Số lượt truy cập
Hôm nay 44516
Hôm qua 39190
Tuần này 149220
Tháng này 3187046
Tất cả 192982630
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 12/09/2019
Sự lây lan của bệnh dịch tả lợn Châu phi và biện pháp hạn chế.

Như chúng ta đã biết, vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu phi đã lan truyền từ Châu Phi sang châu Âu và hiện đang tàn phá ngành công nghiệp chăn nuôi thịt lợn trị giá 128 tỷ USD của Trung Quốc và lan sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, một thảm họa chưa từng có đã khiến Trung Quốc và Việt Nam tiêu hủy hàng triệu con lợn và việc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi là không hề dễ dàng.
Tại Trung Quốc, sự lây truyền bệnh này ra sao? làm thế nào mà virus có thể xâm nhập vào Trung Quốc là những vấn đề  cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều nghiên cứu cho rằng:
- Về con đường xâm nhập: có thể virus này đã đến Trung Quốc giống như cách chúng xâm nhập vào châu Âu vào đầu năm 2007. Hoặc có thể vi rút này đã đến Trung quốc thông qua các nguồn thực phẩm có chứa mầm bệnh. Minh chứng cho vấn đề này là tại Trung Quốc không có báo cáo nào công bố phát hiện thấy vi rút dịch tả lợn Châu Phi có trong thực phẩm ở Trung Quốc, nhưng trong các sản phẩm thịt lợn của Trung Quốc đã bị tịch thu bởi các quan chức hải quan ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc lại có chứa loại vi rút này. Hoặc có thể là thông qua 2 véc tơ truyền bệnh là lợn rừng và ve Ornithodoros. Đây là những vật chủ tự nhiên của vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi và chúng thì lại phân bố rộng rãi ở Trung Quốc.
- Về cách thức làm lây lan dịch bệnh: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc đang còn nhiều tồn tại hạn chế với mạng lưới buôn bán, giết mổ thủ công, tập quán sử dụng thịt lợn tươi sống và  nhất là các trang trại, gia trại chăn nuôi chưa có, ít hoặc không có khả năng ngăn chặn bệnh động vật nói chung, bệnh dịch tả lợn Châu phi nói riêng là nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh này. Một đánh giá về các ổ dịch cho thấy rằng gần một nửa nguyên nhân làm vi rút này lây lan là do các phương tiện vận chuyển và trên các công nhân không được khử trùng, đồng thời nguồn thức ăn cho lợn ăn bị nhiễm mầm bệnh là nguồn lớn thứ hai bởi vì việc cho lợn ăn thức ăn thô đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Trung Quốc, đó là việc sử dụng các chất thải từ nhà hàng không được xử lý bằng nhiệt và nguồn chất thải gia đình được báo cáo vẫn tồn tại ở nông dân ngoại thành và tiểu nông. (Theo ghi nhận khoảng một nửa số lợn được sản xuất ở Trung Quốc được nuôi ở các trang trại gia đình). Ngoài ra, tại Trung Quốc, lợn sống vẫn thường xuyên được nông dân vận chuyển tự do trên đường, thương nhân thì tự do giết mổ và bán thịt lợn dựa trên nhu cầu sở thích ăn thịt tươi. Đặc biệt, người chăn nuôi tại Trung Quốc vẫn chưa thực hiện tốt biện pháp nuôi cách ly (theo ghi nhận: Khi lợn con đến một trang trại mới, chúng thường được thả chung ngay lập tức với những con lợn khác). Không những vậy, sự che giấu dịch của người chăn nuôi cũng là nguyên nhân làm lây lan của loại dịch bệnh này: Theo ghi nhận, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã cam kết trả một khoản trợ cấp 1.200 nhân dân tệ cho mỗi con lợn (khoảng 4 triệu đồng) để bù đắp cho các trang trại bị thiệt hại, nhưng do một số chính quyền địa phương được báo cáo là đã giữ lại các khoản thanh toán, xóa bỏ khuyến khích nông dân báo cáo về căn bệnh này.
Tại nước ta, bệnh dịch tả lợn Châu phi bắt đầu nổ ra hồi đầu tháng 3/2019 tại Điện Biên, Hưng Yên, Hòa Bình và chỉ sau 6 tháng, bệnh đã xuất hiện trên địa bàn khắp cả nước với trên 4 triệu con lợn bị ốm chết và tiêu hủy, thiệt hại về kinh tế là vô cùng to lớn.
Cũng như tại Trung Quốc, làm thế nào mà virus có thể xâm nhập vào nước ta? sự lây truyền bệnh này ra sao? cách lây truyền như thế nào? vẫn còn là 1 ẩn số và mặc dù các nỗ lực của chính phủ, các cấp, các ngành và người chăn nuôi nhằm ngăn chặn sự lây lan thông qua việc cách ly và vệ sinh các trang trại bị nhiễm bệnh, tiêu hủy lợn bị ốm chết, kiểm dịch thú y nghiêm ngặt, đóng cửa thị trường và hạn chế sự di chuyển của lợn sống là không đủ.
Với độc lực và độ bền cao và lây lan theo nhiều cách, bệnh hiện chưa có vắc-xin an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa, cũng như không có thuốc để điều trị. Mặt khác, một trong những lý do khiến mầm bệnh rất khó bị diệt trừ là vì nó dễ truyền bệnh. Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với lợn bị nhiễm bệnh, vi rút có thể truyền sang động vật ăn thịt lợn hoặc thức ăn chứa vi rút, qua quần áo hoặc thiết bị bị ô nhiễm, qua nguồn nước, không khí, vôn trùng, động vật hoang dã… Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh này có thể khẳng định mầm bệnh hiện đang tồn tại và có thể tiếp tục sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. 
Vậy, làm thế nào để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, làm thế nào để tiếp tục chăn nuôi trong tình hình hiện nay?
Thông qua tình hình diễn biến của dịch bệnh, thông qua công tác phòng chống dịch cho thấy nơi nào, trại nào làm tốt công tác an toàn sinh học thì dịch bệnh không hoặc ít xảy ra, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp thường vẫn an toàn, bởi ngay từ đầu họ đã thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch.
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống bệnh này, ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết: Đối với trang trại chăn nuôi cần phải có tường bao quanh. Trong trang trại, cần thắt chặt việc tuân thủ tuyệt đối các quy trình phòng chống  DTLCP, trong đó nêu bật lên tính chất nguy hiểm, các con đường lây lan của dịch bệnh, để từ đó đánh giá được những nguy cơ cần quan tâm phòng tránh.
Theo Hợp tác xã chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) đang nuôi hơn 20.000 con lợn. Để phòng chống dịch bệnh, HTX đã thực hiện khá đồng bộ các khâu phòng chống dịch ngay từ ban đầu, như tiêm phòng tăng sức đề kháng cho đàn lợn, phun thuốc sát trùng… . Đồng thời thực hiện chế độ cấm trại với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Công nhân của trại không ra khỏi khu vực trại nuôi và thực hiện “4 tại chỗ” (ăn, ngủ, vệ sinh, lao động) để hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm bệnh dịch. Bên cạnh đó, thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực chuồng nuôi 3 lần/ngày, phun khu vực xung quanh, bên ngoài trang trại 2 lần/ngày” 
Còn theo HTX chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai): thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học cũng là một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch bệnh này. Theo đó, người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm tới khu vực chuồng trại, trại nuôi phải có tường rào bao quanh để kiểm soát được người và động vật ra vào. Trại nuôi phải bố trí riêng biệt các khu, khu chăn nuôi, khu vệ sinh, khu sát trùng, thiết bị chăn nuôi, khu mổ khám lâm sàng. Đối với thức ăn cho lợn, phải sử dụng thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn khẩu phần ăn của các loại lợn, không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới phương tiện ra vào trại; vật chủ trung gian quanh trang trại. Cần nghiêm cấm mang bất kỳ loại thực phẩm nào từ bên ngoài vào trại; không nuôi bất kỳ động vật nào khác (chó, mèo...) trong chuồng trại; tiến hành tiêu diệt các côn trùng xâm nhập vào trại như chuột, gián, ruồi, muỗi, nhện.
Kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh DTLCP của Hà Lan là cần có sự hợp tác tích cực giữa các bên liên quan, đặc biệt là Chính phủ, các tổ chức, DN, viện nghiên cứu. Đồng thời, linh hoạt điều chỉnh chính sách kiểm soát khi có sự thay đổi trong thái độ, nhận thức của xã hội và điều kiện kỹ thuật cho phép.

Nguồn tin: BSTY: Lê Sỹ Thành - TTKN Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 19561


Các tin khác:
 Trung tâm Khuyến nông chung tay xây dựng nông thôn mới. (12/09/2019)
 Thanh Hóa: Đánh giá hiệu quả mô hình áp dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa chất lượng cao. (06/09/2019)
 Hiệu quả bước đầu từ Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm. (30/08/2019)
 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: "Những giải pháp phát triển rừng trồng gỗ lớn bền vững". (24/07/2019)
 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Liên kết các hộ trong chăn nuôi gia cầm gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm”. (11/07/2019)
 Nâng cao năng suất, chất lượng rừng tự nhiên bằng biện pháp kỹ thuật Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh. (10/07/2019)
 Hiệu quả mô hình trồng rau sạch công nghệ cao tại Đà Nẵng (10/07/2019)
 Tăng cường công tác phòng chống hạn vụ Thu Mùa năm 2019. (28/06/2019)
 Mô hình Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm – hướng đi đúng cho sản xuất lúa gạo hàng hóa. (28/06/2019)
 Phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô (27/06/2019)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang