Số lượt truy cập
Hôm nay 49500
Hôm qua 39190
Tuần này 154204
Tháng này 3192030
Tất cả 192987614
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ bảy, 29/05/2021
Nâng cao năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát triển và mở rộng diện tích sản xuất theo quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại những vùng sản xuất VietGAP, ngành nông nghiệp, các địa phương và cơ sở sản xuất đã chú trọng tập huấn, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất của người dân.

Từ năm 2019, hơn 3 ha sản xuất rau màu chuyên canh thuộc cánh đồng Tây, thôn Yên Định, xã Định Tân (Yên Định) được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi triển khai xây dựng quy trình sản xuất VietGAP, 15 hộ dân sản xuất trên cánh đồng này được tập huấn, nâng cao năng lực và ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ông Lê Văn Tĩnh, thôn Yên Định, cho biết: Để tạo ra sản phẩm đúng tiêu chuẩn VietGAP, các hộ sản xuất được tập huấn, phổ biến quy trình sản xuất, nhất là đối với những giống mới. Qua tập huấn, các hộ nắm rõ những quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thời gian cách ly cũng như quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Khu sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Yên Định, xã Định Tân (Yên Định).

Trao đổi với ông Trịnh Văn Hiểu, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Tân, được biết: Toàn xã đã xây dựng được 2 vùng sản xuất VietGAP với tổng diện tích hơn 6 ha. Hằng năm, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định, Trung tâm Khuyến nông và một số công ty liên kết sản xuất với người dân địa phương tổ chức khoảng 3 - 4 đợt tập huấn cho người dân về kỹ thuật, quy chuẩn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, hàng năm có hàng trăm tấn rau, củ, quả VietGAP của người dân được tiêu thụ trên thị trường bảo đảm chất lượng, được các cơ quan chuyên môn chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và người tiêu dùng đánh giá cao.

Thông qua việc tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng những vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện Hoằng Hóa đã phát triển được gần 60 ha cây trồng và hơn 53.000m2 nhà lưới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Tại các vùng sản xuất, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn người dân sản xuất rau theo quy trình VietGAP; từ khâu làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón,... đến kỹ thuật sơ chế, đóng gói, dán tem nhãn cho sản phẩm. Từ đó, đã làm thay đổi tập quán sản xuất của các hộ dân, tuân thủ các bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Theo tính toán của người dân, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5 đến 7 lần so với trồng lúa. Hiện nay, sản phẩm của các mô hình VietGAP của các xã đã được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị, như: BigC, Co.opmart và các bếp ăn tập thể của một số đơn vị, doanh nghiệp.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.560 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, có hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài những vùng sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, trên địa bàn tỉnh còn phát triển hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAP, với sự tham gia của 1.925 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm thực hành sản xuất chăn nuôi tốt, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP nông hộ... 100% sản lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được liên kết, tiêu thụ qua các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, lợi nhuận bình quân tại các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt khoảng 130 - 150 triệu đồng/ha/năm.

Thực tế cho thấy, sau khi hình thành những vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các đơn vị, địa phương và người dân luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức học tập, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, nhất là việc coi trọng ứng dụng công nghệ cao vào truy xuất nguồn gốc ngay từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán hàng; quan tâm sản xuất nông sản sạch để đưa ra sản phẩm hàng hóa tốt nhất, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 21957


Các tin khác:
 Thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp (24/05/2021)
 Ngành trồng trọt tiếp đà tăng trưởng (17/05/2021)
 Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi (10/05/2021)
 Huyện Hậu Lộc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả bền vững (10/05/2021)
 Tăng cường các biện pháp phòng, trừ bệnh khảm lá sắn (06/05/2021)
 Nâng cao năng lực dự báo, giám sát phòng, trừ dịch hại trên cây trồng (02/05/2021)
 Tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng cuối vụ (02/05/2021)
 Kết quả tích tụ, tập trung đất đai tại huyện Đông Sơn (29/04/2021)
 Kết quả bước đầu tích tụ, tập trung đất đai (26/04/2021)
 Để cây ăn quả phát triển bền vững: Tiềm năng phát triển cây ăn quả (23/04/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang