Số lượt truy cập
Hôm nay 20209
Hôm qua 58866
Tuần này 183779
Tháng này 3221605
Tất cả 193017189
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 10/04/2023
Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi

Thanh Hóa hiện có 2.524 công trình thủy lợi đầu mối; trong đó có 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm. Hệ thống hạ tầng thủy lợi đã và đang phục vụ tưới, tiêu ổn định cho 310.000 ha đất gieo trồng cây hàng năm. Nhiều năm qua, việc quản lý và vận hành các công trình thủy lợi đều được các đơn vị, địa phương thực hiện tốt, cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đa phần công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng lâu năm, không đồng bộ, việc đại tu, sửa chữa lại hạn chế, nên nhiều công trình đã xuống cấp.

Công trình Cống Nguyễn tại xã Xuân Lộc (Hậu Lộc) được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm công tác tiêu thoát lũ.

Hiện nay, việc đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao năng lực tưới tiêu, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để có nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã và đang thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư sửa chữa, xây mới các công trình thủy lợi. Trong đó, các đơn vị luôn ưu tiên nguồn vốn để triển khai nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, nhất là đối với các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn. Cùng với đó, chính quyền các địa phương luôn nỗ lực huy động nguồn vốn từ công tác xã hội hóa, sự đóng góp ngày công, tiền của Nhân dân để xây mới hệ thống kênh mương, kênh dẫn phục vụ công tác tưới, tiêu nội đồng.

Thông qua việc thực hiện giải pháp, nhiều địa phương đã dần hoàn thiện, phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi. Đơn cử như huyện Thường Xuân, qua quá trình đầu tư phát triển hạ tầng, đến nay, toàn huyện đã đầu tư được 7 công trình hồ đập, kiên cố hóa được 226km kênh mương. Đáng chú ý, hệ thống kênh Bắc chạy qua các xã Lương Sơn, Ngọc Phụng, Thọ Thanh và Xuân Dương với chiều dài 5,3km kênh chính và 12,95km kênh nhánh đã được đầu tư hệ thống đường ống sợi thủy tinh, có 15 nhà van và 16 van chặn. Nhờ đó, diện tích chủ động được nước tưới trên địa bàn huyện ngày càng tăng, đạt 88%, tương đương với 5.500 ha.

Tại huyện Nga Sơn, thông qua việc huy động các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm tưới, tiêu; kiên cố hóa hệ thống kênh tưới và các trục kênh tiêu liên xã phục vụ việc tưới tiêu chủ động cho diện tích sản xuất nông nghiệp. Tính riêng những tháng đầu năm 2023, huyện đã huy động Nhân dân, máy móc tổ chức nạo vét kênh nội đồng, thủy lợi mặt ruộng đạt khối lượng 36.764m3. Tiến hành cải tạo, sửa chữa 18 công trình thủy lợi nội đồng. Hiện trên địa bàn huyện có 48 trạm bơm tưới, với tổng lưu lượng bơm là 173.180m3/h; có 81,3km kênh tưới và 658,1km kênh tưới, tiêu nội đồng trên địa bàn huyện đã được sửa chữa, duy tu và nạo vét, bảo đảm các thông số kỹ thuật. Với hệ thống tưới, tiêu nói trên, toàn huyện có 8.134/8.300 ha sản xuất nông nghiệp chủ động được nguồn nước tưới, tiêu, đạt 98% diện tích.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ năm 2016 đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 301 công trình thủy lợi đầu mối được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hoàn thiện; trong đó có 104 công trình hồ chứa nước, 130 đập dâng, 67 trạm bơm. Hiện tại, có 69 công trình thủy lợi đang được thi công; trong đó, hồ chứa 36 công trình, đập dâng 11 công trình, trạm bơm 10 công trình, kênh mương 12 công trình. Tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng thủy lợi đều được đầu tư đồng bộ, kiên cố, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 95% diện tích cây trồng.

Để tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tình trạng của các công trình thủy lợi, từ đó đề xuất, xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp phù hợp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đang thi công để sớm đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất, vượt lũ, chống lũ an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 6835


Các tin khác:
 Những “cỗ máy thủy lợi” khổng lồ ở vùng cao xứ Thanh (06/03/2023)
 Chủ động phục vụ nước tưới và đối phó với nguy cơ xảy ra khô hạn cây trồng vụ đông xuân (25/12/2022)
 Rà soát các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh (07/09/2022)
 Hội nghị tập huấn “Xử lý giờ đầu sự cố đê điều trong mùa mưa lũ, bão và triển khai các văn bản mới trong PCTT&TKCN” tại UBND thị xã Nghi Sơn (04/08/2022)
 Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện Thường Xuân (30/05/2022)
 Nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022 (23/05/2022)
 Sửa chữa, nâng cao an toàn đập và hồ chứa nước Thung Bằng (13/03/2022)
 Chủ động phòng, chống ngập lụt, úng và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ảnh hưởng của mưa lớn (08/10/2021)
 An toàn hồ đập - nỗi lo thường trực mùa mưa bão (29/09/2021)
 Huyện Hà Trung bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão (29/09/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang