Số lượt truy cập
Hôm nay 34435
Hôm qua 39190
Tuần này 139139
Tháng này 3176965
Tất cả 192972549
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 12/10/2020
Hiệu quả từ mô hình tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn

Đến năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì vai trò, tầm quan trọng của công tác tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn càng được khẳng định. Do đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, từ đó xây dựng được những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế, bắt kịp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. 

Diện tích tích tụ, tập trung đất đai trồng rau an toàn tại xã Tiến Nông (Triệu Sơn).

Cánh đồng rộng 18 ha của 60 hộ dân xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) từng bị bỏ hoang nhiều năm vì là vùng chiêm trũng, khó canh tác. Năm 2017, được UBND xã khuyến khích, ông Phạm Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Lâm đã đi đến từng hộ dân đặt vấn đề để thuê lại diện tích trên phần ruộng trũng thấp để tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc làm này được đa số các hộ dân ủng hộ, nên quá trình tích tụ, tập trung đất đai của ông được thực hiện khá thuận lợi. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã tích tụ, tập trung được toàn bộ cánh đồng chiêm trũng rộng 18 ha của xã. Vấn đề khó nhất sau khi thực hiện tích tụ là làm thế nào để vùng đất được “hồi sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian học kinh nghiệm, tìm hiểu các mô hình trong và ngoài tỉnh, ông Cường thuê máy xúc nạo vét đất, be bờ, cải tạo khu đồng để chuyển đổi sang trồng sen và nuôi cá. Việc chuyển đổi kết hợp này đã giúp ông thu lãi tới 400 đến 500 triệu đồng/năm từ cánh đồng tích tụ được.

Đối với xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn, tích tụ, tập trung đất đai lại là sự đồng lòng của cả một tập thể. Với mục tiêu xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh thực hiện đổi điền, dồn thửa, tích tụ đất đai, từ đó hình thành, phát triển vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Đến nay, xã đã xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô 40 ha; vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng hơn 70 ha. Việc tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền xã trong định hướng và chỉ đạo sản xuất, giúp người dân áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đối với vùng sản xuất rau an toàn, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 200 đến 250 triệu đồng/ha/năm; vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, lợi nhuận bình quân đạt 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Cũng nhờ xây dựng được vùng sản xuất tập trung, nên đến kỳ vụ sản xuất, cánh đồng trồng rau an toàn của xã luôn là địa điểm thu hút các doanh nghiệp, thương lái về đặt hàng. Hiện có tới 70% diện tích vùng sản xuất rau an toàn của xã được sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thương lái.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 15.891 ha tại 25 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 1.895 ha được tích tụ, tập trung theo hình thức chuyển nhượng, 2.100 ha tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất; còn lại là tích tụ, tập trung theo hình thức góp vốn liên kết sản xuất bằng quyền sử dụng đất. Dù việc tích tụ, tập trung đất đai được thực hiện theo hình thức nào, thì các mô hình, diện tích được tích tụ đều đã và đang chứng minh được hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất, trong đó trồng trọt tăng từ 1,5 – 1,7 lần, thủy sản tăng 30% so với trước khi tích tụ ruộng đất.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 15018


Các tin khác:
 Khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp (12/10/2020)
 Tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón (03/10/2020)
 Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng (03/09/2020)
 Chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ thu mùa (05/08/2020)
 Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (29/06/2020)
 Hơn 4.700 ha lúa trong vụ đông xuân được liên kết sản xuất (23/06/2020)
 Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (05/06/2020)
 Năng suất lúa vụ đông xuân ước đạt 64 tạ/ha (01/06/2020)
 Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn (29/05/2020)
 Xã Thiệu Vũ chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa (28/05/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang