Số lượt truy cập
Hôm nay 23087
Hôm qua 58866
Tuần này 186657
Tháng này 3224483
Tất cả 193020067
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 22/04/2021
Giải pháp cho chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi

Với lợi thế về diện tích chăn thả và điều kiện khí hậu thuận lợi, những năm gần đây, người dân ở các huyện miền núi đã áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong chăn nuôi gia súc; thay đổi dần tập quán chăn nuôi tự phát, lạc hậu trước đây. Nhờ vậy, chất lượng, tầm vóc đàn trâu, bò được cải thiện, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế, những năm qua, huyện Như Thanh đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi nói chung và phát triển chăn nuôi gia súc nói riêng. Theo đó, huyện chỉ đạo các địa phương lựa chọn các hộ chăn nuôi có đủ điều kiện thực hiện hỗ trợ mua trâu, bò giống để phối trực tiếp với đàn bò địa phương, nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc cho đàn gia súc trên địa bàn, từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Mỗi năm, huyện tổ chức phối giống cho từ 600 đến 800 con trâu, bò cái sinh sản. Các biện pháp khoa học - kỹ thuật đã được áp dụng, như: Sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc; sử dụng tinh bò BBB phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt, sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah phối giống cho đàn trâu cái... Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện hỗ trợ các địa phương mua trâu, bò đực giống; xây dựng công trình xử lý chất thải; tiền công tiêm phòng cho đàn trâu, bò... Để chủ động nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi, các địa phương trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất cây thức ăn chăn nuôi, với tổng diện tích hơn 600 ha, như: cỏ voi, cỏ VA06, Mulato, ngô dày..., năng suất bình quân gần 300 tấn/ha/năm. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến nay, toàn huyện có hơn 6.500 con bò và hơn 7.500 con trâu. Để phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững, huyện Như Thanh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thủ tục hành chính nhanh, gọn..., tạo sức hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Điển hình là dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại xã Phú Nhuận với quy mô 2.000 con bò, trên diện tích 34 ha. 

Phát triển chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân xã Phú Nhuận (Như Thanh).

Tại huyện Lang Chánh, để chăn nuôi gia súc phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và trở thành thế mạnh của địa phương, huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, lồng ghép nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... để tạo điều kiện cho người dân giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát, gia trại, trang trại. Chỉ đạo các xã có tổng đàn gia súc từ 1.000 con trở lên, nằm trong vùng trọng điểm phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi gia súc có số lượng từ 10 con trở lên đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Chọn lọc, cải tạo nâng cao chất lượng giống trâu, bò bản địa thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp với các giống có năng suất, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng định kỳ, tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi. Công tác phòng chống rét trong mùa đông cho đàn vật nuôi cũng được chính quyền, người dân quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, số lượng và chất lượng đàn gia súc của huyện Lang Chánh đã được nâng lên và đến nay, đàn trâu, bò có hơn 15.000 con.

Hiện nay, 11 huyện miền núi trong tỉnh đều ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững qua các mô hình nhằm nâng cao chất lượng đàn trâu, bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ; chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ cũng góp phần nâng cao tỷ lệ sinh sản của đàn trâu cái, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ; nâng cao trọng lượng nghé sơ sinh, khối lượng trâu ở các lứa tuổi, phục hồi chất lượng đàn trâu... Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi với các dự án lớn, như: Dự án chăn nuôi bò Úc của Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước tại xã Lương Trung, dự án phát triển trang trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao tại xã Lộc Thịnh (Ngọc Lặc), chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Như Xuân,... đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại 8/11 huyện miền núi. Vì vậy, để khống chế lây lan dịch bệnh, các địa phương cần nhanh chóng thống kê, rà soát tổng đàn trâu, bò để phát hiện sớm trâu, bò mắc bệnh trên địa bàn và có phương án xử lý kịp thời. Các xã có dịch thành lập tổ công tác phòng, chống dịch để điều tra tổng đàn, nắm chắc tình hình dịch bệnh và thực hiện cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền địa phương không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường. Thực hiện nuôi nhốt, không thả rông trâu, bò trong vùng dịch. Phun thuốc tiêu độc, khử trùng, diệt côn trùng tại nơi nuôi nhốt, bãi chăn thả; đồng thời triển khai tiêm phòng vắc-xin bao vây ổ dịch...

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 16540


Các tin khác:
 Thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh (15/04/2021)
 Tiêm phòng khẩn cấp vắc - xin phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh (15/04/2021)
 Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (08/04/2021)
 189.850 con trâu, bò được tiêm vắc - xin viêm da nổi cục (08/04/2021)
 Áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao tầm vóc đàn gia súc (31/03/2021)
 Thanh Hóa hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng cho các hộ dân có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi (25/03/2021)
 Khó khăn trong thực hiện chứng nhận cho các trang trại đạt tiêu chí (25/03/2021)
 Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (16/03/2021)
 Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò (05/03/2021)
 Thực hiện tái đàn gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán (28/02/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang