Số lượt truy cập
Hôm nay 32145
Hôm qua 39190
Tuần này 136849
Tháng này 3174675
Tất cả 192970259
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 17/05/2021
Ngành trồng trọt tiếp đà tăng trưởng

Năm 2021, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3% trở lên, sản lượng lương thực giữ mức 1,5 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, toàn tỉnh phấn đấu trong năm gieo trồng 407.000 cây trồng các loại. Trong đó, vụ đông xuân gieo trồng 201.000 ha, vụ thu mùa gieo trồng 156.000 ha và vụ đông gieo trồng đạt 50.000 ha. Phấn đấu giá trị sản xuất bình quân đạt 92 triệu đồng/ha/năm.

Ngành nông nghiệp xác định, việc hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra trong sản xuất ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh bù đắp lại những thiếu hụt, thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời, bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực trong điều kiện dịch bệnh diễn biến bất thường.

Ngay từ đầu năm, cùng với việc xây dựng kế hoạch sản xuất lĩnh vực trồng trọt năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng phương án sản xuất theo từng vụ cụ thể. Qua đó, giao chỉ tiêu cụ thể về diện tích, năng suất, sản lượng của các đối tượng cây trồng chính cho từng đơn vị, địa phương thực hiện. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm bảo đảm phát triển sản xuất.

Nông dân xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa) chăm sóc lúa đông xuân 2020-2021.

Trên cơ sở nhận định diễn biến, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, lĩnh vực trồng trọt các loại cây trồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và sẽ tập trung vào các loại cây trồng xuất khẩu hoặc được sử dụng chế biến để phục vụ xuất khẩu, cụ thể như: ớt xuất khẩu, sắn nguyên liệu, dưa bao tử. Việc ảnh hưởng chủ yếu sẽ là khâu tiêu thụ gặp khó khăn. Do đó, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã chủ động định hướng cho các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất và phát triển bền vững. Theo đó, các địa phương đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng khác mà thị trường nội còn dư địa, như: rau ăn lá, cây thức ăn chăn nuôi, ngô thay thế diện tích trồng các loại cây xuất khẩu.

Tại huyện Hoằng Hóa, để hoàn thành mục tiêu gieo trồng 12.700 ha cây trồng các loại; đồng thời, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, huyện đã khuyến cáo bà con nông dân mở rộng trà lúa xuân chính vụ và xuân muộn, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai ngắn ngày đạt năng suất, chất lượng cao và đưa vào gieo cấy đại trà, để vừa tạo quỹ thời gian gieo trồng các vụ tiếp theo, vừa bảo đảm được năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế. Đối với diện tích trồng các loại cây rau, màu, huyện chỉ đạo, khuyến cáo người dân chỉ sản xuất những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường, có đầu ra ổn định. Trong đó, ưu tiên các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, gắn với tiêu thụ, phục vụ chế biến, có sức tiêu thụ nội địa lớn. Cùng với đó, giảm diện tích trồng các loại cây xuất khẩu, nhất là những loại cây xuất khẩu được các thương lái thu mua để xuất qua đường tiểu ngạch. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng kinh tế; nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động làm đơn vị trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và các hộ dân trong việc thực hiện liên kết sản xuất các loại rau màu xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao.

Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, từ đầu năm đến nay, huyện Hoằng Hóa đã gieo trồng được 9.076 ha cây trồng hàng năm, đạt 99,8% kế hoạch. Đáng chú ý, nhờ tập trung thực hiện có hiệu quả giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nên trong vụ đông xuân năm nay, toàn huyện có 373,5 ha sản xuất theo hợp đồng kinh tế về liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều chủ động tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, cùng với việc hoàn thành mục tiêu về diện tích gieo trồng cây hàng năm trong vụ đông xuân 2020-2021, các địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế. Năm nay, thực hiện theo định hướng của ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung mở rộng diện tích lúa sản xuất theo chuỗi giá trị và các cây trồng hàng hóa gắn với tiêu thụ, chế biến, như: ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô ngọt, khoai tây... Ưu tiên trồng các loại cây có thể thực hiện sơ chế thủ công, thời gian bảo quản dài, như: ngô, khoai tây, hành, tỏi, bí đỏ, cây gai xanh...

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, từ đầu năm đến hết tháng 4-2021, toàn tỉnh đã gieo trồng được 196.213,6 ha cây trồng các loại, đạt 97,6% kế hoạch. Đáng chú ý, trong vụ đông xuân này, một số nhóm cây trồng hiệu quả kinh tế thấp đã giảm, như: nhóm cây lương thực gieo trồng được 129.136 ha, giảm 1,7% so với cùng kỳ (CK); nhóm cây chất bột có củ gieo trồng được 15.973 ha, giảm 7,9% so với CK; cây mía gieo trồng được 15.252 ha, giảm 18,3% so với CK. Một số nhóm cây hàng hóa, phục vụ chế biến, đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định, tăng, như: nhóm cây lấy sợi gieo trồng được 1.876 ha, tăng 5,6% so với CK; nhóm rau, đậu các loại và hoa gieo trồng được 16.027 ha, tăng 5,8% so với CK; nhóm cây gia vị, dược liệu, hương liệu gieo trồng đạt 3.712 ha, tăng 4,2% so với CK. Trong vụ, giá các loại vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, chi phí sản xuất đối với một số đối tượng cây trồng chính ở mức tương đương so CK, nên lợi nhuận một số cây trồng chính được đánh giá sẽ khá ổn định, như: cây lúa thu nhập 43,52 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận bình quân đạt 18 triệu đồng/ha/vụ; lạc thu nhập 51,8 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 24 triệu đồng/ha/vụ; ớt thu nhập 280 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 164 triệu đồng/ha/vụ; khoai tây thu nhập 154 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 106 triệu đồng/ha/vụ; cây thức ăn chăn nuôi thu nhập 42,5 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 21 triệu đồng/ha/vụ...

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương xác định, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, cùng với việc chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, thời gian qua, các đơn vị, địa phương và bà con nông dân đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, bảo đảm mục tiêu về sản lượng.

Hiện nay, hầu hết cây trồng được gieo trồng trong vụ đông xuân đang bước vào giai đoạn cuối vụ, chuẩn bị thu hoạch. Đây là thời điểm quyết định đến năng suất và sản lượng của toàn vụ. Vì vậy, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương và bà con nông dân sẽ tiếp tục thực hiện công tác phòng, trừ sâu bệnh cuối vụ. Tập trung điều tiết nước hợp lý trên diện tích lúa đang trỗ, chín sữa, duy trì việc tưới đủ ẩm cho cây trồng cạn, kết hợp việc tích trữ, sử dụng tiết kiệm nước để chuẩn bị cho sản xuất vụ thu mùa 2021. Tổ chức thu hoạch, phơi sấy nhanh gọn lúa và các loại cây trồng khác khi đến thời điểm thu hoạch để phòng tránh, giảm nhẹ tổn thất do mưa giông gây ra; đồng thời, tạo điều kiện giải phóng đất để gieo trồng vụ thu mùa trong khung thời vụ tốt nhất. Kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, HTX, các doanh nghiệp, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên kết.

Ngay sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, bà con nông dân sẽ bước vào sản xuất vụ thu mùa 2021. Do đó, để tiếp đà tăng trưởng, trước mắt cùng với việc thực hiện phát triển sản xuất theo phương án đã xây dựng, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo bà con nông dân mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm, hạn chế tối đa trà mùa muộn, vừa bảo đảm sản xuất an toàn, đồng thời tạo ra quỹ đất để triển khai sản xuất vụ đông. Lựa chọn bộ giống bảo đảm tiêu chuẩn, có thời gian sinh trưởng phù hợp, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt để đưa vào gieo trồng. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống phù hợp, tập trung vào chuyển đổi diện tích sắn bị nhiễm nặng bệnh khảm lá sang trồng cây khác, chuyển đổi diện tích cây lâu năm kém hiệu quả, vườn tạp và đang trồng cây khác trên diện tích đã xác định phát triển vùng sản xuất cây gai nguyên liệu sang trồng gai vụ thu mùa đảm bảo kế hoạch giao; chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, tưới tiêu không chủ động trong vụ mùa sang cây trồng cạn như ngô, rau màu, cây thức ăn chăn nuôi. Tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trồng trọt; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường; quan tâm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; hạn chế tình trạng sản xuất không đáp ứng nhu cầu thị trường hoặc dư thừa nông sản gây thất thiệt cho người sản xuất. Cùng với đó, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, rà soát đánh giá nhu cầu thị trường, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương, xác định các sản phẩm trồng trọt có lợi thế trên địa bàn để định hướng phát triển sản xuất hợp lý theo nhu cầu thị trường. Dịch bệnh COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, vì vậy ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục định hướng cho bà con nông dân tập trung sản xuất các loại nông sản có thể bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Đối với các loại sản phẩm tiêu thụ, sử dụng tươi, khó bảo quản trong thời gian dài, phải căn cứ nhu cầu thị trường nội địa, lợi thế tuyệt đối để sản xuất. Ưu tiên các đối tượng cây trồng được sản xuất theo hợp đồng. Tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp để đẩy mạnh liên kết sản xuất các loại lúa giống lúa lai F1, lúa thuần chất lượng. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước thông qua hệ thống kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân; tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp chủ động đón bắt thời cơ mới.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 18066


Các tin khác:
 Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi (10/05/2021)
 Huyện Hậu Lộc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả bền vững (10/05/2021)
 Tăng cường các biện pháp phòng, trừ bệnh khảm lá sắn (06/05/2021)
 Nâng cao năng lực dự báo, giám sát phòng, trừ dịch hại trên cây trồng (02/05/2021)
 Tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng cuối vụ (02/05/2021)
 Kết quả tích tụ, tập trung đất đai tại huyện Đông Sơn (29/04/2021)
 Kết quả bước đầu tích tụ, tập trung đất đai (26/04/2021)
 Để cây ăn quả phát triển bền vững: Tiềm năng phát triển cây ăn quả (23/04/2021)
 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn (12/04/2021)
 Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp (08/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang