Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục trồng trọt và BVTV; Lãnh đạo UBND huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc; Đại diện lãnh đạo công ty TNHH XNK Nông sản T9.
.jpg)
Lãnh đạo UBND huyện Lang Chánh và PGĐ Sở Hoàng Viết Chọn đồng chủ trì Hội nghị
Tại hội nghị Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Trồng trọt và BVTV báo cáo đề dẫn về tình hình sản xuất, chủ trương ,định hướng, cơ chế chính sách phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh nói chung, tình hình phát triển cây xoài và chanh leo (lạc tiên) nói riêng. Công ty TNHH XNK nông sản T9 đã trình bày phương án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm xoài keo, chanh leo tại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025. Trong đó, đã nêu chi tiết, rõ ràng về cơ chế đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, phương thức tổ chức sản xuất, thu mua, giá cả, chính sách bảo lãnh (LC) qua ngân hàng trong quá trình hợp tác liên kết bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên liên kết;
Theo Phương án của Công ty, nhu cầu liên kết, sản xuất, bao tiêu sản phẩm giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 10.000 ha các loại cây xoài, chanh leo với cơ chế công ty đầu tư ứng trước giống, phân bón, thuốc BVTV, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong quá trình trồng, chăm sóc.
Về hiệu quả kinh tế, cây xoài năm thứ 5 cho trung bình 15-20 tấn quả/ha/năm; cây chanh leo cho năng suất từ 25 tấn/ha/năm, thu hoạch sau trồng 6 tháng; Giá thu mua theo giá thị trường, Công ty ký hợp đồng giá sàn thấp nhất: Với xoài thấp nhất 4000đ/kg; Với chanh leo thấp nhất 6000đ/kg. Thu nhập trên 1 ha có thể lên tới 400-500 triệu đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về cách thức tổ chức thực hiện, phân tích những lợi thế, khó khăn, hướng khắc phục để phát triển cây ăn quả nói chung, cây xoài keo và chanh leo nói riêng đảm bảo thống nhất các nội dung, mục tiêu, phương án và kế hoạch đề ra, đồng thời tạo niềm tin và cơ sở cho các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục quan tâm và đầu tư vào Thanh Hóa.
Kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Hoàng Viết Chọn đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
- Bám sát định hướng của tỉnh về phát triển cây ăn quả tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 198/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 với mục tiêu tổng diện tích cây ăn quả tập trung đạt 18.000 ha.
- Trên cơ sở các dữ liệu khoa học của nhiệm vụ xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, để lựa chọn đối tượng cây ăn quả, loại giống cây ăn quả phù hợp đưa vào sản xuất và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh.
- Tìm hiểu nhu cầu thị trường, căn cứ định hướng phát triển cây ăn quả của tỉnh, các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng phát triển của địa phương để lựa chọn, phát triển các sản phẩm cây ăn quả phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH XNK Nông sản T9 trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm xoài keo, chanh leo; từng bước nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo quyết định số 198/QD-UBND ngày 12/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh.
.jpg)
.jpg)
Các đại biểu thăm mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây chanh leo tại huyện Lang Chánh