Tham dự Hội nghị có đ/c Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; đ/c Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát; đ/c Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát; các đồng chí Lãnh đạo các Sở, ngành, UBND, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Mường Lát.
Mường Lát là huyện miền núi vùng cao biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hoá, với đường biên giới dài 105,5km. Địa hình phức tạp, chia cắt nhiều, đồi núi cao, độ dốc lớn, đất đai cằn cỗi, nằm trong vùng thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.
Đồng chí Lê Đức Thuận – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khai mạc và đồng chủ trì Hội nghị
Trong giai đoạn 2016-2020 Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã lãnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; phát triển nông, lâm nghiệp tiếp tục được xem là nền tảng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn nhất định và vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân huyện Mường Lát cần phải xem xét, giải quyết, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, đồng chí Lê Đức Thuận – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, trên cơ sỏ chức năng nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đánh giá để có cách nhìn sâu sắc, rõ ràng hơn về những khó khăn, thách thức trong phát triển lâm, nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Mường Lát; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, các giải pháp để phát triển lâm, nông nghiệp theo hướng bền vững trong giai đoạn tới.
Đồng chí Mai Hữu Phúc – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm báo cáo tại Hội nghị
Trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp trên địa bàn huyện Mường Lát đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, kinh tế lâm nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành, lĩnh vực; giá trị sản xuất bình quân giai đoạn (2016-2020) đạt 32,6 tỷ đồng; chức năng phòng hộ và các chức năng khác của rừng ngày càng được phát huy; áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh tăng năng suất và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện đã được đẩy mạnh; bước đầu đang hình thành và phát triển các sản phẩm trồng trọt chủ lực theo hướng tăng năng suất, giá trị, hiệu quả, mở rộng diện tích thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng hiệu quả. Giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng trọt tăng; năng suất, sản lượng cây trồng chính tăng; nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã thực sự có hiệu quả như trồng Mận, Đào, Chuối; về xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP: Huyện đã có 01 sản phẩm - Gạo nếp Cáy Nọi của Hợp tác xã nông lâm Chung Thành (bản Pùng, xã Quang Chiểu) được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 80%; có vùng trồng cây lâu năm đặc hữu địa phương (đào, mận, mơ...) 550 ha; 7/7 xã đạt chuẩn NTM; sản xuất chăn nuôi trong trang trại, Đàn lợn chiếm 18%, Đàn gia cầm 20%, đàn trâu bò 10%; diện tích nuôi trồng thủy sản 38,5 ha và 5.000 m3 lồng nuôi năng suất cao (3-5 tấn/lồng/chu kỳ nuôi) giá trị sản xuất từ 12-15 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát đồng chủ trì Hội nghị
Đồng chí Hà Văn Ca – Bí thư Huyện ủy Mường Lát phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị đ/c Hà Văn Ca – Bí thư Huyện ủy Mường Lát tiếp thu 09 ý kiến của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng, đơn vị tại địa phương. Đồng thời nêu rõ những khó khăn về nội tại của huyện Mường Lát: có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, độ dày lớp đất mặt mỏng, thời tiết có nhiều kiểu hình khí hậu. Dân cư chủ yếu là dân tộc thiểu số, phong tục tập quán còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của huyện. Cũng tại Hội nghị đ/c Hà Văn Ca đề nghị tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong việc trồng rừng sản xuất, tạo sinh kế, ổn định đời sống cho nhân dân và đề xuất một số biện pháp thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi áp dụng trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, Lãnh đạo huyện Mường Lát sẽ quan tâm, chỉ đạo sát sao việc xây dựng bản đồ nông hóa; đề án xây dựng nông nghiệp bền vững; mở rộng diện tích rừng sản xuất; rà soát đánh giá hiện trạng 3 loại rừng; đầu tư hạ tầng thiết yếu; phát triển vùng trồng mơ, đào; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài.

Đồng chí Cao Văn Cường – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu, kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị đ/c Cao Văn Cường – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT xác định rõ huyện Mường Lát là huyện có vị trí địa lý quan trọng về kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh của tỉnh. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc đầu tư phát triển toàn diện huyện Mường Lát. Để khai thác lợi thế to lớn đó, đ/c Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện, các sở ngành khẩn trương triển khai các nội dung: Xác định cụ thể cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng loại đất, từng khu vực cụ thể; trong đó, xác định phát triển chăn nuôi là ngành sản xuất chính của Mường Lát; Phát triển thương hiệu lúa nếp Cáy Nọi, phục tráng, phát triển giống, cung cấp giống cho bà con nông dân; Xác định trồng rừng, bảo vệ rừng là nhiệm vụ số một trong phát triển nông nghiệp của huyện Mường Lát; kiên quyết ngăn chặn tình trạng phá rừng sản xuất để chuyển sang trồng các loại cây khác. Nguyên cứu đề xuất trồng rừng trên tinh thần lấy cây bản địa làm mục tiêu phát triến, sau đó mới đưa những cây phù hợp có giá trị kinh tế vào sản xuất; Rà soát lại diện tích trồng rừng; Thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư vào nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; Trồng bổ sung rừng sản xuất phù hợp với địa hình, địa chất tại các khu vực trên địa bàn huyện nhằm nâng cao giá trị kinh tế, phòng chống các tác động xấu của thiên tai; Đề xuất đầu tư hạ tầng nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và ổn định dân cư cụ thể đối với tùng vùng (nội dung đề xuất cần nêu rõ từng dự án, quy mô đầu tư, TMĐT của tùng dự án); sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư theo tinh thần vùng nào khó khăn làm trước, vùng nào đã được đầu tư cơ bản, đỡ khó khăn hơn làm sau; Đề xuất xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo đảm dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện Mường Lát và triển khai thực hiện được ngay trong năm 2022, (mô hình trồng Đào, Mận tập trung ở các xã Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn…; trồng Trẩu tập trung, trồng cây gai xanh...); Các đơn vị đóng trên địa bàn huyện phối hợp với UBND huyện xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển sinh kế cho người dân.