Số lượt truy cập
Hôm nay 42948
Hôm qua 39190
Tuần này 147652
Tháng này 3185478
Tất cả 192981062
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 18/01/2021
Phát triển các cây trồng chủ lực

Trên cơ sở phân tích sự phù hợp về điều kiện, trình độ canh tác và xu thế của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh ta đã định hướng phát triển 6 loại cây trồng chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt, gồm: lúa; rau, quả; mía đường; cây thức ăn chăn nuôi; ngô và cây gai xanh.


Để phát triển các cây trồng chủ lực, những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ nhằm tăng năng suất, cải thiện chất lượng cho các cây trồng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất các loại cây trồng lợi thế để nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, du nhập, tuyển chọn và ứng dụng, mở rộng nhiều giống cây trồng nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng. Tích tụ, tập trung đất đai để hình thành, phát triển vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phục vụ chế biến và xuất khẩu. 

Diện tích trồng rau tập trung, chuyên canh tại xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa).

Thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển các cây trồng chủ lực, toàn tỉnh đã hình thành, phát triển vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích gieo trồng năm 2020 ước đạt 158.158 ha, tăng 13,158 ha; năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha/vụ, tăng 1,5 tạ/ha; sản lượng 1,028 triệu tấn, tăng 241.200 tấn, so với năm 2015. Phát triển được 50.600 ha trồng rau, quả các loại, tăng 12.168 ha; sản lượng 580.700 tấn, tăng 138,524 tấn so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh hiện có 97 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tập trung với diện tích ước đạt 12.560 ha gieo trồng, tăng 11.196 ha so với năm 2015; sản lượng đạt 170.754 tấn. Đối với cây ăn quả, đã phát triển được 21.680 ha, tăng 7.208 ha so với năm 2015; sản lượng 30.480 tấn, tăng 9.250 tấn so với năm 2015. Diện tích trồng cây ăn quả tập trung ước đạt 7.000 ha, sản lượng đạt 216.013 tấn. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng được các vùng trồng rau, quả chuyên canh, tập trung, trên địa bàn tỉnh hiện đã thu hút được khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 219 chuỗi cung ứng an toàn; diện tích rau được sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt 8.560 ha, chiếm 17% diện tích sản xuất toàn tỉnh; trong đó, rau được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận đạt 53,1%. Cây ăn quả thu hút được 9 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm trái cây.

Mía nguyên liệu phát triển theo hướng giảm diện tích trồng, nhưng tăng năng suất, nên sản lượng vẫn bảo đảm để phục vụ chế biến của các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Hiện diện tích trồng mía nguyên liệu toàn tỉnh có 18.900 ha, sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn. Trong đó, vùng trồng mía nguyên liệu tập trung thâm canh đạt 17.200 ha. Toàn bộ diện tích mía nguyên liệu được sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh được 3 công ty chế biến mía đường liên kết với các hộ dân sản xuất, thu mua và chế biến. Cây mía nguyên liệu những năm gần đây đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ cấu, chủng loại, chất lượng giống mía; đến nay đã xác định cơ bản được bộ giống chủ lực, với 13 giống, giảm 12 giống so với năm 2015, đáp ứng nhu cầu rải vụ, bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động, gồm nhóm chín sớm, như: Quế đường 93-159, VĐ 00236, ROC 16; nhóm chín trung bình: ROC10, ROC22, LK92-11, VĐ55, Viên Lâm 6, LS1, LS2; nhóm chín muộn: MY, Viên Lâm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc đưa các giống mía mới có năng suất, chữ đường cao vào sản xuất. Đến nay, đã du nhập, khảo nghiệm 7 giống mía mới có năng suất, chữ đường cao vào sản xuất; ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống mía và hàng năm sản xuất trên 3 triệu cây phục vụ trồng mới khoảng 4.000 - 4.500 ha mía nguyên liệu; đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất mía tập trung, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất mía: Làm đất 83,8%, gieo trồng 1,8%, thu hoạch 7,7%, vận chuyển 70,7%.

Cây thức ăn chăn nuôi hiện đã phát triển được 12.700 ha, tăng 9.000 ha; sản lượng 508.000 tấn, tăng 368.100 tấn so với năm 2015. Nhiều huyện đã phát triển được vùng cây thức ăn chăn nuôi theo hướng thâm canh, tập trung, điển hình như: Thọ Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Như Thanh, Cẩm Thủy, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành... Toàn bộ diện tích cây thức ăn chăn nuôi hiện đang được các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, bao tiêu, chế biến phục vụ thức ăn cho chăn nuôi. Cùng với đó, toàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển vùng trồng ngô thâm canh năng suất, chất lượng cao, với diện tích ước đạt 20.000 ha, năng suất 68,4 tạ/ha, sản lượng 136,88 nghìn tấn. Giống ngô mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu được đưa vào gieo trồng chiếm tỷ lệ tới 95%.

Cây gai xanh có mặt trên địa bàn tỉnh từ thế kỷ thứ XIX, nhưng chỉ được người dân trồng để lấy lá làm bánh gai và lấy sợi dệt theo phương pháp thủ công với quy mô nhỏ lẻ. Đến năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND, ngày 24-4-2018 về phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và cây gai xanh được xem là cây trồng chủ lực phục vụ chế biến. Để phát triển cây gai xanh, tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể về lộ trình phát triển cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế, điều kiện thuận lợi trồng cây gai xanh. Các địa phương nằm trong vùng phát triển cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến cũng đã và đang tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, các hộ dân phát triển cây gai xanh. Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước cũng phối hợp với UBND các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị, tiềm năng và hiệu quả kinh tế của cây gai xanh; đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình trồng gai xanh tại nhiều xã; trong đó, tập trung ưu tiên phát triển những diện tích có đủ điều kiện đầu tư thâm canh, người dân có trình độ sản xuất, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao cho những năm tiếp theo. Phối hợp với UBND các huyện xây dựng dự án phát triển và mở rộng cây gai xanh; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cây gai xanh phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương. Bên cạnh đó, luôn bảo đảm đủ nguồn cây giống chất lượng, với giá cả hợp lý để cung ứng cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới phát triển được 154,2 ha trên địa bàn của 9 huyện, với năng suất bình quân vỏ khô đạt 700kg/ha/1 lần thu hoạch và sản lượng đạt 428,7 tấn nguyên liệu.

Để tiếp tục phát triển các cây trồng chủ lực, tỉnh đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn phát triển các cây trồng chủ lực. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhất là chú trọng đầu tư các nhà máy chế biến gắn với sản xuất, để các cây trồng chủ lực phát triển theo hướng bền vững. Từ đó, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh./.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 18682


Các tin khác:
 Thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp (12/01/2021)
 Vụ đông trên những cánh đồng xứ Thanh (06/12/2020)
 Phát triển sản xuất để “nâng chất” nông thôn mới (01/12/2020)
 Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất lúa, gạo (01/12/2020)
 Nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất vụ đông (01/12/2020)
 Thanh Hóa ban hành Kế hoạch sản xuất ngành trồng trọt năm 2021 (10/11/2020)
 Để ngành nông nghiệp phát triển an toàn (03/11/2020)
 Thanh Hoá gieo trồng được hơn 33.700 ha cây trồng vụ đông (26/10/2020)
 Dấu ấn “tam nông” (26/10/2020)
 Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (24/10/2020)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang