Số lượt truy cập
Hôm nay 25698
Hôm qua 39190
Tuần này 130402
Tháng này 3168228
Tất cả 192963812
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 13/09/2021
Một số biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão.

Mưa bão là yếu tố bất lợi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe gia súc, gia cầm; là điều kiện thuận lợi gây phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão, để tăng sức khỏe cho gia súc, gia cầm, tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của ngoại cảnh và sự đe dọa của bệnh dịch là rất cần thiết.

Để chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe đàn vật nuôi trong mùa mưa bão và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cũng như giảm bớt thiệt hại do bão lũ gây ra, người chăn nuôi cần thực hiện  tốt  một số biện pháp kỹ thuật sau:

1. Theo dõi thông tin thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng.

Hàng ngày cần chú ý theo dõi thông tin về diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp kỹ thuật, che chắn để bảo vệ đàn vật nuôi.

2. Chủ động kiểm tra, nâng cấp, cải tạo chuồng nuôi.

Trước thời điểm xảy ra mưa bão cần tu sửa, gia cố chuồng nuôi vững chắc. Gia cố lại mái chuồng để hạn chế tốc mái khi có bão. Kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.

Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế ngập úng khi mưa to. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt.

Những ngày mưa to, gió lớn cần có hệ thống che chắn tránh gió lùa (nhất là đối với chuồng gia súc, gia cầm non vì chúng rất mẫn cảm với thời tiết) bố trí sao cho tiện lợi, tốt nhất là dùng hệ thống bạt che xung quanh cho xuống và kéo lên để đảm bảo thuận lợi.

Khi có mưa gió cần che chắn nhanh song cũng tạo sự thông thoáng nhanh để không khí luôn được lưu thông, chuồng nuôi luôn được khô ráo, hạn chế ẩm ướt.

3. Về chăm sóc, nuôi dưỡng

Đây là một trong những biện pháp rất quan trọng để GSGC nâng cao sức đề kháng chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Biện pháp tích cực nhất là thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phù hợp với giống, lứa tuổi, tính biệt và mục đích sản xuất của từng loại vật nuôi

Cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng trong mùa mưa bão, cụ thể:

- Đối với trâu, bò: Cần dự trữ thức ăn xanh, thức ăn khô: ủ chua cỏ, cỏ khô, rơm rạ khô, thân cây bắp…;

- Đối với lợn, gia cầm: Dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn tinh (thức ăn hỗn hợp) phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gia súc, gia cầm.

Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.

- Cung cấp đầy đủ nước sạch hàng ngày, không để con vật uống nước bẩn, nước ngập úng tại khu vực chuồng nuôi.

Đối với vật nuôi đang trong thời gian mang thai, đang nuôi con, các loại gia súc non cần bổ sung vào thức ăn các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật.  

Đối với những ngày mưa bão lớn thường hay mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, trấu… để sưởi ấm.

Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầm đến tuổi xuất bán thì nên xuất bán để hạn chế khả năng rủi ro do bão lũ.

4. Chủ động vệ sinh, phòng bệnh

Cần chủ động quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi. Định kỳ vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh có trong môi trường.

Đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi.

Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y, cụthể như sau:

+ Đối với trâu, bò: Tiêm phòng bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng.

+ Đối với heo: Tiêm phòng Dịch tả heo, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Lở mồm long móng, Tai xanh…

+ Đối với gia cầm: Vịt, ngan cần tiêm phòng Dịch tả vịt, Viêm gan do vi rút, Cúm gia cầm, Tụ huyết trùng…; Gà cần tiêm phòng vaccine Niu cát xơn, Gumboro, Cúm gia cầm, …

Bổ sung các loại vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa cho GSGC khi thời tiết bất lợi.

Thăm khám kịp thời cho con vật, khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm); cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ấm cho con vật. Nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực.

Lưu ý: Đối với những nơi hay xảy ra ngập úng cần:

- Khẩn trương, kịp thời sơ tán GSGC đến khu vực cao, kể cả đưa con vật vào các nơi ở tạm, khu đất cao, chuồng nuôi nhốt làm tạm, dùng vật dụng che chắn tránh để chúng bị mưa ướt nước.

- Khi nước rút cần vệ sinh cơ giới, khơi thông cống rãnh ngay, đồng thời tẩy uế môi trường, phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột để hạn chế và ngăn chặn mầm bệnh, đồng thời áp dụng tốt các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh để nâng cao sức khỏe cho con vật./.


Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Duy - TTKN Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 13650


Các tin khác:
 Sử dụng Vitamin C trong chăn nuôi. (17/08/2021)
 Vụ chiêm xuân 2021 - Thanh Hóa được mùa toàn diện. (17/07/2021)
 Thanh Hoá: Phát triển các mô hình liên kết sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế vụ Đông Xuân 2020 – 2021. (17/07/2021)
 Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi vịt biển tại xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. (12/07/2021)
 Nguy cơ xâm nhập bệnh lùn sọc đen hại lúa Mùa. (17/06/2021)
 Chăm sóc lúa mùa sau cấy (16/06/2021)
 Khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa trong vụ mùa. (04/06/2021)
 Một số vấn đề lưu ý khi sử dụng thức ăn chăn nuôi gà (15/04/2021)
 Một số lưu ý khi thu gom và bảo quản trứng ấp. (15/04/2021)
 Bệnh thán thư trên cà chua và biện pháp phòng trừ (15/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang