Số lượt truy cập
Hôm nay 26965
Hôm qua 39190
Tuần này 131669
Tháng này 3169495
Tất cả 192965079
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 01/07/2020
Bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ thu mùa

Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang xuống đồng, tập trung sản xuất vụ thu mùa 2020. Tuy nhiên, ngay từ khi bước vào vụ sản xuất đến nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thuận, nắng nóng gay gắt, kéo dài, trong khi mực nước trên các sông, suối, hồ đập phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ.

Đến thời điểm cuối tháng 6-2020, chỉ có 83/610 hồ chứa đầy nước, còn lại 527/610 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước thiết kế từ 1m trở lên, trong đó có 169 hồ từ mực nước chết trở xuống. Riêng 3 hồ chứa nước lớn là hồ chứa nước Cửa Đạt (Thường Xuân), hồ Sông Mực (Như Thanh) và hồ Yên Mỹ (Nông Cống) có mực nước thấp hơn so với mực nước thiết kế lần lượt là: 34,62m, 5,46m và 5,04m.

Trạm bơm B4-10, xã Đồng Tiến (Triệu Sơn) vận hành bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Mực nước trên hệ thống các sông, suối, hồ xuống thấp khiến việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ thu mùa gặp nhiều khó khăn. Chi cục Thủy lợi tỉnh dự báo, thời điểm đầu vụ thu mùa sẽ có khoảng 24.000 đến 25.000 ha lúa gặp khó khăn về nguồn nước sản xuất. Vì vậy, để bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất vụ thu mùa trong thời điểm nắng nóng diễn ra gay gắt như hiện nay, ngành nông nghiệp, các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi cùng chính quyền các địa phương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo đảm công tác tưới và chống hạn ngay từ đầu vụ sản xuất.

Vụ thu mùa 2020, Công ty TNHH MTV Sông Chu đảm nhiệm tưới cho hơn 48.000 ha lúa. Để bảo đảm phục vụ đủ nước trong suốt vụ sản xuất, công ty đã và đang căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn, kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình đầu mối với nhu cầu sử dụng nước của bà con nông dân để chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tưới, phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Điều hòa, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, vận hành, nhằm giảm tổn thất nước trên kênh và mức tưới cho một ha. Lập lịch tưới luân phiên cho các cấp kênh trong từng hệ thống tưới, tuyên truyền công khai rộng rãi lịch tưới để người dân biết và thực hiện. Phối hợp với các cấp chính quyền dẫn nước tưới, nhất là vào thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, nhằm tránh tình trạng tranh chấp lấy nước khi hạn hán xảy ra gây khó khăn cho công tác điều hành chống hạn. Thực hiện nạo vét các cửa lấy nước tại các trạm bơm, chuẩn bị sẵn sàng vật tư để nối dài ống hút có thể khi mực nước xuống thấp. Công ty cũng đã điều tiết, chỉ đạo để các chi nhánh thủy nông thực hiện lắp đặt các máy bơm dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước để bơm truyền, bơm tiếp nguồn chống hạn. Cùng với đó, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các trạm bơm.

Chia sẻ về việc túc trực để vận hành trạm bơm lấy nước, anh Dương Văn Vượng, Cụm trưởng trạm bơm Bãi Tây, xã Đông Văn (Đông Sơn), cho biết: Trạm bơm Bãi Tây đã vận hành liên tục từ ngày 21-5 đến nay. Theo đó, hơn 1 tháng qua, anh và đồng nghiệp đã phải trực cả ngày lẫn đêm tại trạm để bơm cấp nước phục vụ sản xuất. Do thời tiết nắng hạn, nên ngoài việc phục vụ sản xuất và tưới dưỡng cho 213 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Đông Văn, trạm còn bơm để phục vụ công tác chống hạn cho hơn 40 ha lúa mới gieo cấy của xã Đông Yên, nên công nhân vận hành tại trạm càng trở nên vất vả.

Nhờ nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm nước tưới, nên đến cuối tháng 6, công ty đã cấp nước cho 44.600/48.000 ha để bà con nông dân thực hiện làm đất và gieo cấy vụ thu mùa, đạt 93% diện tích phục vụ tưới của công ty và hiện còn 3.600 ha chưa có nước. Vì vậy, công ty đang tiếp tục thực hiện lịch tưới, trong đó, ưu tiên cấp nước những vùng chưa có nước để bà con nông dân sản xuất. Cùng với đó, bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng cho diện tích lúa vừa được gieo cấy.

Đánh giá của Chi cục Thủy lợi, cho thấy: Để bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất vụ thu mùa, các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi cùng chính quyền các địa phương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm chống hạn đầu vụ và nguồn nước tưới cho toàn vụ sản xuất. Nhờ vậy, mặc dù phải đối mặt với tình hình nắng nóng, khó khăn về nguồn nước, song diện tích gieo cấy trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 6 là hơn 100.000 ha, đạt 85,6% diện tích gieo cấy toàn vụ.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 25135


Các tin khác:
 Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá kiểm tra công tác chống hạn tại huyện Vĩnh Lộc (01/07/2020)
 Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ đập (12/06/2020)
 34 trọng điểm đê điều chưa bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2020 (04/06/2020)
 Giao chỉ tiêu nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương tiêu thoát lũ (29/05/2020)
 Gấp rút xử lý sạt lở, bảo vệ khu dân cư và đê hữu sông Mã (21/05/2020)
 Định hướng phát triển hệ thống thủy lợi (10/05/2020)
 Tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi năm 2020 (06/05/2020)
 Giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn bảo đảm sản xuất nông nghiệp (04/05/2020)
 Dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê hữu sông Chu qua xã Thọ Hải đạt hơn 30% khối lượng thi công (03/05/2020)
 Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất trong kỳ nghỉ lễ (29/04/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang