Số lượt truy cập
Hôm nay 2004
Hôm qua 58866
Tuần này 165574
Tháng này 3203400
Tất cả 192998984
Browser   (Today) Chi tiết >>
Chủ nhật, 30/05/2021
Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển

TP Sầm Sơn có lợi thế về phát triển thủy sản, cho nên đây cũng là địa phương có số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này tương đối đông. Chính vì vậy, ngoài các cơ chế chính sách chung để phát triển ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản; địa phương cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm tạo chỗ dựa giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Chúng tôi gặp ngư dân Hoàng Văn Châu (phường Trường Sơn) khi anh vừa trở về sau chuyến đánh bắt buổi sáng. Vừa nhanh tay gỡ khỏi đống lưới những gì còn sót lại, anh vừa kể: “Hôm nay biển động, lại mưa khá lớn nên đánh không được như mọi ngày. Nếu như bình thường, tôi rong thuyền từ 4h sáng và trở về tầm 9, 10 giờ cũng thu được 4, 5 khay cá tôm các loại; thì hôm nay chỉ được non nửa số đó. Nhưng nghề này là thế, ngày nhiều bù ngày ít. Vì thuyền nhỏ và cũng chỉ một mình tôi ra khơi, rồi thì khỏe làm nhiều mệt lại nghỉ, nên tôi cũng không áp lực chi phí nhân công”. Được biết, kiểu tự làm rồi tự thu chi như anh Châu vẫn “khỏe” hơn nhiều so với việc đi làm công cho các thuyền lớn. Nhất là thời điểm dịch bệnh như hiện nay, thu nhập có khi còn bấp bênh hơn so với những thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ như anh. Theo nhẩm tính của anh Châu, bình quân mỗi tháng anh cũng có thu nhập từ 20 - 30 triệu (chưa trừ chi phí dầu, khấu hao lưới).

Điểm neo đậu tàu thuyền của ngư dân tại phường Trường Sơn.

Theo thống kê, tính năm đến cuối năm 2020, thành phố có khoảng 6.100 lao động đang làm việc trong lĩnh vực thủy sản. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố hiện có 2 cơ sở đóng sửa tàu thuyền là HTX đóng tàu Triệu Tiến và Công ty TNHH Hợp Thanh phường Quảng Tiến; 1 cảng cá loại 2 (cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến) với công suất bốc dỡ hàng hóa 15.000 tấn/năm; 1 khu âu thuyền tránh trú bão với công suất thiết kế đáp ứng cho 600 tàu neo đậu; 10 khu, điểm, bến thuyền neo đậu ven bờ. Ngoài ra, còn có 24 tàu làm dịch vụ hậu cần thu mua hải sản trên biển; 10 hộ kinh doanh ngư lưới cụ; 17 hộ kinh doanh đá lạnh và 8 doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục vụ khai thác, sơ chế, chế biến thủy sản.

Tuy nhiên, chất lượng các dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, chủ yếu cung cấp một số dịch vụ như vá lưới, nước ngọt, đá lạnh, dầu... Việc chế biến thủy sản vẫn đang ở dạng sơ chế cấp đông; mẫu mã, thương hiệu và sức cạnh tranh còn yếu; trong khi xuất khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá hạn chế cả về quy mô và công nghệ; cảng cá Lạch Hới chưa có dịch vụ bốc xếp hàng hóa tự động, dẫn đến việc bốc sản phẩm thủy sản chủ yếu là thủ công, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, do việc thu hồi đất của các dự án trên địa bàn thành phố nên diện tích nuôi trồng thủy sản giảm dần...

Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả phát triển ngành thủy sản, trong khoảng 5 năm trở lại đây, TP Sầm Sơn đã quan tâm triển khai nhiều cơ chế chính sách liên quan và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, thành phố có 19 chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 và 1 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt nhận chuyển nhượng tàu cá. Kết quả, có 17/19 chủ tàu triển khai đảm bảo yêu cầu; 2 chủ tàu không tiếp tục tham gia Nghị định 67. Tổng số tiền được ngân hàng giải ngân (cho 18 chủ tàu) là 219 tỷ 550 triệu đồng. Về chính sách bảo hiểm, năm 2016, số lượng tàu đã được hỗ trợ bảo hiểm 67 là 153 tàu; số thuyền viên tham gia là 1.206 người, tổng số tiền bảo hiểm là 3.530.131.800 đồng; năm 2017, số lượng tàu đã được hỗ trợ bảo hiểm 67 là 78 tàu, số thuyền viên tham gia là 595 người, tổng số tiền bảo hiểm là 2.371.786.450 đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động nên số lượng tàu được hỗ trợ bảo hiểm 67 còn 25 tàu, số thuyền viên tham gia là 187 người, tổng số tiền bảo hiểm là 771.324.750 đồng.

Cùng với đó, TP Sầm Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 119 chuyến biển, với tổng số tiền là 5 tỷ đồng. Hàng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, đăng ký tàu cá thường xuyên hoạt động, khai thác vùng biển xa, để trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách để thụ hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã có 19 tàu cá được nhận hỗ trợ kinh phí chuyến biển, với tổng số tiền hỗ trợ là 2,288 tỷ đồng. Đồng thời, hàng năm UBND thành phố đã rà soát đăng ký, hướng dẫn cho các chủ tàu ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố đã có 13 chủ tàu đã được nhận hỗ trợ kinh phí ứng dụng công nghệ cho hầm bảo quản tàu cá, theo chính sách phát triển khoa học công nghệ tại Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, trước thực trạng khó khăn của ngành thủy sản, cùng với việc triển khai các quy định, cơ chế chính sách của Nhà nước, UBND thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phát triển thủy sản. Cụ thể như Kế hoạch số 668/KH-UBND ngày 7-3-2018 về việc kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn TP Sầm Sơn; Kế hoạch số 5285/KH-UBND ngày 26-12-2019 phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn TP Sầm Sơn; Kế hoạch số 5285/KH-UBND ngày 26-12-2019 về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 809/KH-UBND ngày 6-3-2019 và Kế hoạch số 598/KH-UBND ngày 28-2-2020 về việc triển khai thực hiện tháng bảo vệ nguồn lợi thủy sản hàng năm trên địa bàn thành phố...

Đặc biệt, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn đồng hành cùng ngư dân, tạo điều kiện vay vốn để đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn; mạnh dạn mở rộng ngư trường để nâng cao năng lực, hiệu quả đánh bắt và tập trung phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Cùng với các cơ chế chính sách chung, các chính sách riêng của thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng và tạo được niềm tin lớn cho ngư dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản, giải quyết một phần khó khăn cho ngư dân và người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, hướng đến mục tiêu phát triển nghề khai thác thủy sản gắn với phát triển du lịch và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 18203


Các tin khác:
 Nâng cao năng lực khai thác và chế biến thủy, hải sản (17/05/2021)
 Tăng cường công tác quản lý tàu cá hoạt động thủy sản (13/05/2021)
 Nuôi cá lồng tự phát trên vịnh Nghi Sơn – cảnh báo những hệ lụy (13/05/2021)
 Nỗ lực chấm dứt tình trạng khai thác tận diệt thủy sản ven bờ (11/05/2021)
 Kiểm soát dịch bệnh ở các vùng nuôi ngao (06/05/2021)
 Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác hải sản cho trên 2.200 tàu cá (22/04/2021)
 Nhiều hoạt động trong “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa” năm 2021 (19/04/2021)
 Chăm sóc thủy sản vụ xuân hè (16/04/2021)
 Tập trung khắc phục hiện tượng thủy sản nuôi bị chết (15/04/2021)
 Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nuôi tôm công nghiệp (15/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang