Số lượt truy cập
Hôm nay 43465
Hôm qua 39190
Tuần này 148169
Tháng này 3185995
Tất cả 192981579
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 08/06/2020
Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.

Do đó, để từng bước nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi theo Luật Thú y, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB), từ đó tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi ATDB.

Trang trại chăn nuôi lợn bảo đảm ATDB tại xã Vân Sơn (Triệu Sơn).

Nhiều năm nay, khu trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Thao, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc luôn duy trì nuôi khoảng 500 con lợn thịt và 200 lợn nái. Để bảo vệ đàn lợn trước ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về pháp lý trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ, gia đình ông đã lựa chọn giải pháp xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB. Theo đó, cùng với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng nuôi, ông đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vào quá trình chăn nuôi, tạo môi trường chăn nuôi khép kín. Nhờ bảo đảm đầy đủ các điều kiện, tiêu chí, nên năm 2018, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa thẩm định, cấp giấy chứng nhận ATDB đối với bệnh lở mồm, long móng và bệnh dịch tả lợn. Từ khi trang trại được cấp giấy chứng nhận ATDB, việc xuất bán sản phẩm lợn đã thuận lợi hơn so với trước đây.

Đối với gia đình bà Nguyễn Thị Minh, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, khi đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB đối với đàn lợn, mục tiêu mà gia đình bà hướng tới là chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giảm thiểu tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh để vừa bảo đảm yếu tố sạch bệnh, an toàn, vừa tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Vì vậy, trong quá trình chăn nuôi, gia đình bà luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, chú trọng nguồn thức ăn sạch và dinh dưỡng hợp lý. Từ ngày thực hiện các biện pháp chăn nuôi ATDB, đàn lợn của gia đình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh. Năm 2019, trang trại của gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở mồm, long móng và bệnh dịch tả lợn.

Thực tế, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB bắt đầu được thực hiện từ năm 2006. Tuy nhiên, đến năm 2016, thực hiện Luật Thú y và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB trên địa bàn tỉnh mới thực sự được đẩy mạnh. Theo đó, những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cùng các địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm ATDB, ký cam kết chăn nuôi ATDB. Thực hiện thẩm định và cấp giấy chứng nhận ATDB cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đều xây dựng, thực hiện kế hoạch đánh giá một lần đối với vùng, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận ATDB và đánh giá đột xuất khi cần thiết.

Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ năm 2016 đến nay, chi cục đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận ATDB cho 48 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 35 trang trại chăn nuôi lợn được công nhận ATDB đối với bệnh lở mồm, long móng và bệnh dịch tả lợn; 9 cơ sở chăn nuôi gia cầm được công nhận ATDB đối với bệnh cúm gia cầm, Newcsatle; 4 cơ sở chăn nuôi bò sữa được công nhận ATDB đối với bệnh lở mồm, long móng. Hằng năm thực hiện đánh giá, kiểm soát định kỳ 39 cơ sở chăn nuôi. Tổ chức, phổ biến, tuyên truyền cho 281.147 chủ các cơ sở chăn nuôi ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với UBND các xã, phường, thị trấn.

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết: Các cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận ATDB sẽ được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP), được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...; đồng thời các hộ chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm ATDB sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật Thú y. Còn đối với vùng, cơ sở ATDB động vật trên cạn, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 24022


Các tin khác:
 Khôi phục 96% tổng đàn lợn (08/06/2020)
 Bảo đảm nguồn giống phục vụ tái đàn lợn (05/06/2020)
 Người chăn nuôi gặp khó khăn khi tái đàn (29/05/2020)
 Chuyển đổi con nuôi sau “bão dịch” (27/05/2020)
 Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại ở các huyện miền núi (27/05/2020)
 Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi (21/05/2020)
 Chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong mùa nắng nóng (21/05/2020)
 Thanh Hóa kiên quyết không để bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát (19/05/2020)
 Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững (13/05/2020)
 Hiệu quả mô hình liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi ở Như Xuân (10/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang