Số lượt truy cập
Hôm nay 48082
Hôm qua 39190
Tuần này 152786
Tháng này 3190612
Tất cả 192986196
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 17/11/2022
Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá ngạch (Cranoglanis sinensis)

I. GIỚI THIỆU

Cá ngạnh (Cranoglanis sinensis) là loài cá thuộc họ cá Lăng, phân bố ở Trung Quốc và Việt Nam. Tại Việt Nam, loài này phân bố ở hầu hết ở vùng đồng bằng và trung lưu cá sông lớn miền Bắc như: Hà Nội (sông Hồng, Hưng Yên, Nam định, Thanh Hóa (sông Mã, Nghệ An (sông Lam vùng Con Cuông). Đây là loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, dễ dàng nuôi nhốt trong ao đất cũng như lồng bè trên sông.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng, sản lượng cá Ngạnh khai thác tự nhiên bị giảm sút mạnh và ngày càng trở nên khan hiếm. Nguyên nhân chủ yếu do việc khai thác quá mức bằng các dụng cụ đánh bắt hủy diệt, bên cạnh đó việc xây dựng các đập thủy điện cũng ảnh hưởng đến nơi sinh sống và các bãi đẻ của cá Ngạnh dẫn đến loài cá này đang ngày bị đe dọa. Tại Thanh Hóa đã xuất hiện một số hộ nuôi thử nghiệm cá Ngạnh trong lồng bè trên sông cho kết quả khả quan. Tuy nhiên con giống hoàn toàn phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên và chưa có quy trình kỹ thuật nuôi. Để chủ động con giống nhằm mở rộng quy mô nuôi trồng trên địa bàn tỉnh Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện Nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo Cá ngạnh (Cranoglanis sinensis). Qúa trình nghiên cứu được thực hiện từ khâu lựa chọn cá bố mẹ, kỹ thuật nuôi vỗ, sinh sản và ương giống. Kết quả thực hiện không chỉ cung cấp dẫn liệu ban đầu về kỹ thuật thuật sinh sản nhân tạo cá Ngạnh mà còn cung cấp được con giống cho người dân nuôi trồng.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vật liệu:

2.1.1. Thời gian và địa điểm bố trí thí nghiệm

- Thời gian: từ tháng 10/2021 đến tháng 9 năm 2022

- Đại điểm: tại trại Nghiên cứu cá nước ngọt Công ty thủy sản Thanh Hóa

2.1.2. Đối tượng nghiên cứu:

Cá Ngạnh (Cranoglanis sinensis) có nguồn gốc thu thập từ đánh bắt tự nhiên, khối lượng từ 0,8 - 1,2 kg/con, cá hoàn toàn khỏe mạnh, không dị tật, không trầy xước da, không có dấu hiệu bị bệnh, đủ tiêu chuẩn làm cá bố mẹ. Số lượng 50 cặp.

2.1.3. Ao thí nghiệm nuôi vỗ:

Ao có bờ lát bê tông, độ sâu nước 1,8 - 2,0 m, độ sâu bùn đáy 0,2 m. Dùng lưới ngăn ao thành các ô thí nghiệm riêng biệt, mỗi ô có diện tích 20 m2. Ao có công cấp và thoát nước thường xuyên để tạo dòng chảy liên lục. Ngồn nước chủ động lấy vào từ hệ thống cấp nước nội đồng.

2.1.4. Dụng cụ ấp trứng:

Sử dụng hệ thống khay nhựa ấp ứng (chuyên dụng ấp cá Rô phi). Số lượng một hệ thống 10 khay.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

2.2.1. Thí nghiệm ảnh hưởng thức ăn nuôi vỗ đến thành thục sinh dục cá bố mẹ

- Bố trí thí nghiệm: bố trí nuôi 09 ô thí nghiệm trong ao , mỗi ô có diện tích 20m2 (4m x 5m). Mật độ nuôi 01 con/m2, khối lượng cá bố mẹ từ 0,8 - 1,2 kg/con. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ngẫu nhiên hoàn toàn với 03 nghiệm thức, tương ứng với 03 loại thức ăn khác nhau, mỗi nghiệm thức lặp lại 03 lần 

           Các nghiệm thức thức ăn trong nuôi vỗ cá bố mẹ

Nghiệm thức

Loại thức ăn và hàm lượng protein (%)

Nghiệm thức 1

Sử dụng 100% cá Rô phi cắt lát (02cm2)

Nghiệm thức 2

Sử dụng 50% cá Rô phi cắt lát + 50% Thức ăn viên hỗn hợp hàm lượng protein 40%, lipid 10%

Nghiệm thức 3

Sử dụng 100% thức ăn viên với hàm lượng protein 40%, lipid 10%.

Chế độ cho ăn: Cho ăn ngày 2 lần (8 giờ và 16 giờ). Thức ăn cho vào khay và cố định một vị trí để kiểm soát lượng thức ăn dư thừa, tỷ lệ thức ăn 3% khối lượng thân. Theo dõi môi trường ao nuôi hàng ngày và kiểm tra khả năng thành thục, phát dục của cá định kỳ 1 tháng/lần để xác định độ thành thục của cá bố mẹ. 

2.2.2. Thí nghiệm xác định liều lượng kích dục tố tối ưu 

- Bố trí thí nghiệm: Chọn những cá cái, cá đực có tuyến sinh dục đã thành thục trong thí nghiệm nuôi vỗ bằng các loại thức ăn khác nhau tiến hành thí nghiệm liều lượng kích dục tố khác nhau

Liều lượng kích dục tố 

Nghiệm thức

Thành phần

Liều lượng

Nghiệm thức 1

LRHa + Domperidom

(30 µg LRHa + 5 mg DOM)/kg cá cái

Nghiệm thức 2

LRHa + Domperidom

(60 µg LRHa + 6 mg DOM)/kg cá cái

Nghiệm thức 3

LRHa + Domperidom

(90 µg LRHa + 7 mg DOM)/kg cá cái

Phương pháp tiêm kích dục tố: Cá cái, tiêm 2 lần (1 liều sơ bộ, 1 liều quyết định), liều sơ bộ bằng 1/3 tổng liều, còn lại là liều quyết định, tiêm vào cơ lưng, khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 24 giờ; đối với cá đực tiêm 1 lần vào cơ lưng, liều tiêm bằng 1/3 tổng liều tiêm cho cá cái. Nhiệt độ nước tại thời điểm tiêm kích dục tố cho cá trong khoảng 25 - 270C

Mỗi nghiệm thức sẽ được sử dụng để tiêm cho 03 cặp cá bố mẹ và được lặp lại 3 lần. Lựa chọn công thức phù hợp và tiếp tục cho thực hiện lại nhiều đợt để đánh giá.

Phương pháp thụ tinh:

Trứng được vuốt vào bát sứ khô sau đó dùng tuyến sinh dục của cá đực đã được cắt nhỏ nghiền nát trong cối sứ để trộn vào với trứng, dùng lông gà đảo đều trứng khoảng 1 - 2 phút cho trứng được thụ tinh. Trứng được rửa bằng nước sạch sau đó đưa vào dụng cụ ấp nở.

2.2.3. Phương pháp tính toán:                    

                     Tỷ lệ thành thục (%)

                     Tỷ lệ cá đẻ (%)

          Tỷ lệ thụ tinh (%)

          Tỷ lệ nở (%)

2.2.4. Xử lý số liệu: Số liệu được phân tích bằng phần mềm Excel.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Ảnh hưởng thức ăn nuôi vỗ đến thành thục sinh dục cá bố mẹ

Sau 6 tháng nuôi vỗ cá bốt mẹ, từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022, tỷ lệ cá bố mẹ thành thuc ở giai đoạn IV như sau:

Bảng 1. Kết quả nuôi vỗ cá bố mẹ ở các nghiệm thức

Chỉ tiêu theo dõi

NT 1

NT 2

NT 3

Cái

Đực

Cái

Đực

Cái

Đực

Số lượng cá nuôi vỗ (con)

30

30

30

30

30

30

Số lượng cá sống sau nuôi vỗ (con)

30

30

30

30

30

30

Số lượng cá TTSD giai đoạn IV (con)

14

13

19

21

9

11

Tỷ lệ Tuyến sd ở giai đoạn IV (%)

46.67

43.33

63.33

70.00

30.00

36.67

Kết quả được dẫn ra ở bảng 1 cho thấy: Tỷ lệ tuyến sinh dục thành thục giai đoạn IV đạt cao nhất ở nghiệm thức 2, cá cái đạt 63,33%, cá đực đạt 70%; tiếp theo là nghiệm thức 1, cá cái đạt 46,67%, cá đực đạt 43,33% và thấp nhất ở nghiệm thức 3, cá cái đạt 30%, cá đực đạt 36,67%. Điều này cho thấy thức ăn có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành thục của tuyến sinh dục, đối với việc sử dụng thức ăn 50% cá rô phi + 50 % thức ăn hỗn hợp thích hợp nhất trong giai đoạn nuôi vỗ. Điều này có thể do việc sử dụng cá bố mẹ khai thác tự nhiên, cá đã quen thức ăn tươi sống, việc bổ sung thêm thức ăn tổng hợp đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho cá trong giai đoạn này. Ở nghiệm thức 3, việc sử dụng toàn bộ thức ăn tổng hợp cho thấy tỷ lệ thành thục sinh dục thấp, tích mỡ và béo hơn ở các nghiệm thức còn lại.  

Hình 1. Biểu đồ tỷ lệ thành thục tuyến sinh dục cá Ngạnh

Khi so sánh với một số loại cá tương tự cho thấy, tỷ lệ thành thục sinh dục cá Ngạnh thấp hơn nhiều khi so sánh với đối tượng cá Leo (Wallago Attu Bloch &Schneider, 1801) cá cái đạt từ 83 - 85% và cá đực 74 - 78,6% nhưng tương đương với Cá Lăng đuôi đỏ (Hemibagrus wyckioides) cá cái 45%, cá đực 70%

Kết quả này có thể khẳng định việc nuôi vỗ cá Nganh bố mẹ có nguồn gốc khai thác tự nhiên thì sử dụng thức ăn tươi sống và bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp cho tỷ lệ thành thục sinh dục cao nhất.

3.2. Xác định liều lượng kích dục tố tối ưu 

Kết quả kích thích sinh sản được dẫn ra ở bảng 2. Qua bảng 2 cho thấy liều lượng kích dục tố ở các nghiệm thức đều kích thích quá trình chín và rụng trứng ở cá Ngạnh. Tuy nhiên, liều lượng kích dục tố khác nhau tỷ lệ rụng trứng khác nhau; cao nhất là ở nghiệm thức 1 đạt 95,7%, tiếp theo là ở nghiệm thức 2 đạt 73,33 % và thấp nhất là ở nghiệm thức 3 đạt 55,37%. Điều đó cho thấy lượng kích dục tố thích hợp nhất với cá Ngạnh là (60 µg LRHa + 6 mg DOM)/kg cá cái

Bảng 2. Liều lượng kích dục tố

Chỉ tiêu theo dõi

Nghiệm thức kích dục tố

NT 1

NT 2

NT 3

Số lượng cá cái (tham gia sinh sản)

9

9

9

Khối lượng trung bình cá cái (kg/con)

1,07 ± 0,74

1,07 ± 0,85

1,07 ± 0,74

Tổng khối lượng cá cái (kg)

12,32

12,33

12,29

Tỷ lệ rụng trứng (%)

73,33

95,7

55,37

Kết quả này cao hơn liều lượng kích dục tố sử dụng cho một số loài cá da trơn khác như cá Chiên và cá Lăng Chấm. Theo Nguyễn Anh Hiếu & cs (2008) thì cá Chiên chỉ cần dùng liều kích dục tố 30µg LRH-A + 7mg DOM/kg cá cái[5] và theo Lê Văn Dân &CS (2017) cá Lăng Chấm cho tỷ lệ rụng trứng ở liều lượng 30μg LRHa + 6mg Dom)/kg cá cái [4]

3.3. Kết quả thụ tinh nhân tạo và ấp trứng

Sử dụng pháp thụ tinh khô và hệ thống ấp trứng chuyên dụng cho cá rô phi để ấp trứng cá Ngạnh. Kết quả thực hiện được dẫn ra ở bảng 3. Qua bảng 3 cho thấy:

Bảng 3: Thụ tinh nhân tạo và ấp trứng

Chỉ tiêu theo dõi

Nghiệm thức kích dục tố

NT 1

NT 2

NT 3

Tỷ lệ thụ tinh (%)

48,67 ± 4,18b

50,52 ± 3,45a

48,30 ± 3,87b

Tỷ lệ nở (%)

35,05 ± 3,33

65,74 ± 5,35

22,55 ± 3,17

Thời gian hiệu ứng kích dục tố(giờ)

8 - 10

8 - 10

8 - 10

(Trong cùng hàng, có cùng chữ cái sự khác nhau không có ý nghĩa về mặt thống kê P> 0.05)

Tỷ lệ thụ tinh đạt cao nhất ở nghiện thức 2 với 50,52%, tiếp theo là nghiệm thức 1 đạt 48,67% và nghiệm thức 3 đạt 48,30%. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa nghiệm thức 1 và nghiệm thức 3 không có ý nghĩa về mặt thống kê.

Tỷ lệ nở cho thấy có sự sai khác rất lớn ở các nghiệm thức; đối với nghiệm thức 2, tỷ lệ nở đạt cao nhất với 65,74% và nghiệm thức 1 đạt 35,05%, thấp nhất là nghiệm thức 3 đạt 22,55%. 

Kết quả này cho thấy tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở ở cá Ngạnh tương đương với cá Lăng Chấm (tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở trung bình đạt 48,3 - 54,4% và 38,2 - 47,3%), và thấp hơn  so với nhiều loại cá da trơn khác như cá Chiên (tỷ lệ thụ tinh đạt 68,2% và tỷ lệ nở đạt  68,1%) [2] và cá Nheo Mỹ (tỷ lệ thụ tinh đạt 76,3 – 93,2%, tỷ lệ nở đạt 58,4% đến 70,8%)[6] .

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy liều lượng kích dục tố ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở của trứng. Theo Hogendoorn & Vismans (1980)[7], việc sử dụng kích dục tố không đúng liều lượng có thể dẫn đến việc vuốt trứng quá sớm khi trứng “chưa chín” kết quả là làm giảm tỉ lệ thụ tinh và tăng tỉ lệ phôi dị hình hoặc liên quan đến rối loạn thành thục sinh dục dẫn đến hiện tượng vỡ noãn hoàng hay không hấp thu được noãn hoàng của cá bột (Zohar và Mylonas, 2001)[8].

Về thời gian hiệu ứng của thuốc, không có sự khác biệt giữa các công thức sử dụng kích dục tố. Thời gian hiệu ứng kích dục tố của cá Ngạnh là 8 - 12 giờ ở nhiệt độ nước 25-29°C, khoảng thời gian này được cho là trung bình so với các loài cá thông thường (ở cùng nhiệt độ) như cá Chép 6-8 giờ, cá Trắm cỏ 7-8 giờ (Phạm Báu & cs, 2000)[1] và cá Nheo Mỹ 16 giờ (Nguyễn Văn Chung & cs, 2017)[3].

            KẾT LUẬN

Từ kết quả nghiên cứu có thế khẳng định một số vấn đề về sinh sản nhân tạo trên cá ngạnh như sau:

1. Đối với cá Ngạnh sông có nguồn gốc tự nhiên được tuyển chọn nuôi vỗ, sử dụng thức ăn là cá tạp 50%+ thức ăn tổng hợp 50% cho tỷ lệ thành thục sinh dục cao nhất, cá cáu đạt 63,33% và cá đực 70%

            2. Liều lượng kích dục tố tối ưu nhất là (60 µg LRHa + 6 mg DOM)/kg cá cái.

            3. Tỷ lệ thụ tinh đạt 50,52%, tỷ lệ nở đạt 65,74%, thời gian hiệu ứng của kích dục tố từ 8 - 10 giờ tùy theo nhiệt độ môi trường nước.

            KIẾN NGHỊ

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được quy trình sinh sản nhân tạo cá Ngạnh sông và đã đưa vào sản xuất giống tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu tiếp theo để hoàn thiện quy trình, đặc biệt là nghiên cứu các về kỹ thuật nuôi vỗ, kích dục tố, đối với cá Ngạnh đã thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Báu, Nguyễn Đức Tuân, Bùi Đình Đặng & Nguyễn Công Thắng (2000), Điều tra nghiên cứu hiện trạng và bảo vệ phục hồi một số loài cá hoang dã, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên hệ thống sông Hồng. Báo cáo tổng kết đề tài - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I

 2. Võ Văn Bình (2014), Khai thác và Phát triển Nguồn gen cá Chiên (Bagarius rutilus Ng&Kottelat, 2000). Báo cáo tổng kết đề tài. Viện Nghiên cứu thủy sản I

3. Nguyễn Văn Chung, Lê Ngọc Khánh, Võ Văn Bình & Nguyễn Hải Sơn (2017), Ảnh hưởng của nhiệt độ và liều tiêm HCG đến sinh sản cá nheo Mỹ Ictalurus punctatus (Rafinesque, 1818). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.12: 104-108

4. Lê Văn Dân (2017), Kết quả sinh sản nhân tạo cá Lăng Chấm (Hemibagrus guttatus Lacépède, 1803) tại quảng Bình. Tạp chí Khoa học Đại học Huế. Nông nghiệp và Phát triển Nông.2017-04-12

5. Nguyễn Anh Hiếu, Trần Ngọc Thư & Nguyễn Hữu Ninh (2008), Nghiên cứu nuôi vỗ thành thục và sản xuất giống cá Chiên (Bargarius rutilus Ng & Kottelat 2000). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 8: 48-51.

6. Phạm Văn Phong (2020), Sinh sản nhân tạo cá Nheo Mỹ. Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc. Tạp chí thủy sản Việt Nam Thứ 2 ngày 6/7/2020.

7. Hogendoorn, H., and M.M. Vismans (1980), Controlled propagation of the African catfish Clarias lazera (C&V). II. Artificial reproduction. Aquaculture 21:39-53

8. Zohar, Y., and Mylonas, C.(2001), Endocrine manipulations of spawning in cultured fish: from hormones to genes. Aquaculture, 197: 99–136.

Tác giả: ThS. Hoàng Văn Tuân, ThS. Nguyễn Văn Hóa - Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 11892


Các tin khác:
 Một số biện pháp phòng chống sâu, bệnh hại Quế (03/11/2022)
 Phát triển nghề nuôi tôm Thẻ chân trắng theo hướng bền vững tại huyện Hoằng Hoá (03/11/2022)
 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia cầm đảm bảo an toàn sinh học”. (03/11/2022)
 Hiệu quả bước đầu mô hình “Sản xuất bí xanh an toàn gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” (27/10/2022)
 Hiệu quả mô hình “Ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa thông minh trong sản xuất lúa chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” (27/10/2022)
 Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng “Stress nhiệt” trên đàn gia cầm trong chăn nuôi nông hộ (27/10/2022)
 Hiện trạng, giải pháp phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển bền vững tại Thanh Hoá. (26/10/2022)
 Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản vụ thu đông (10/10/2022)
 Thanh Hóa: Hiệu quả bước đầu mô hình “Sản xuất lúa chất lượng BT09 theo chuỗi giá trị hàng hóa”. (05/10/2022)
 Mô hình nuôi các vược hiệu quả cao (13/09/2022)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang