Số lượt truy cập
Hôm nay 4271
Hôm qua 58866
Tuần này 167841
Tháng này 3205667
Tất cả 193001251
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 13/08/2020
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hóa - Bài 7: Quê hương nghĩa nặng, tình sâu

“Là vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, không chỉ chăm lo cho sự nghiệp chung của quốc gia, dân tộc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn rất trăn trở, nặng lòng với sự phát triển đi lên của xứ Thanh. Dù khi đương chức hay lúc đã nghỉ hưu, bác luôn dõi theo và dành tình cảm sâu nặng với quê hương bằng sự quan tâm thiết thực. Quê hương Thanh Hóa rất trân trọng tình cảm của nguyên Tổng Bí thư”. Đó là chia sẻ của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với chúng tôi khi nói về cố Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu.

Trong ký ức của đồng chí Nguyễn Thị Miện, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng rất gần gũi, giản dị và chan hòa. Trưởng thành từ phong trào cách mạng địa phương, được tôi rèn trong quân ngũ, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, cho đến khi đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư, bác vẫn luôn giữ phong thái giản dị và hết sức tình cảm. Được gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư nhiều lần khi còn đương chức, đồng chí Nguyễn Thị Miện cho biết: “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà. Điều này không chỉ thể hiện vai trò của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là tình cảm, trách nhiệm của một người con đối với quê hương”.

Điều đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí đồng chí Nguyễn Thị Miện là mỗi lần về thăm quê và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đều căn dặn “Cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thanh Hóa phải đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân. Bởi đoàn kết là sức mạnh để giúp nhau cùng phát triển, nếu không đoàn kết sẽ không làm được gì”. Trong công tác cán bộ, bác thường nhắc nhở “Cán bộ từ tỉnh, huyện đến xã phải nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều; cán bộ phải làm gương cho đảng viên, đảng viên làm gương cho Nhân dân. Cán bộ phải thực sự là công bộc của dân, phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân. Nếu cán bộ cùng dân bàn bạc, giải quyết thì mọi việc đều thành công”. Đối với công tác phát triển đảng viên, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lưu ý rằng “Thanh Hóa phải quan tâm phát triển đảng viên trí thức, đảng viên trẻ, đảng viên nữ, đảng viên người dân tộc có nhiều thành tích trong hoạt động và công tác. Nếu không quan tâm đến vấn đề này, Đảng ta sẽ ngày càng già đi”.

Đồng chí Nguyễn Thị Miện, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa lưu giữ tấm ảnh được tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Công an Thanh Hóa năm 1999.

Trong mạch nguồn câu chuyện về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đồng chí Nguyễn Thị Miện cho biết thêm: “Những lần gặp gỡ thân mật hay làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh nhà, nguyên Tổng Bí thư đều gợi mở nhiều vấn đề lớn để Thanh Hóa phát triển cả 3 vùng miền. Đối với khu vực miền núi vốn nghèo khó, nguyên Tổng Bí thư định hướng Thanh Hóa nên khai thác tiềm năng, thế mạnh từ vốn rừng sẵn có, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rừng. Muốn cho các huyện miền núi tiến kịp miền xuôi thì phải quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đối với khu vực vùng biển, nên phát triển đánh bắt xa bờ mới cho hiệu quả cao và phải quan tâm đào tạo đội ngũ ngư dân có trình độ, có kỹ thuật, không để tình trạng “cha dìu con đi biển như xưa được”. Với khu vực đồng bằng, nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh người dân không thể chỉ sống bằng cây lúa mà phải phát triển cây ăn quả, chăn nuôi quy mô lớn, phát triển công nghiệp và sản xuất hàng hóa…”.

Với sự chỉ đạo và định hướng rất rõ ràng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về phát triển kinh tế, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thanh Hóa đã phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn khác để thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Điển hình như đối với khu vực miền núi, Thanh Hóa đã đưa công tác quản lý và bảo vệ rừng phát triển theo hướng lâm nghiệp xã hội, lấy chăm sóc, trồng rừng làm chính; giao đất lâm nghiệp tới hộ gia đình và thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, từng bước ngăn chặn nạn khai thác lâm sản trái phép. Ngoài trồng rừng theo dự án 327, dự án PAM, các huyện miền núi đã trồng hàng chục triệu cây phân tán và xây dựng một số dự án để kêu gọi vốn đầu tư như dự án rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu, vườn Quốc gia Bến En, vùng nguyên liệu giấy...

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong 1 lần về thăm lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa.

Song song với phát triển kinh tế, Thanh Hóa ưu tiên nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn, tập trung vào 7 hạng mục là giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế xã, chợ và nước sinh hoạt. Thông qua chương trình 135, chỉ trong 2 năm 1999-2000, Thanh Hóa đã xây dựng được 94 công trình cơ sở hạ tầng ở 84 xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 43,55 tỷ đồng. Chương trình trung tâm cụm xã từ năm 1997-2000 đã xây dựng được 15 cụm với 60 hạng mục công trình như lớp học bán trú, phòng khám bệnh đa khoa, chợ trung tâm, đường giao thông…

Những năm về sau, Thanh Hóa tiếp tục ban hành nhiều chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép hiệu quả một số chính sách của Trung ương để kích cầu phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp. Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội với nhiều công trình, dự án quy mô lớn như đường nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh; đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát); đường Hồi Xuân – Tén Tằn; các tuyến Quốc lộ 217, 47...; nhiều nhà máy thủy điện như Trung Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2 đi vào vận hành đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đưa các huyện miền Tây xứ Thanh “bứt phá” đi lên và gặt hái được nhiều “quả ngọt” như ngày nay.

Đồng chí Trịnh Trọng Quyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lưu giữ tấm ảnh chụp cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 2004

“Khi còn giữ chức vụ Tổng Bí thư, trong bộn bề công việc của đất nước nhưng bác vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với quê Thanh. Làm thế nào để đưa Thanh Hóa phát triển luôn là điều bác trăn trở. Với tầm nhìn xa trông rộng, hiểu rõ vị thế chiến lược của xứ Thanh, qua những lần về thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ cán bộ tỉnh nhà, nguyên Tổng Bí thư đã định hướng cụ thể rằng: Thanh Hóa phải tìm ra hướng phát triển các ngành công nghiệp và đưa công nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế”, đồng chí Trịnh Trọng Quyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết.

Đáp lại sự quan tâm, chỉ dạy của nguyên Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác định hướng và hình thành các vùng công nghiệp động lực. Đồng chí Trịnh Trọng Quyền nhớ lại: “Từ nền tảng là Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (nay là Công ty CP Xi măng Vecem Bỉm Sơn), các cấp, các ngành đã từng bước xác định kế hoạch chi tiết để xây dựng kế hoạch đầu tư. Nhiều cơ sở công nghiệp đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động như Nhà máy xi măng Nghi Sơn, nhà máy đường liên doanh Việt Nam – Đài Loan, nhà máy đường số 2 Lam Sơn, nhà máy đường Nông Cống… Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Lễ Môn nên đã kêu gọi, thu hút được nhiều dự án đầu tư, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển”.

Đến năm 2000, diện mạo công nghiệp Thanh Hóa có bước thay đổi đáng phấn khởi. Sản xuất công nghiệp đạt 3.788 tỷ đồng, bằng 135,1% kế hoạch. Đây là tiền đề, là nền tảng quan trọng, tạo đà cho công nghiệp Thanh Hóa “cất cánh” những năm sau đó và “bứt phá” vượt trội những năm gần đây. Từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành địa phương có quy mô và tốc độ phát triển công nghiệp đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó chỉ số phát triển công nghiệp luôn ở mức cao của cả nước. Tạo sức bật, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của tỉnh là Khu Kinh tế Nghi Sơn với điểm nhấn Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn. Đến nay Khu Kinh tế Nghi Sơn đã cơ bản trở thành khu đô thị công nghiệp mang vóc dáng hiện đại, tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế cho cả vùng Bắc Trung bộ.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đại biểu dự lễ khởi công Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. 

“Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn chỉ rõ rằng muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, trong đó cần ưu tiên xây dựng những cây cầu chiến lược”, đồng chí Trịnh Trọng Quyền cho biết thêm khi chia sẻ với chúng tôi về gợi mở định hướng phát triển Thanh Hóa của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Bằng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, những công trình mang tầm vóc thời đại đã được đầu tư xây dựng. Điểm nhấn là cây cầu Hoàng Long nối đôi bờ sông Mã được khánh thành năm 2000. Đây là sự kiện lớn của tỉnh lúc bấy giờ. Sự ra đời của cây cầu quan trọng này đã giảm tải cho cầu Hàm Rồng – cây cầu lịch sử khi ấy đã xuống cấp và chưa được sửa chữa. Cùng với cầu Hoàng Long, nhiều cây cầu lớn như cầu Lèn, cầu Thiệu Hóa, cầu Kiểu, cầu Hồi Xuân được khởi công xây dựng. Các tuyến Quốc lộ 1A, 45, 47, 217, các trục đường giao thông Bắc – Nam, Đông – Tây được nâng cấp, mở rộng… Những công trình này đến nay vẫn là nền tảng hạ tầng vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Tiếp nối những công trình ấy, trong giai đoạn 2011-2019, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ bao gồm cả đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Trong đó tập trung vào các công trình có tính lan tỏa lớn, kết nối các vùng kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, các cửa khẩu, các khu đô thị…

Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cho biết: Khi không còn giữ trọng trách của Đảng nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn luôn quan tâm, dõi theo hành trình phát triển của quê hương Thanh Hóa. Nguyên Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng khi Thanh Hóa biết tranh thủ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để xây dựng tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh; các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh luôn biết tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong tư duy, quyết liệt trong hành động, tạo ra thế và lực mới để Thanh Hóa tăng tốc đầy ấn tượng.

Một góc TP Thanh Hóa hôm nay

Khát vọng xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, thịnh vượng, “một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn đã và đang được thực hiện khi đường hướng phát triển Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ: Phát triển để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng của “Tứ giác” kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa, một trục trung tâm y tế, văn hóa, thể dục, thể thao của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung bộ, Bắc bộ và cả nước.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào cả nước, đặc biệt là đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa. Quê hương xứ Thanh từ nay sẽ vắng bóng người con thân yêu, sẽ không còn được đón đợi một người con ưu tú từ nơi xa trở về. Dù nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không còn nữa nhưng cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc cùng tình cảm, sự quan tâm của đồng chí dành cho quê hương sẽ mãi là điểm tựa, là nguồn động viên tinh thần và là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thanh Hóa không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.



Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 13475


Các tin khác:
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hóa - Bài 6: Trong trái tim thế hệ trẻ xứ Thanh (13/08/2020)
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hoá - Bài 5: Quê hương trọn nghĩa vẹn tình (13/08/2020)
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hoá - Bài 4: Những kỷ niệm in đậm trong tim người làm báo Thanh Hóa (13/08/2020)
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hoá - Bài 3: Anh Phiêu thương nhớ ! (13/08/2020)
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hoá - Bài 2: Người con ưu tú của quê hương Đông Khê (13/08/2020)
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hoá - Bài 1: Cuộc gặp gỡ ấm tình quê Thanh (13/08/2020)
 Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX: Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển (11/08/2020)
 Thanh Hóa chủ động ứng phó với vùng áp thấp giữa Biển Đông (08/08/2020)
 Công điện số 01/CĐ vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 29 tháng 7 năm 2020 (30/07/2020)
 Thanh Hóa trưng bày 4 gian hàng sản phẩm OCOP tại Hà Nội (27/07/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang