Nằm về phía Đông nam của huyện Hoằng Hóa, Hoằng Đông là xã thuần nông. Bởi vậy trong phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng, chính quyền xã luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giúp người dân tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một diện tích canh tác. Qua đó từng bước cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Khoai tây từng là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông ở Hoằng Đông, với thu nhập gấp nhiều lần cấy lúa. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu lao động nên diện tích vụ đông nói chung, diện tích trồng khoai tây nói riêng giảm đáng kể trong vài năm trở lại đây.
Để vực lại phong trào sản xuất vụ đông, năm 2020, xã Hoằng Đông triển khai kế hoạch trồng cây khoai tây Marabel theo mô hình liên kết giữa nông dân và Nhà nước, nhà nước với doanh nghiệp. Trao đổi với chúng tôi Ông Nguyễn Đình Hưng Phó chủ tịch UBND xã hoằng Đông cho biết: “Những năm qua, đảng ủy và chính quyền đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sản xuất khoai tây, ban đầu chỉ từ 1 ha, đến nay gần 30 ha. So với cây lạc, cây lúa thì gấp 6 lần. Hai năm qua, chúng tôi chỉ đạo HTX liên kết với công ty mua với giá cố định với nhân dân, đầu tư hoàn toàn về giống, phân cho nhân dân. Nhân dân chỉ bỏ ruộng, nhân công, cam kết với nhân dân, mua giá cố định, bao tiêu 100% sản phẩm”.
Mô hình được triển khai với diện tích 25ha/ tổng số 47 ha diện tích cây trồng vụ đông của xã. Để tránh tình trạng được mùa, mất giá, được giá mất mùa, đảm bảo quyền lợi cho nông dân, xã đã ký hợp đồng với các hộ dân tham gia mô hình với giá niêm yết. Bên cạnh đó, UBND xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp xã ký hợp đồng thuê đất của các hộ dân không có điều kiện sản xuất như thiếu nhân công, lao động để sản xuất cây khoai tây. Sau khi thu hoạch UBND xã sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp là công ty An Việt.
Trước khi triển khai, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn biện pháp kỹ thuật áp dụng cho mô hình, trong đó đặc biệt lưu ý những biện pháp kỹ thuật khác so với sản xuất đại trà tại địa phương, để khoai tây sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn của đơn vị thu mua. Ông Chu Văn Kim phó chủ nhiệm HTX DVNN xã hồ hởi cho biết: Để giúp nông dân thâm canh tốt chúng tôi tập huấn cho bà con, cầm tay chỉ việc, ra đồng hướng dẫn cách làm đất, đánh luống, cắt bổ khoai giống, cách trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch. Đến nay đa số bà con nông dân đều nắm chắc kỹ thuật, có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Điểm đột phá, sáng tạo trong sản xuất cây khoai tây của xã Hoằng Đông đó chính là UBND xã dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm hoàn toàn về giá cố định, không để nhân dân thiệt thòi, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cách quản lý từ khâu cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến khi tiêu thụ sản phẩm cũng được đổi mới: Ông Chu Văn Kim phó chủ nhiệm HTX cho biết thêm về: “ Hình thức liên kết chúng tôi phối hợp với công ty, cung ứng toàn bộ giống ngoại nhập, phân ngoại nhập, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh. Sau khi thu hoạch, chúng tôi cam kết thu mua 100% sản phẩm. Công ty cũng cam kết bao tiêu. Thanh toán cho nhân dân đầy đủ 100% sau khi thu hoạch 7 - 15 ngày”.
Nếu như trước đây, nhân dân ký hợp đồng liên kết với công ty, vẫn còn xuất hiện tình trạng nông dân bán ra ngoài cho các tiểu thương thì nay sau khi ký hợp đồng với chính quyền địa phương, người dân đã cam kết không xuống đồng thu hoạch khi chưa có sự thông báo của UBND xã. Điều mà nông dân yên tâm, đó là mô hình sản xuất khoai tây đạt năng suất, chất lượng cao, không phải lo lắng đầu ra
Mô hình được áp dụng máy móc thiết bị làm đất, máy phun thuốc, máy thu hoạch; đồng thời, được bao tiêu toàn bộ khoai thương phẩm. Trong sản xuất nếu gặp rủi ro, sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Ngược lại, nông dân cũng phải cam kết đồng hành với chính quyền để hướng tới hiệu quả cao nhất.

Khoai tây sau thu hoạch được Công ty An Việt thu mua ngay tại ruộng
Vừa dừng tay vun đất cho luống khoai Bà Chu Thị Liên vui vẻ cho biết: Gia đình tôi có 1 mẫu ruộng. “ Năm ngoái làm 8 sào, trừ chi phí được 55 triệu. năm nay thì hơn. Mô hình liên kết này rất có lợi cho chúng tôi, nông dân chỉ việc bỏ công ra chăm sóc cho tốt, hoàn toàn yên tâm về đầu ra, lại còn được trả chậm sau khi thu hoạch nên chúng tôi rất hào hứng và tin tưởng đây sẽ là cây trồng chủ lực giúp nông dân của xã làm giàu”
Đến nay sau 2 năm triển khai mô hình liên kết trong sản xuất khoai tây ở Hoằng Đông, diện tích gieo trồng đã đạt tới gần 30 ha với năng suất từ 25 – 30 tấn/ha, sản lượng 750 tấn.
Thực tế cho thấy, triển khai mô hình liên kết sản xuất khoai tây gắn với bao tiêu sản phẩm ở Hoằng Đông không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển phong trào sản xuất cây vụ đông của địa phương.
Khoai tây Marabel vụ đông xuân 2021-2022 được đánh giá là vượt trội hơn so với những vụ trước