Số lượt truy cập
Hôm nay 45201
Hôm qua 39190
Tuần này 149905
Tháng này 3187731
Tất cả 192983315
Browser   (Today) Chi tiết >>
Chủ nhật, 13/03/2022
Mô hình trồng hoa tập trung ở xã Yên Trường

Thực hiện mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng trọt, năm 2017, UBND xã Yên Trường (Yên Định) đã định hướng cho một số hộ dân trên địa bàn đưa cây hoa vào trồng trên diện tích đất 2 lúa, đất vườn tạp

Diện tích trồng hoa của gia đình anh Trịnh Xuân Thanh, thôn Thạc Quả, xã Yên Trường

Theo đó, trên cơ sở phân tích sự phù hợp với điều kiện canh tác, một số hộ dân của thôn Thạc Quả đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng một số loại hoa được thị trường tiêu thụ mạnh, như: hoa ly, hướng dương, cúc. Nhờ lựa chọn được loại hoa phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết, người trồng hoa lại được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ thuật canh tác, nên mô hình trồng hoa đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội ngay từ vụ đầu tiên.

Anh Trịnh Xuân Thanh, thôn Thạc Quả, xã Yên Trường, nhớ lại: Vụ hoa đầu tiên vào năm 2017, gia đình anh đầu tư 50 triệu đồng, cải tạo cơ sở hạ tầng để trồng 1 sào hoa ly. Sau 4 tháng, hoa ly cho thu hoạch, với 7.000 gốc, anh thu về 210 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư hạ tầng và vật tư sản xuất, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Vì vậy, gia đình anh đã thuê lại diện tích của nhiều hộ dân bên cạnh để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa tập trung. Hiện tại, diện tích trồng hoa của gia đình anh đã lên tới gần 1 ha. Anh Thanh cho biết: Diện tích trồng hoa được mở rộng theo hướng tập trung đồng nghĩa với việc áp lực về sản xuất và thị trường càng cao. Vì vậy, để bảo đảm được hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng hoa, anh trồng đa dạng hóa loại hoa. Đồng thời, đấu mối với các đại lý, cửa hàng cung ứng hoa trong và ngoài huyện để liên kết tiêu thụ. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế được bảo đảm. Năm 2021 vừa qua, với 1 ha trồng hoa, gia đình anh Thanh thu lãi hơn 800 triệu đồng.

Việc đưa cây hoa vào trồng trên diện tích lúa và vườn tạp ngày càng chứng minh được hiệu quả kinh tế vượt trội so với những cây trồng trước đó. Vì thế, ngày càng có nhiều hộ dân triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình. Theo thống kê của xã Yên Trường, hiện trên địa bàn xã có khoảng hơn 30 hộ trồng hoa tập trung, với tổng diện tích 7 ha. Diện tích trồng hoa đạt lợi nhuận bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá của đồng chí Trịnh Xuân Huy, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trường: Việc triển khai và nhân rộng mô hình trồng hoa tập trung đã và đang giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, góp phần nâng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của xã lên 150 triệu đồng/ha/năm. Để có được hiệu quả nói trên, trước khi thực hiện chuyển đổi, xã Yên Trường đã tổ chức đoàn đi khảo sát, tham quan, học hỏi mô hình trồng hoa tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tham vấn ý kiến của một số đơn vị chuyên môn, như: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, về các giống hoa phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của người dân để đưa vào sản xuất, trên cơ sở đó định hướng, hướng dẫn cho các hộ dân triển khai thực hiện mô hình. Để trồng hoa đạt năng suất, chất lượng cao, yêu cầu người trồng phải nắm vững được quy trình, kỹ thuật canh tác cũng như đặc tính của từng loại hoa. Vì vậy, trước khi triển khai mô hình, UBND xã Yên Trường đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa cho các hộ đăng ký thực hiện mô hình. Bản thân các hộ trồng hoa cũng chủ động tìm hiểu thêm kiến thức về kỹ thuật trồng hoa từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Nhờ đó, mô hình trồng hoa trên địa bàn xã luôn duy trì, phát huy được hiệu quả kinh tế.

Để bảo đảm hiệu quả kinh tế ổn định cho diện tích trồng hoa, trước mắt, xã Yên Trường đang định hướng cho các hộ dân tập trung nâng cao năng suất, chất lượng của diện tích trồng hoa thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển diện tích trồng hoa theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, đưa các giống hoa mới, đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của người dân trong xã.


Nguồn tin: Báo Thanh Hóa,   Tác giả: Tiến Xuân
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 18314


Các tin khác:
 Phạm vi phân bố và mức độ gây hại của bệnh khảm lá sắn tại Thanh Hóa (26/12/2021)
 Giải pháp phát triển bền vững cây sắn trên địa bàn Thanh Hóa (23/12/2021)
 Triển khai phương án trồng trọt năm 2022 (10/11/2021)
 Tạo trợ lực để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (28/10/2021)
 Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND – “Bệ đỡ” thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển: Bài 1 - Nghị quyết của tinh thần đổi mới (28/10/2021)
 Phát triển vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (21/10/2021)
 Huyện Hậu Lộc tập trung nâng cao giá trị cây trồng vụ đông (19/10/2021)
 Hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (18/10/2021)
 Khôi phục sản xuất, chăm sóc cây trồng sau đợt mưa lớn (16/10/2021)
 Sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch (15/10/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang