Số lượt truy cập
Hôm nay 22171
Hôm qua 58866
Tuần này 185741
Tháng này 3223567
Tất cả 193019151
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 13/05/2021
Nuôi cá lồng tự phát trên vịnh Nghi Sơn – cảnh báo những hệ lụy

Thuộc khu vực cảng chuyên dụng của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhưng nhiều hộ dân xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn) vẫn phát triển các bè nuôi trồng thủy sản. Trong các tháng đầu năm, UBND xã Hải Hà đã kiểm đếm sơ bộ, ghi nhận nơi đây có hơn 30 bè nuôi cá và hàu của người dân địa phương. So với những năm trước, thì năm nay, số lồng bè nuôi trồng thủy sản không những không giảm mà tăng thêm 6 cụm lồng. Chủ nhân của các lồng bè này là hơn 30 hộ gia đình thuộc hai thôn Hà Tây, Hà Phú và rải rác ở các thôn khác trong xã.

Việc nuôi trồng hải sản tự phát ở đây đã gây ảnh hưởng cho các tàu hàng chở nhiên liệu để phục vụ vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Thời gian gần đây, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD. Chủ đầu tư dự án này cũng lấy khu vực cảng của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 làm bến tàu chở hàng hóa, thiết bị xây lắp để chuyển qua cảng chuyên dụng về nhà máy. Trong một số lần làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, phía chủ đầu tư cũng có kiến nghị nên sớm giải tỏa các lồng cá cũng như tàu thuyền của ngư dân địa phương neo đậu vào khu vực cảng chuyên dụng này. Được biết, những năm qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã nhiều lần kiến nghị chính quyền thị xã Nghi Sơn, các xã có lồng bè nuôi thủy sản trong khu vực Cảng Nghi Sơn có giải pháp di dời hoặc dẹp bỏ các ô lồng nuôi này. 

Các lồng bè nuôi trồng hải sản của người dân xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn nằm trọn trong khu vực cảng nội bộ của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Đến thời điểm hiện tại, riêng xã đảo Nghi Sơn đang có hơn 1.700 lồng cá ở khu vực Vụng Ngọc và các khu vực xung quanh xã. Nơi đây chính là khu vực nằm trọn trong vùng quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Nghi Sơn. Theo thống kê sơ bộ từ UBND xã Nghi Sơn, địa phương hiện có 74 hộ chuyên nuôi cá lồng với tổng sản lượng duy trì khoảng 250 tấn cá lớn nhỏ gối lứa. Đây là hoạt động nuôi thủy sản ngoài quy hoạch, đã được thị xã Nghi Sơn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo từ lâu, song các chủ lồng tự phát vẫn phát triển. Mật độ các lồng cá được đặt quá dày nên tiềm ẩn cả nguy cơ rủi ro dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, vào các năm 2011, 2016 ở đây đã xuất hiện tình trạng cá lồng chết hàng loạt với quy mô lớn do dịch bệnh. Hằng năm, đều có hiện tượng cá chết rải rác, nhất là vào các thời điểm giao mùa.

Bà Nguyễn Thị Hương, thôn Trung Sơn, xã Nghi Sơn, cho biết: Gia đình tôi có nhiều khu lồng với tổng số 48 ô nuôi trên vùng biển Nghi Sơn. Hiện gia đình đang nuôi cá hồng Mỹ, cá bớp, cá giò, cá chim vàng anh với nhiều kích cỡ khác nhau do liên tục gối lứa. Nhiều năm qua, thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng cá chết rải rác một vài lần mỗi năm. Cũng không chắc lứa cá nào cũng thành công, bởi nhiều năm gần đây hoạt động nuôi cá lồng ở đây hay gặp rủi ro. Nhiều chủ lồng ở đây cũng khẳng định, hoạt động nuôi cá lồng càng ngày càng trở nên không bền vững, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho đồng vốn đầu tư.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 thì vịnh Nghi Sơn chỉ được phát triển tối đa là 250 lồng bè nuôi cá theo kiểu truyền thống. Sau đó, sẽ giảm dần quy mô lồng nuôi trong khu vực vịnh để tiến tới dẹp bỏ hẳn sau năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn lồng cá hiện vẫn còn hiện hữu trên vùng quy hoạch phát triển cảng biển. Hiện chỉ mới có Công ty CP Thương mại vận tải và Chế biến hải sản Long Hải ở phường Hải Bình là tổ chức nuôi cá lồng quy mô lớn ở khu vực gần đảo Mê theo quy hoạch. Các hộ dân vẫn chưa tổ chức nuôi ở khu vực này do khá xa, chi phí lớn hơn so với phát triển tự phát ở gần bờ.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều khuyến cáo không nuôi cá lồng trên vịnh Nghi Sơn. Khu vực nuôi cá lồng được quy hoạch đưa ra xa, vùng biển gần đảo Mê để an toàn cho cá nuôi. Một cán bộ xã Hải Hà (xin được dấu tên), chia sẻ: Vẫn biết các hộ dân nuôi cá lồng ngoài quy hoạch, nhưng xét thực tế thì đó là hướng mưu sinh nên chính quyền cũng chưa thực sự quyết liệt việc cưỡng chế. Thời gian gần đây, xã cũng nhiều lần vận động các hộ không được phát triển thêm lồng.

Được biết, toàn bộ khu vực quy hoạch phát triển cảng biển Nghi Sơn đang có hàng nghìn lồng nuôi cá và hàu. Tuy phần lớn là phân bổ ven bờ nên các tàu thuyền lớn cập cảng hiện nay vẫn lựa tuyến để tránh hệ thống lồng bè nuôi cá. Do một số phân khu cảng hiện chưa phát triển sôi động nên sự ảnh hưởng và cản trở luồng hàng hải đang ở mức độ nhất định. Nếu một vài năm tới, khi hệ thống hạ tầng cảng biển Nghi Sơn phát triển mạnh hơn nữa, lưu lượng tàu thuyền qua lại nhiều, thì hệ thống lồng bè nuôi thủy sản tự phát này sẽ gây rất nhiều hệ lụy.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 19419


Các tin khác:
 Nỗ lực chấm dứt tình trạng khai thác tận diệt thủy sản ven bờ (11/05/2021)
 Kiểm soát dịch bệnh ở các vùng nuôi ngao (06/05/2021)
 Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác hải sản cho trên 2.200 tàu cá (22/04/2021)
 Nhiều hoạt động trong “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa” năm 2021 (19/04/2021)
 Chăm sóc thủy sản vụ xuân hè (16/04/2021)
 Tập trung khắc phục hiện tượng thủy sản nuôi bị chết (15/04/2021)
 Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nuôi tôm công nghiệp (15/04/2021)
 Sức bật từ vùng chiêm trũng (15/04/2021)
 Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh (05/04/2021)
 Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu (25/03/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang