. Trời âm u, mưa phùn, thiếu ánh sáng càng thuận lợi cho bệnh phát triển. Tại tỉnh Thanh Hoá trồng cà chua, khoai tây vụ Đông và Xuân Hè nằm trọn trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh. Bệnh thường xuất hiện nhiều vào tháng 11- tháng 12 và gây hại nặng vào tháng 1 tháng 2. Có những năm thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển hại cà chua Xuân Hè đến tháng 4, tháng 5.

Bệnh mốc sương gây hại ở tất cả các bộ phận của cây. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở chóp lá, tạo vết xám xanh, sau đó lan rộng vào phiến lá và có màu nâu đen, khi có độ ẩm mặt dưới lá có lớp nấm trắng xốp, làm cho lá chết lụi nhanh chóng. Trên cuống lá, cành, thân vết bệnh lúc đầu là màu nâu hoặc thâm đen, sau lan  rộng kéo dài thành đoạn làm thân cành bị thối mềm và dễ gãy gục. Quả cà chua bị bệnh thường có đốm màu xanh xám, sau đó chuyển màu nâu, hơi lõm, vỏ quả nhăn nheo, khô cứng, bên trong bị thối, bệnh nặng quả có thể bị rụng. Trên củ khoai tây bị bệnh, vết bệnh có màu nâu ở vỏ, hơi lõm vào trong củ, ruột củ có màu nâu xám, bệnh nặng củ bị thối mềm.

2. Bệnh héo xanh:Do vi khuẩn P.Solanacearum gây ra. Đây là loại vi khuẩn đa thực, có thể gây hại ở nhiều loại cây trồng khác nhau như: Họ cà, họ đậu, họ bầu bí…..Vi khuẩn tồn tại chủ yếu trong đất, tàn dư cây bệnh là nguồn lây lan bệnh cho vụ sau. Vi khuẩn có thể sống  trong đất 5-6 năm; xâm nhập qua rễ, qua vết thương ở gốc và lan truyền từ cây này sang cây khác nhờ nước và côn trùng. Vi khuẩn có thể gây hại ở tất cả các thời kỳ, nhưng nguy hiểm nhất là thời kỳ ra hoa, đậu quả và hình thành củ.

Bệnh héo xanh thường phát triển thuận lợi ở nhiệt độ từ 26-300C, mưa nhiều, ẩm độ cao. Bệnh thường biểu hiện triệu trứng ngay sau khi xâm nhập vào rễ hoặc phần thân sát mặt đất. Ở cây bị bệnh, ban ngày lá cây mất màu nhẵn bóng, tái xanh, héo rũ xuống, ban đêm cây có thể phục hồi. Sau 2-3 ngày bị bệnh, lá cây không có khả năng phục hồi được nữa, các lá gốc tiếp tục héo rũ và toàn cây héo rũ rồi chết. Trên cây bị bệnh, vỏ thân ở phần sát gốc sù sì, trong thân có màu nâu hoặc nâu đen, có dịch màu trắng, bệnh hại làm thân bị thối mềm và gãy gục.

3. Bệnh xoăn lá: Là bệnh dovirut gây ra, môi giới truyền bệnh là do bọ phấn, rệp chích hút. Bệnh có thể xuất hiện khi cây còn nhỏ đến khi thu hoạch, phổ biến nhất là khi cây cà chua ra hoa, khoai tây hình thành củ. Cây bị bệnh lá biến màu vàng nhạt, gân lá xanh tạo thành màu xanh vàng xen kẽ; ngọn và lá bị xoăn, nhăn nheo, lá nhỏ, thô cứng và dị hình. Bệnh xuất hiện sớm ở giai đoạn đầu và bị nặng cây có thể bị chết. Bệnh xuất hiện muộn, cà chua có thể ra hoa, quả nhưng bị rụng nhiều; khoai tây không ra củ hoặc củ nhỏ năng suất giảm đáng kể.

4. Biện pháp phòng trừ tổng hợp

a. Phòng bệnh

Bệnh mốc sương có khả năng lây lan nhanh; bệnh héo xanh, xoăn lá vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì vậy áp dụng biện pháp phòng bệnh là hết sức quan trọng.

          - Chọn giống kháng bệnh: Nên lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh. Ví dụ giống khoai tây Thường Tín, KT2, Nicola rất dễ nhiễm bệnh. Giống khoai tây Diamant, PO3, Hồng Hà 2, Hồng Hà 7, Solara, VC386, P3, VT2, Sanetta, Mariella…có khả năng chống chịu bệnh tốt hơn. Trồng cà chua ghép trên gốc cà tím có thể hạn chế bệnh héo xanh…..

          - Sử dụng hạt giống, củ giống sạch bệnh, trồng cây khoẻ; xử lý hạt giống, củ giống bằng thuốc trừ nấm trước khi gieo, trồng.

          - Luân canh với cây trồng khác họ như: ngô, mía, bắp cải, xu hào, khoai lang, cải ăn lá, rau dền…..Tốt nhất là nên luân canh với cây lúa nước

          - Đất vườn ươm cà chua phải được phơi nỏ, không sử dụng phân chuồng chưa hoai, không gieo trên đất đã trồng cây họ cà. Dọn dẹp sạch tàn dư, cây, lá bị bệnh sau khi thu hoạch.

          - Chọn vùng đất thịt nhẹ, tơi xốp, chủ động tưới tiêu. Lên luống cao, để rãnh sâu để thoát nước tốt, tránh ngập úng.

          - Bón phân cân đối, bón sớm, tránh bón thừa đạm. Không sử dụng phân chuồng chưa hoai mục để bón, tăng cường bón tro bếp, phân kali, bổ sung trung vi lượng cho đất.

          - Trồng với mật độ vừa phải. Đối với cây cà chua: cần tỉa bớt cành, tạo hình, bấm ngọn và các chồi nách không cần thiết. Đối với cây khoai tây dừng bón dinh dưỡng sau khi trồng 45-50 ngày.

- Khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh mốc sương phát triển, có thể sử dụng thuốc hoá học để phun phòng như: Boocđô 1%, Zineb 0,2-0,3%, Rhidomil, Score, Alpine trước khi bệnh xuất hiện.

          Tạo nền tốt, trồng cây khoẻ, chăm sóc đúng kỹ thuật là biện pháp phòng bệnh tốt nhất trên cây cà chua, khoai tây.

          b. Trị bệnh

          - Đối với bệnh mốc sương: Khi bệnh xuất hiện, phải dừng bón đạm, không phun các chất kích thích, hạn chế tưới nước. Phối trộn loại thuốc tiếp xúc (Zineb, Mancozeb) và nội hấp (Rhidomil, Score, Alpine) để phun trừ thì hiệu quả cao hơn. Khi bệnh khỏi hẳn, không xuất hiện vết bệnh mới, bón bổ sung dinh dưỡng bằng kali để cây nhanh chóng phục hồi.

          - Đối với bệnh héo xanh: nhổ bỏ cây bị héo, chôn vùi + vôi hoặc tiêu huỷ. Vị trí cây bị bệnh bón thêm vôi bột hoặc phun CuSO4 để tiêu độc. Phun phòng bằng thuốc Streptomycine, Physan, Phygon…

          - Đối với bệnh xoăn lá: Phun trừ bọ phấn trắng, rệp triệt để ngay từ vườn ươm và khi xuất hiện ngoài đồng bằng các loại thuốc: Regent, Trebon, Ofatox, Vitako, Prevathon …

Sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép, tuân thủ thời gian cách ly. Thực hiện nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng thời gian, đúng cách” để hiệu quả phòng trừ đạt cao nhất.

Tác giả: Trịnh Hà - TTKN
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 7192


Các tin khác:
 Một số kết quả bước đầu thực hiện mô hình trồng rừng keo tai tượng thâm canh (08/07/2014)
 Giải pháp kỹ thuật trong sản xuất rau trái vụ (08/05/2014)
 Thông báo mời chào hàng cạnh tranh (28/03/2014)
 Qua 3 năm ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ bằng nghề lưới vây sâu rút chì (20/11/2013)
 Mô hình sử dụng đồng bộ phân bón Tiến Nông (03/09/2013)
 Hội nông dân Nông Cống với phong trào phát triển kinh tế. (08/08/2013)
 39 trang trại chăn nuôi ở Vĩnh Lộc đạt giá trị trên 1 tỷ đồng/năm (08/08/2013)
 Xã Tế Lợi, huyện Nông Cống Phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao (08/08/2013)
 Kỹ thuật nuôi cua đồng trong ruộng lúa (07/05/2013)
 Bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà (07/05/2013)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang