Với mục tiêu xác định đặc điểm sinh học, sinh thái cơ bản và đề xuất biện pháp phòng trừ có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do loài sâu Bọ que gây ra; xây dựng mô hình khoa học công nghệ phòng trừ sâu bọ que hại luồng và đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên. Đề tài đã thực hiện trong 24 tháng (từ 5/2011 đến tháng 5/2013) tại xã Nam Động - Quan Hoá và xã Sơn Điện – Quan Sơn, gồm 06 nội dung:
Nội dung 1: Tập hợp tài liệu liên quan nội dung nghiên cứu; khảo sát sơ bộ vùng triển khai thực hiện đề tài, lựa chọn địa điểm để bố trí các ô điều tra, ô thí nghiệm, vùng thử nghiệm và địa điểm xây dựng mô hình ứng dụng phòng trừ tổng hợp.
Nội dung 2: Điều tra thành phần và đánh giá mức độ gây hại sâu bọ que hại luồng gây ra.
Nội dung 3: Nghiên cứu xác định một số chỉ tiêu về hình thái, sinh thái học, quy luật phát sinh, phát triển theo mùa vụ trong năm.
Nội dung 4: Nghiên cứu các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến quy luật phát sinh, phát triển sâu Bọ que và ký sinh thiên địch của chúng để có cơ sở xây dựng cấp dự báo sâu Bọ que phục vụ công tác quản lý.
Nội dung 5: Xây dựng mô hình phòng, trừ tổng hợp dịch hại có hiệu quả.
Nội dung 6: Xây dựng các báo cáo kết quả nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu của đề tài bước đầu đã xác định được đặc điểm hình thái, sinh thái học, quy luật phát sinh, phát triển trong năm; mối tương quan giữa các yêu tố môi trường và sự sinh trưởng, phát triển của sâu Bọ que.
Từ các Công thức thí nghiệm một số thuốc phòng trừ, đề tài đã đưa ra loại thuốc phòng trừ có hiệu quả Patox 95 SP, liều lượng 1kg/ha, phun ở giai đoạn tuổi 1, 2 của sâu Bọ que.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra mô hình phòng trừ sâu Bọ que tổng hợp (IBM), trong đó sử dụng biện pháp lâm sinh, sinh học, thủ công, vật lý cơ giới chủ đạo, biện pháp hoá học chỉ sử dụng khi mật độ quần thể đến ngưỡng gây hại.
Đề tài nghiên cứu đã được Hội đồng KHCN đánh giá xếp loại khá.
Kết luận tại cuộc họp, Đồng chí Lê Văn Đốc – Phó Giám đốc Sở - Chủ tịch Hội đồng KHCN cấp cơ sở đã nhận xét: Đây là một đề tài nghiên cứu mới, có tính thực tiễn cao. Đề tài đã đưa ra được các sản phẩm nghiên cứu theo nội dung đã phê duyệt và quan trọng hơn bước đầu đã xác định được hình thái, quy luật sinh trưởng, pháp triển của sâu Bọ que hại luồng tại tỉnh Thanh Hoá. Từ đó, đề tài đã đưa ra được loại thuốc hoá học Patox 95 SP phun khi mật độ sâu gây hại lớn và biện pháp phòng trừ tổng hợp (IBM). Tuy nhiên, đề tài cần mở rộng nghiên cứu sâu về đối tượng sâu Bọ que hại luồng trên các địa bàn khác nhau của tỉnh Thanh Hoá và bố trí các công thức thuốc hoá học ở nhiều loại, nồng độ khác nhau nhằm tìm ra công thức hoá học có hiệu quả nhất để phun khi mật độ sâu đến ngưỡng gây hại; xây dựng phương án dự tính, dự báo trong công tác quản lý dịch hại trên cây trồng lâm nghiệp trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu đề tài:



