Số lượt truy cập
Hôm nay 44603
Hôm qua 39190
Tuần này 149307
Tháng này 3187133
Tất cả 192982717
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 21/03/2019
Hướng dẫn chi tiết áp dụng biện pháp ATSH trong chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi nói chung và bệnh dịch tả lợn Châu Phi nói riêng

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên vật nuôi nói chung, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nói riêng hiện nay trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chi tiết trình tự, các bước công việc để người chăn nuôi áp dụng, thực hiện hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, cụ thể như sau:

I. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các gia trại chăn nuôi lợn

1. Yêu cầu về chuồng trại

Chuồng trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại; cổng ra vào khu chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng; nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước; đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3-5% đối với chuồng nền; mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nước khi mưa; đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc hại và dễ vệ sinh tẩy rửa; các dụng cụ khác trong các chuồng trại (xẻng, xô, ...) phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng; các nơi chứa thức ăn, thuốc thú y, hoá chất và thuốc sát trùng, thiết bị, ... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

2. Yêu cầu về con giống

Tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và không qua kiểm dịch (đối với đàn lợn giống nhập từ tỉnh ngoài). Khuyến cáo người chăn nuôi chỉ mua giống tại các cơ sở cung cấp con giống có nguồn gốc rõ ràng và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành. Trong giai đoạn hiện nay, diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp, khó lường, chưa có vắc xin, thuốc phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi, nên khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế tối đa nhập đàn mới, không nên tái đàn khi chưa công bố hết dịch trên địa bàn.

3. Thức ăn, nước uống và chăm sóc

Tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, bổsung đầy đủ dinh dưỡng cho lợn để phát triển và tăng sức đề kháng; không nên tận dụng thức ăn thừalấy từ các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể về cho lợn ăn. Trường hợp sử dụng lại thức ăn thừa bắt buộc phải đun nấu tới nhiệt độ sôi mới cho lợn ăn. Các thức ăn dạng lỏng, thức ăn xanh, thức ăn khác có nguy cơ lây bệnh cần được nấu chín hoặc xử lý nhiệt để tiêu diệt mầm bệnh mới cho lợn ăn; sử dụng nguồn nước sạch cho lợn uống và tắm rửa cho lợn. Trong trường hợp phải trộn thuốc, hoá chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hoá chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không được sử dụng kháng sinh, hoá chất trong danh mục cấm theo quy định hiện hành. Không mua thịt lợn, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc thịt lợn chưa rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch vào trại chăn nuôi làm thực phẩm; hạn chế tối đa người ngoài ra vào cơ sở chăn nuôi.

4. Vệ sinh, thú y

Hằng ngày vệ sinh chuồng trại, thiết bị dụng cụ chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi. Sử dụng vôi bột rải xung quanh khu vực chuồng nuôi; cổng ra vào khu vực chăn nuôi phải có hố sát trùng bằng vôi bột đủ độ dày để người chăn nuôi qua lại sát trùng giầy, dép, ủng và phương tiện cũng như ngăn chặn mầm bệnh từ các loại gặm nhấm, côn trùng...

Phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần (khi không có dịch bệnh) và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần (khi có dịch bệnh) bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của thú y cũng như nhà sản xuất. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi; không vận chuyển lợn, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển.Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác trong khu chăn nuôi. Khi sử dụng bẫy, bả phải có biển thông báo và ghi sơ đồ chi tiết vị trí đặt bẫy, bả và thường xuyên kiểm tra thu gom để xử lý.Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng, ít nhất 10 ngày. Trong trường hợp bị dịch bệnh, phải để trống chuồng ít nhất 30 ngày. Mọi phương tiện tham gia mua bán, xuất nhập, trao đổi đều thực hiện ngoài cổng cơ sở chăn nuôi.

5. Quản lý dịch bệnh

Người chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn lợn để phòng trị các bệnh theo quy định; hằngngày quan sát theo dõi từng cá thể lợn trong đàn lợn, nếu thấy lợn có biểu hiệu bỏ ăn, ốm, nghi mắc bệnh hoặc lợn chết phải báo ngay với thú y và chính quyền địa phương (thôn, bản). Thực hiện 5 KHÔNG trong thú y, trong đó nghi nhớ trong quản lý dịch bệnh là KHÔNG giấu dịch; trường hợp hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu phi và một số bệnh nguy hiểm không nên qua lại đến các hộ chăn nuôi khác khi không cần thiết và phải tuân thủ các quy định về vệ sinh thú y để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Thực hiện đầy đủ các quy định về thú ý và công tác phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm việc vận chuyển thức ăn ra vào cơ sở chăn nuôi cũng như kiểm soát tốt nguồn thức ăn; thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển thức ăn và bao bì.

Giao UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng 1 ngày/ 1 lần tại các cửa hàng đại lý buôn bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn xã trong thời gian chưa công bố hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

6. Xử lý chất thải và bảo vệ môi trường

Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt hoặc bằng hoá chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành.

Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp. Nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn quy định.

Nghiêm cấm việc vứt xác lợn bị bệnh, nghi vấn bệnh ra ngoài môi trường. Khi tiêu hủy, chôn lấp lợn phải đảm bảo các quy địnhvề bảo vệ môi trường

II. Đối với các trang trại chăn nuôi lợn

Ngoài các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh như chăn nuôi nông hộ, gia trại nói trên. Chăn nuôi trang trại cầnthực hiện các nội dung bổ sung dưới đây, cụ thể là:

1. Trang trại chăn nuôi phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách thăm quan; khu cách ly lợn ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ khác.

2.Bố trí hệ thống hố/khay sát trùng ở tất cả cửa vào các dãy chuồng; cổng ra vào trang trại phải có hố sát trùng có diện tích đủ lớn và đủ sâu có tác dụng ngăn ngừa việc truyền các mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác, từ khu chăn nuôi này đến khu chăn nuôi khác.

3. Khi ra vào trang trại, công nhân phải thay quần áo bảo hộ lao động, mang ủng cao su, đi qua phòng sát trùng, hố sát trùng trước khi vào trại. Ngăn chặn, các loài động vật khác qua lại trong khu vực chăn nuôi lợn. 

4. Nuôi lợn cùng lứa tuổi thành từng nhóm và dịch chuyển đàn trong quá trình sản xuất cho tới khi xuất bán. Tuân thủ áp dụng phương thức “cùng vào – cùng ra” theo thứ tự ưu tiên là: cả khu => từng dãy => từng chuồng => từng ô lợn (tùy  vào điều kiện chăn nuôi cụ thể để lựa chọn) nhằm hạn chế sự lây lan bệnh tật.

5. Sử dụng thức ăn có thành phần dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của lợn. Cho lợn ăn thức ăn mới hàng ngày, thức ăn cũ dư thừa phải loại bỏ. Kho chứa thức ăn có biện pháp chống mối mọt, nấm mốc, chuột,… Thức ăn thường xuyên được giám sát về các nguy cơ sinh học, hóa học, vật lý để đảm bảo chất lượng thức ăn và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Nguồn nước, nước uống phải cung cấp đủ, sạch, không bị nhiễm bẩn và đạt chuẩn theo quy định tiêu chuẩn Việt Nam. Sử dụng nước máy, nước giếng, không sử dụng nước ao hồ bị nhiễm khuẩn. Có kế hoạch định kỳ tẩy giun sán, phun thuốc diệt rận rệp., ghẻ lở, (ký sinh trùng ngoài da cho đàn lợn).

6. Thường xuyên dõi quan sát và có nhật ký quản lý đàn lợn; phát hiện sớm và kịp thời lợn bị bệnh, tiến hành nuôi các ly theo dõi. Khi lợn chết do bệnh hoặc không rõ nguyên nhân phải báo với cơ quan thú y gần nhất và thực hiện tiêu hủy theo quy định. Các trang trại chăn nuôi cần thiết kế, bố trí diện tích đất để chôn xác động vật chết theo yêu cầu.

7. Mật độ nuôi cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và sức đề kháng của vật nuôi. Khi nuôi với mật độ cao, diện tích quá chật hẹp sẽ làm chuồng trại  kém thông thoáng, dễ phát sinh dịch bệnh, do đó mật độ nuôi phải theo quy định mật độ, diện tích cho vật nuôi tối thiểu để đảm bảo sự sinh trưởng của lợn đạt hiệu quả tối ưu.

8. Khuyến cáo các trang trại chăn nuôi lợn nên đầu tư, áp dụng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát, điều hòa ẩm độ, không khí; chủ động từ khâu con giống đầu vào đến nuôi thương phẩm; chủ động tham gia chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ và ổn định thị trường. Nếu trang trại phải mua lợn giống từ bên ngoài vào cần thực hiện nghiêm túc về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ lợn và bắt buộc phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng giống của cơ sở sản xuất cung ứng giống kèm theo, được chứng nhận an toàn dịch bệnh, vận chuyển trên xe tải chuyên dụng đã khử trùng sạch sẽ và phải nuôi cách ly từ 30 - 40 ngày nếu an toàn mới được nhập trại.

9. Có biện pháp xử lý chất thải hữu hiệu như xây rãnh thu gom xử lý chất thải, hệ thốnghầm biogas, hố lắng lọc, ao hồ sinh học, hồ điều hòa, máy tách phân, trồng cây xanh… , thực hiện quy trình xử lý mầm bệnh, ký sinh trùng có trong phân, nước tiểu, chất thảicủa lợn bằng các biện pháp sinh học, hóa học hoặc ủ nhiệt; đầu tư nâng cấp, sửa chữa hạ tầng, chuồng trại chăn nuôi, tạo cảnh quan, sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe vật nuôi và cộng đồng.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết trình tự, các bước công việc để người chăn nuôi áp dụng, thực hiện hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, nhằm phòng chống dịch bệnh nói chung, bệnh dịch tả lợn Châu phi nói riêng../.

Nguồn tin: Phòng Chăn nuôi
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 26082


Các tin khác:
 Kỹ thuật làm đệm lót lên men trong chăn nuôi lợn (19/03/2019)
 Kỹ thuật chăn nuôi gà đẻ trứng (20/02/2019)
 Kỹ thuật chăn nuôi lợn sau cai sữa (19/02/2019)
 Chăn nuôi lợn an toàn sinh học - giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững và hiệu quả (16/01/2019)
 Kỹ thuật chăn nuôi gà giống (16/01/2019)
 Kỹ thuật chăn nuôi lợn nái (10/01/2019)
 Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2018 thực hiện Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm, tỉnh Thanh Hóa (khoản vay bổ sung, vốn vay WB) (02/11/2018)
 Tổ hợp tác chăn nuôi Minh Sơn, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn Thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu (03/10/2018)
 Tổ hợp tác chăn nuôi Hoằng Thắng, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa Thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu (03/10/2018)
 Tổ hợp tác chăn nuôi Quảng Hòa, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu (03/10/2018)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang