Số lượt truy cập
Hôm nay 23219
Hôm qua 39190
Tuần này 127923
Tháng này 3165749
Tất cả 192961333
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 22/03/2021
Khôi phục và phát triển rừng lim xanh

Từ trung tâm huyện lỵ Như Thanh đi về phía Tây Nam đến xã Xuân Thái khoảng 25 cây số. Con đường quanh co uốn lượn dẫn chúng tôi đi qua những vạt rừng xanh thẫm. Trên đất cằn sỏi đá, nhờ công sức, trí tuệ của con người, màu xanh của những cánh rừng nơi đây như càng xanh thêm màu xanh của sự sống, của bình yên...

Đến thăm các khu rừng lim xanh tại xã Xuân Thái, chúng tôi không khỏi trầm trồ khi đứng trước một số cây lim già hàng chục năm tuổi. Tuy được trồng xen giữa một rừng keo nhưng các cây lim của gia đình anh Vi Văn Hữu, thôn Ao Ràng, xã Xuân Thái rất dễ nhận ra bởi thân gỗ lớn thẳng tròn vươn cao, lá màu xanh đậm. Anh Hữu cho biết: “Cùng với keo những cây lim trong khu rừng của tôi được thường xuyên chăm sóc, tỉa cành nhánh, phát cỏ, dọn thực bì để cây phát triển tốt kết hợp phòng cháy rừng”. Gia đình anh Hữu cùng với cán bộ kiểm lâm và ban quản lý thôn, bản, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, tuần tra rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng (BVR) lim xanh. Do chủ động chăm sóc và bảo vệ nên toàn bộ diện tích rừng của gia đình anh, đặc biệt cây lim xanh phát triển xanh tốt, rừng được bảo vệ an toàn... Không chỉ gia đình anh Hữu mà còn nhiều hộ gia đình khác ở xã Xuân Thái đã thực hiện khoanh nuôi, phục tráng và bảo vệ được rừng lim xanh. 

Kỹ sư, công nhân Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân chăm sóc cây lim giống tại vườn ươm phục vụ khôi phục, phát triển rừng lim xanh.

Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Thái: Xã có 8.500 ha rừng tự nhiên và 2.000 ha rừng trồng. Rừng lim tập trung chiếm khoảng 20 ha, còn lại phân bố rải rác. Mặc dù địa bàn quản lý rộng, giao thông thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, hàng năm thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài nhưng rất mừng tình hình an ninh rừng trên địa bàn xã cơ bản ổn định. Toàn bộ diện tích rừng, trong đó có lim xanh đã được bảo vệ an toàn, góp phần phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên bền vững.

Đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Như Thanh cho biết: Trên địa bàn huyện Như Thanh có khoảng 60 ha lim xanh tái sinh, được giao cho chủ rừng Nhà nước và các hộ gia đình khoanh nuôi, phục tráng. Các năm vừa qua, huyện Như Thanh đã ban hành cơ chế, chính sách phát triển rừng gỗ lớn; khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh, khuyến khích các hộ gia đình tích cực chăm sóc, BVR; xây dựng và nhân rộng mô hình trồng rừng lim xanh; hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc để khôi phục và phát triển rừng lim xanh.

Hạt Kiểm lâm Như Thanh quan tâm chỉ đạo kiểm lâm viên tăng cường xuống xã, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tuyên truyền thực hiện Luật Lâm nghiệp; chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ... về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng, triển khai thực hiện đầy đủ phương án, kế hoạch quản lý, BVR, phương án BVR vùng trọng điểm, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”... Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BVR, PCCCR; khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh có hiệu quả.

Cùng với huyện Như Thanh, Như Xuân cũng là địa bàn có diện tích rừng lim xanh lớn của tỉnh. Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho hay: Diện tích rừng lim xanh trên địa bàn huyện đang được các hộ gia đình thuộc các xã: Bình Lương, Xuân Hòa, Hóa Quỳ, thị trấn yên Cát,... khoanh nuôi bảo vệ, sinh trưởng phát triển tốt. Huyện đang tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình tích cực chăm sóc, BVR; xây dựng và nhân rộng mô hình trồng rừng lim xanh hỗn giao với các loài cây lâm nghiệp khác như keo; hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc để khôi phục và phát triển rừng lim xanh.

Thanh Hóa có điều kiện khí hậu, lập địa tương đối phù hợp với sinh trưởng, phát triển của lim xanh. Trên địa bàn tỉnh ta, lim xanh phân bố chủ yếu nhiều nhất với gần 20.000 ha tại các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành, Hà Trung... Lim xanh có tên khoa học là Erythrophloeum fordii oliv thuộc họ vang, là cây lâm nghiệp đặc trưng, bản địa của tỉnh Thanh Hóa. Đây là loài nguy cấp, quý, hiếm, hạn chế khai thác, sử dụng. Lim xanh là cây gỗ lớn rất bền, thường dùng trong xây dựng, đồ mộc cao cấp. Không chỉ có vậy, nấm lim xanh còn có giá trị rất cao trong y tế, chăm sóc sức khỏe con người. Nhận thức được giá trị về kinh tế, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học của lim xanh, trước năm 1945, người Pháp đã tổ chức trồng hàng chục ngàn ha lim xanh tại Phố Vạc (Cẩm Thủy); Mục Sơn (Thọ Xuân)... Sau kháng chiến chống Pháp, năm 1956 Thanh Hóa được Chính phủ giao khai thác gỗ lim và gỗ hồng sắc để xẻ tà vẹt khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc Nam. Do khai thác quá mức và kéo dài hàng chục năm liên tục, khai thác không gắn với phát triển nên trong khoảng 30 năm, các khu rừng lim xanh đã bị khai thác ngày càng cạn kiệt.

Đến nay, toàn tỉnh chỉ có hơn 20.000 ha rừng có lim xanh tương đương hơn 10% diện tích rừng lim xanh trước đây. Do nhiều nguyên nhân mà số lượng và chất lượng cây lim xanh còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, điều kiện sinh thái.

Để khôi phục và phát triển rừng lim xanh trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đánh giá cụ thể thực trạng, những khó khăn cũng như tiềm năng, thế mạnh trong phát triển rừng lim xanh, thời gian vừa qua, ngành lâm nghiệp Thanh Hóa đã đề ra một số giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân và cộng đồng về giá trị kinh tế, văn hóa, khoa học, môi trường gắn với đời sống cộng đồng. Trước mắt, tuyển chọn những cây lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, đủ tiêu chuẩn công nhận cây trội lấy giống, chủ động nguồn giống phục vụ gieo ươm. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô đối với lim xanh để tạo giống có chất lượng cao, sạch bệnh, với số lượng lớn, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu trồng rừng hàng năm. Tập trung huy động và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả khôi phục và phát triển rừng lim xanh. Với phương châm, nơi nào đã có diện tích lim thì cần tập trung khôi phục, bảo vệ, nơi nào có khả năng trồng được thì khuyến khích phát triển, mục tiêu là trồng rừng tập trung và phân tán, phù hợp với hệ sinh thái. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 7 huyện đang có diện tích lim xanh do cộng đồng và các chủ rừng Nhà nước quản lý. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế kêu gọi hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đối với rừng tự nhiên, rừng trồng có lim xanh, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới và nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.

Kết quả, từ năm 2018 đến nay, thực hiện các chương trình, dự án về lâm nghiệp, các năm vừa qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng lim. Tính đến tháng 3-2021, toàn tỉnh đã tổ chức trồng lim xanh hỗn giao với các loài cây như luồng, keo tai tượng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trồng phân tán, trồng bổ sung được gần 4.000 ha rừng lim, đưa tổng số rừng lim xanh của Thanh Hóa hiện nay lên gần 24.000 ha. Nhìn chung, rừng lim trồng mới sinh trưởng, phát triển tốt. Mục tiêu đặt ra là rừng lim xanh Thanh Hóa sẽ sớm được khôi phục, xây dựng thương hiệu một trong bốn loài gỗ tứ thiết của Việt Nam: “Đinh, lim, sến, táu”. Đồng thời, bảo tồn, phát triển bền vững nguồn gen cây lim xanh, phát huy những giá trị về văn hóa, khoa học, môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi tỉnh ta.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 19812


Các tin khác:
 Phát huy lợi thế phát triển lâm nghiệp, khai thác bền vững rừng trồng (16/03/2021)
 Bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (28/02/2021)
 Đánh giá khả năng thích nghi của cây mắc ca trên địa bàn Thanh Hóa (03/02/2021)
 Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (01/02/2021)
 Tăng cường đấu tranh chống khai thác và vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép (01/02/2021)
 Thanh Hóa triển khai kế hoạch trồng cây, trồng rừng năm 2021 (29/01/2021)
 Thanh Hóa tăng cường bảo vệ rừng và truy xuất nguồn gốc cây đào (26/01/2021)
 Thanh Hóa thâm canh phục tráng được 12.980 ha luồng (15/01/2021)
 Đẩy mạnh trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng (30/11/2020)
 Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Bá Thước (30/11/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang