Số lượt truy cập
Hôm nay 54658
Hôm qua 39190
Tuần này 159362
Tháng này 3197188
Tất cả 192992772
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 24/08/2022
Hiểu đúng câu tục ngữ "Cà làng Hạc ăn gãy răng"

Tục ngữ Thanh Hóa có câu"Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ". Sách "Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa" (Nhóm Lam Sơn-NXB Văn Học-1963) có lẽ là cuốn sách đầu tiên thu thập câu tục ngữ này. Tuy nhiên không hiểu tại sao các tác giả lại xếp vào thể loại "ca dao"? Trong sách "Từ điển tục ngữ Việt" (NXB Thời Đại-2010) Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã đúng khi đưa câu "ca dao" này trở lại thể loại tục ngữ. Tác giả Nguyễn Đức Dương giải thích như sau: "Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ. Cà làng Hạc (rắn tới độ) có thể làm gãy cả răng khi nhai; khoai làng Lăng (cứng tới độ) có thể làm tắc cả cổ khi nuốt." Sách cũng chú thích rõ ràng: "HẠC dt Thọ Hạc (=ngôi làng nằm trên địa phận xã Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa hiện thời) [nói tắt] LĂNG dt. Tên dân gian hay dùng để gọi Linh Lộ, ngôi làng nằm trên địa phận xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa hiện nay."

Vậy có đúng là "Cà làng Hạc (rắn tới độ) có thể làm gãy cả răng khi nhai; khoai làng Lăng (cứng tới độ) có thể làm tắc cả cổ khi nuốt" không? Theo chúng tôi, để hiểu đúng câu tục ngữ"Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ" không thể chỉ dừng lại "nghĩa từ vựng" và "nghĩa hiển ngôn" của “gãy răng” và “tắc cổ” (1). Bởi đây chỉ là cách nói ngoa dụ của dân gian(2)

Thủy thổ đặc biệt với chất đất thịt pha cát của làng Hạc sản ra  thứ cà to chừng bằng quả trứng gà so, dày cùi, màu trắng, ăn rất giòn. Khi cắn, âm thanh quả cà vỡ ra, giòn tan, khiến người ta tưởng như hàm răng người ăn cà cũng "gãy" ra, vỡ theo đánh “đốp”. (Có giống cà quả nhỏ, mầu trắng, ăn giòn tan, kêu như “pháo” nên gọi là cà pháo). Làng Lăng (làng Linh Lộ, gần Thái ấp Văn Trinh của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật) có giống khoai lang tên là Ô Xập, lá chia nhiều thùy hình chân vịt, gân lá hơi ngả màu tím. Giống khoai quý Ô Xập trồng trên những cánh đồng đất cát làng Lăng, chất đất màu mỡ, tơi xốp, giàu ka-li, thoát nước tốt khiến khoai ít bị sùng. Khoai Ô Xập đủ chất dinh dưỡng nên khi củ già thì căng tròn, luộc chín vỏ nứt nở, để lộ bột trắng xóa từ ngoài vào trong. Khi ăn khoai làng Lăng phải nhai chậm rãi, nuốt từ từ, nếu không dễ bị nghẹn, cảm tưởng như cổ bị "tắc" lại. Câu tục ngữ này ngợi ca hai sản vật cà và khoai đều ngon, quý, không phải chê “rắn” và “cứng tới độ” ăn “gãy răng khi nhai” và “tắc cả cổ khi nuốt” như cách giải thích theo nghĩa hiển ngôn của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương.

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam rất nhiều câu mang tính địa phương vùng miền tổng kết, nhận xét về phong tục, tập quán, sản vật… của vùng miền ấy. Việc lựa chọn, tập hợp những câu tục ngữ tiêu biểu mang tính địa phương để đưa vào một công trình như"Từ điển tục ngữ Việt" và việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nếu soạn giả không am hiểu lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, thủy thổ, sản vật... của địa phương, vùng miền mà chỉ căn cứ vào nghĩa từ vựng, nghĩa hiển ngôn đơn thuần rất dễ rơi vào tình trạng võ đoán.

Chú thích:

 (1) Lời nói đầu của "Từ điển tục ngữ Việt" Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương nêu ra 3 yêu cầu quan trọng trong "Cách thức diễn giải dữ liệu" mỗi câu tục ngữ là: "làm rõ nghĩa từ vựng của các từ ngữ hợp thành từng câu""làm rõ nghĩa hiển ngôn của mỗi câu"  và"làm rõ nghĩa hàm ẩn của câu ấy (nếu câu ấy có cả nghĩa hàm ẩn)". Có lẽ ông cho rằng, câu tục ngữ "Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng Lăng ăn tắc cổ" không có nghĩa hàm ẩn.

Nguồn tin: Hoàng Tuấn Công – TT Khuyến nông Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 8746


Các tin khác:
  Thăm và kiểm tra các mô hình sản xuất lúa vụ Mùa thuộc chương trình khuyến nông địa phương năm 2022 (15/08/2022)
  Lợi ích và hiệu quả từ việc nuôi cá biển trong ao đất (15/08/2022)
  Một số quan tâm khi tự phối trộn thức ăn trong chăn nuôi (15/08/2022)
 Thanh Hóa : Hiệu quả mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc (03/08/2022)
  Khởi nghiệp thành công nhờ nuôi vịt siêu thịt kết hợp nuôi cá nước ngọt (03/08/2022)
 Hiệu quả bước đầu mô hình “Chăn nuôi vịt thịt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” tại xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (15/07/2022)
  Hiệu quả bước đầu mô hình trồng keo lai mô tại xã Thạch Lâm huyện Thạch Thành (12/07/2022)
  Làm giàu từ nghề sản xuất con giống thủy sản nước ngọt (08/07/2022)
  Một số lưu ý để sản xuất lúa mùa đạt hiệu quả (06/07/2022)
 QUẢNG XƯƠNG: Mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ (06/07/2022)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang