Số lượt truy cập
Hôm nay 14851
Hôm qua 58866
Tuần này 178421
Tháng này 3216247
Tất cả 193011831
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ ba, 19/05/2020
Khó kiểm soát tàu cá khai thác không đúng quy định

Hiện nay, vẫn còn tình trạng ngư dân ở các địa phương ven biển của tỉnh sử dụng nghề cấm, phương tiện cấm, khai thác sai tuyến, quá hạn giấy phép, không ghi hoặc ghi chép nhật ký khai thác không đầy đủ...

Lâu nay, tàu thuyền được quản lý theo công suất, trong khi số phương tiện có chiều dài 6 - 12m có công suất dưới 20CV, thuộc phân cấp quản lý của cấp huyện. Tuy nhiên, các địa phương có nghề cá chưa quan tâm việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho loại phương tiện này; dẫn đến việc khó vận động chủ tàu cá có chiều dài 6 - 12m thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thủy sản 2017 là phải có giấy phép khai thác hải sản. Qua tìm hiểu ở các vùng bãi ngang ven biển, phần lớn tàu cá có chiều dài 6 - 12m chủ yếu là bè mảng và tàu gỗ thô sơ khai thác vùng ven bờ. Theo các ngư dân để được cấp giấy phép khai thác thủy sản thì phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về thân vỏ phương tiện, máy móc, số người tham gia khai thác hải sản... Trong khi đó, phương tiện công suất nhỏ nên không thực hiện đăng kiểm, không có số hiệu, không có giấy phép khai thác thủy sản. Muốn đầy đủ thủ tục giấy tờ phải đầu tư vốn lớn, trong khi sản lượng khai thác ít, sinh kế bấp bênh nên ngư dân khai thác hải sản không đúng quy định.

Phần lớn các bè mảng hoạt động khai thác thủy sản ven biển không có giấy phép khai thác.

Theo Thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 4.489 tàu cá có chiều dài dưới 12m khai thác hải sản vùng ven bờ nhưng chưa có phương tiện nào được cấp giấy phép khai thác hải sản. Theo Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019, tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m bắt buộc phải có giấy phép khai thác hải sản khi sản xuất trên biển. Nghề cá cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang vận động từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm nhưng nhiều chủ tàu vẫn giữ tập quán sản xuất theo kinh nghiệm, manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp và gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái biển. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có tới 783 phương tiện quá hạn đăng kiểm, 328 tàu cá làm nghề lưới kéo chưa lắp thiết bị giám sát hành trình (quy định phải lắp đặt trước ngày 1-1-2020) và 888 tàu cá làm các nghề lưới rê, câu, mành chụp... phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1-4-2020 nhưng đến nay chưa có tàu cá nào thực hiện. Nhiều tàu cá bắt buộc phải khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ theo Luật Thủy sản nhưng lại hoạt động ở vùng lộng. Trong khi đó, lực lượng kiểm ngư rất khó phát hiện, xử lý theo quy định vì tàu công vụ không thể hoạt động ở vùng lộng. Theo Luật Thủy sản, 100% số phương tiện này buộc phải có nhật ký khai thác ghi rõ thông tin mỗi chuyến vươn khơi và nộp về ban quản lý cảng cá nơi cập cảng. Nếu muốn xuất cảng, chủ tàu cá phải đến ban quản lý cảng để đăng ký, xin giấy phép. Tuy nhiên, theo báo cáo từ ban quản lý các cảng cá trên địa bàn tỉnh, số lượng tàu cập cảng và thực hiện theo quy định đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 45,7%. Thực trạng trên đã xảy ra nhiều năm, nguyên nhân chính là do ý thức của các chủ phương tiện tàu cá còn hạn chế cộng thêm sự thiếu quyết liệt của các ngành chức năng và các địa phương.

Để kiểm soát tốt hơn tàu cá hoạt động trên biển, các địa phương ven biển đang tích cực thực hiện rà soát tàu cá theo phân cấp; đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy sản cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia, loại bỏ những tàu cá không còn hoạt động ra khỏi danh sách quản lý và cấp giấy phép khai thác hải sản theo hạn ngạch đã công bố. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. Tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là áp dụng chế tài xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 24160


Các tin khác:
 Đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản (19/05/2020)
 Hướng làm giàu cho người nuôi trồng thủy sản vùng triều Hậu Lộc (13/05/2020)
 Tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản vụ xuân hè (07/05/2020)
 Giá xăng dầu giảm sâu tiếp sức cho ngư dân Hải Bình đẩy mạnh vươn khơi khai thác thủy sản (23/04/2020)
 Quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản (18/04/2020)
 Tàu cá công suất lớn gặp khó khăn trong khai thác hải sản (18/04/2020)
 Phát triển nuôi tôm công nghiệp (18/04/2020)
 Tăng cường công tác phòng, chống khai thác hải sản IUU (15/04/2020)
 Giám sát các vùng nuôi ngao tập trung (08/04/2020)
 Phát triển chế biến thủy hải sản gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm (20/03/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang