Số lượt truy cập
Hôm nay 58504
Hôm qua 39190
Tuần này 163208
Tháng này 3201034
Tất cả 192996618
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 25/03/2021
Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích 10.790 ha (trồng trọt 3.840 ha, chăn nuôi 550 ha, thủy sản 300 ha, lâm nghiệp 6.100 ha). Từ đó, đã hình thành được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã. Trong đó, nhiều mô hình vùng sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương; vùng sản xuất các loại cây rau màu, như: ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa; vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh; vùng chăn nuôi bò thịt tại các huyện miền núi, trung du... Đồng thời, hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao... áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp trên đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần trở lên. 

Nông dân xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) chăm sóc rau màu trên vùng chuyên canh.

Cánh đồng chuyên canh cây rau màu đã trở thành “điểm nhấn” góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa). Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được vùng chuyên canh cây rau màu với diện tích hơn 40 ha, sản xuất luân canh 4 vụ/năm. Thông tin của UBND xã cho biết, các loại rau màu sản xuất trên vùng chuyên canh, năng suất bình quân hằng năm đều tăng từ 15 đến 22% so với sản xuất đại trà. Qua đánh giá thực tế, cùng một loại giống, được áp dụng phương pháp “4 cùng” nên quá trình tổ chức sản xuất thuận lợi, giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chủ trương xây dựng vùng chuyên canh rau màu nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân từ những ngày đầu triển khai. Từ đó, nông dân tham gia vào vùng sản xuất đều nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học và các quy trình sản xuất mới vào sản xuất. Đơn cử như việc sản xuất cây đậu leo, trước kia người dân chỉ đơn thuần là cắm giàn để cây leo, nhưng khi hình thành vùng chuyên canh, được tập huấn kỹ thuật, bà con đã định hình việc cắm giàn sao cho đúng quy chuẩn để cây vừa sinh trưởng, phát triển tốt, vừa tạo được mỹ quan, thuận lợi trong việc thu hoạch và tận dụng được hệ thống giàn để sản xuất những vụ tiếp theo. Ông Cao Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang, cho biết: Trên vùng chuyên canh sản xuất rau màu, bà con trong xã chủ yếu trồng các loại mướp, đậu leo và rau màu theo thời vụ. Gần đây, kỹ thuật sản xuất của người dân được nâng lên, bà con bắt đầu sản xuất rau màu trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu bình quân của vùng sản xuất chuyên canh đạt từ 220 triệu đồng/ha/năm trở lên, đối với rau màu trái vụ doanh thu có thể đạt tới 450 triệu đồng/ha/năm.

Tại huyện Hà Trung, sau khi có Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch và đẩy nhanh việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn. Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hà Trung, tính đến tháng 3-2021, trên địa bàn đã tích tụ được hơn 280,8 ha đất sản xuất nông nghiệp. Từ diện tích tích tụ được, huyện Hà Trung đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất lúa thương phẩm, rau an toàn, rau màu xuất khẩu... mang lại giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu, như: Vùng sản xuất lúa nếp hạt cau theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích hơn 315 ha, tại các xã Hà Lĩnh, Hà Long; vùng cây ăn quả tại các xã miền núi của huyện; vùng chuyên canh sản xuất mía, diện tích hơn 300 ha tại các xã Hà Long, Hà Giang, Hà Tiến...; vùng sản xuất rau màu hàng hóa khoảng 60 ha tại xã Hà Lĩnh và vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã Hà Đông, Hà Ngọc và thị trấn Hà Trung. Thông qua các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế tăng lên từ 1,5 lần trở lên so với sản xuất truyền thống. Đồng thời, tư duy sản xuất của người dân cũng thay đổi và từng bước tiếp cận với sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi liên kết.

Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương cho thấy, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích của các cấp, các ngành, địa phương thì tư duy dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân chính là vấn đề mấu chốt. Do đó, để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mang tính bền vững, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần dựa vào đặc thù, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng việc hình thành những vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp. Đồng thời, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất tập trung, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ngoài ra, các địa phương và người sản xuất cần chú trọng nâng cao chất lượng, hướng tới phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm từ những vùng chuyên canh.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 14408


Các tin khác:
 Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (18/03/2021)
 Chăm sóc cây trồng vụ đông xuân (16/03/2021)
 Xây dựng nông nghiệp thành một trụ cột tăng trưởng (12/03/2021)
 Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp trong vụ đông xuân (10/03/2021)
 Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (02/03/2021)
 Phát triển nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường (05/02/2021)
 Bảo đảm kế hoạch, thời vụ sản xuất vụ đông xuân (01/02/2021)
 Phát triển cây ăn quả tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm (29/01/2021)
 Hiệu quả từ các mô hình trồng rau thủy canh (22/01/2021)
 Lasuco nỗ lực nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu (21/01/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang